Xuất khẩu vật tư nông nghiệp: Campuchia là thị trường quan trọng
Ngành nông nghiệp Việt Nam lệ thuộc nhiều vào nhập khẩu vật tư nông nghiệp (VTNN), mỗi năm tiêu tốn khoảng 12-14 tỷ USD. Tuy nhiên, những năm gần đây, nước ta đã bắt đầu xuất khẩu (XK) một số VTNN, với tốc độ tăng trưởng khá nhanh. Trong đó, Campuchia đang là thị trường tiêu thụ lớn nhất VTNN của nước ta. |
Năm 2014, lần đầu tiên mặt hàng thức ăn chăn nuôi (TACN) bất ngờ có tên trong bảng thống kê XK hàng tháng của Tổng cục Hải quan, với tư cách là một trong những mặt hàng XK chính. Tính đến giữa tháng 7/2014, kim ngạch XK TACN đạt gần 230 triệu USD. Điều đáng nói là, lô hàng TACN đầu tiên được XK là vào năm 2011, nhưng XK mặt hàng này đã tăng nhanh chóng, tạo bước ngoặt mới cho ngành chế biến TACN Việt Nam. TACN đã xuất khẩu sang 13 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, chủ yếu là châu Á. Quốc gia duy nhất không phải châu Á nhập khẩu TACN của Việt Nam là Mỹ. Trong đó, Trung Quốc có kim ngạch NK lớn nhất với hơn 62 triệu USD, tiếp đến là Campuchia gần 46 triệu USD, Malaysia trên 26 triệu USD, Ấn Độ gần 9 triệu USD, Bangladesh gần 1,8 triệu USD, Thái Lan 1,4 triệu USD. Một số quốc gia phát triển như Nhật Bản cũng NK gần 20 triệu USD, Hàn Quốc gần 10 triệu USD và Mỹ gần 800.000 USD. Việc TACN xâm nhập được vào những thị trường khó tính, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ đánh dấu bước tiến quan trọng của ngành chế biến TACN trong nước. Trong đó, nhiều công ty sản xuất TACN đã có được mối hàng xuất khẩu ổn định với khối lượng đáng kể sang các thị trường nói trên.
TACN được các DN XK gồm: cám bột, viên cho lợn, gà, thủy cầm và thức ăn dạng thô ủ lên men cho bò sữa, bò thịt. Theo ông Hồ Sáu, Giám đốc Công ty CP Việt Nông Lâm, công ty chuyên sản xuất TACN từ thân bắp tươi và một số nguyên liệu khác để XK sang thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, sản phẩm của công ty được thị trường này chấp nhận và đặt hàng với số lượng lớn, lên đến cả ngàn tấn/tháng. Bộ Nông nghiệp và PTNT dự báo, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành quốc gia XK TACN hàng đầu thế giới trong tương lai, với kim ngạch lên tới hàng tỷ USD mỗi năm.
Campuchia đang được đánh giá là thị trường tiềm năng nhất cho XK VTNN của nước ta. XK nông sản của Việt Nam sang Campuchia hiện còn rất khiêm tốn. Trong 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch XK thủy sản sang Campuchia chỉ đạt trên 7,3 triệu USD, gỗ và sản phẩm gỗ 1,5 triệu USD, hàng rau quả 1,3 triệu USD, càphê trên 665.000 USD… Các mặt hàng nông sản khác xuất sang Campuchia với giá trị không đáng kể.
Trái ngược với các mặt hàng nông sản, nhiều mặt hàng VTNN XK sang Campuchia đạt kim ngạch khá tốt. TACN cũng là loại VTNN mà các doanh nghiệp Việt Nam đang đẩy mạnh XK sang thị trường Campuchia, chủ yếu là sản phẩm cám đậm đặc (loại cám dùng để pha trộn). Theo ông Phạm Đức Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, ngành chăn nuôi của Campuchia đang bắt đầu phát triển nhưng lĩnh vực sản xuất TACN còn sơ khai, tạo điều kiện cho việc XK TACN sang thị trường này. Thị trường Campuchia chủ yếu nhập khẩu thức ăn cho vịt và heo. Một số doanh nghiệp không chỉ XK mà còn sang đầu tư nhà máy sản xuất TACN ngay tại Campuchia nhằm tận dụng nguồn nguyên liệu cám gạo, ngô, sắn… tương đối rẻ ở đây. Những doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn, như: Công ty CP Việt - Pháp (Proconco) cũng đã nhanh chân nhảy vào thị trường này. Ông Nguyễn Văn Nhật, Phó tổng giám đốc Công ty CP Việt - Pháp, cho biết, mỗi năm nhà máy ở Campuchia sản xuất hơn 30.000 tấn TACN các loại cho thị trường này. Ngoài việc tổ chức sản xuất tại Campuchia, hiện doanh nghiệp mới cung cấp một lượng nhỏ sản phẩm được bán sang thị trường Lào qua cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh), chủ yếu là cám dành cho thủy cầm. Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam cũng đã xây dựng nhà máy chế biến để cung cấp ở 2 thị trường Campuchia và Lào.
Trong nửa đầu năm nay, Campuchia cũng đã NK trên 215.000 tấn phân bón từ Việt Nam, kim ngạch hơn 80 triệu USD. Có thể nói, Campuchia đang là thị trường lớn nhất của phân bón Việt Nam và bỏ xa thị trường đứng thứ 2 là Hàn Quốc (gần 73.000 tấn, trị giá trên 20 triệu USD). Phân bón Việt Nam XK sang Campuchia gần như đủ mặt các chủng loại quan trọng mà ngành phân bón đã sản xuất được. Trong đó, nhiều nhất là urê với lượng XK đạt trên 56.000 tấn, tiếp đó là NPK trên 36.000 tấn, DAP trên 34.000 tấn… Cho dù phân bón nói riêng, VTNN nói chung đang mở rộng thị trường XK sang nhiều quốc gia, nhưng theo các chuyên gia, trong những năm tới, Campuchia, Lào, Myanmar sẽ tiếp tục là đầu ra XK quan trọng nhất cho nhóm mặt hàng này của nước ta
(Nguồn: kinhtenongthon.com.vn)