Nỗi lo cây giống, vật tư nông nghiệp kém chất lượng
Nhiều
gia đình ở xã Vĩ Thượng, huyện Quang Bình (Hà Giang) thoát nghèo, có
thu nhập ổn định từ cải tạo vườn, đồi, phát triển kinh tế nông, lâm
nghiệp.
Trên
địa bàn tỉnh Đác Lắc có một số cơ sở, cá nhân kinh doanh những loại cây
giống, phân bón kém chất lượng, gây nhiều thiệt hại cho sản xuất của bà
con nông dân. Chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn hành vi vi
phạm này.Toàn tỉnh Đác Lắc hiện có hơn 1.100 cửa hàng, đại lý kinh doanh phân bón. Thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) tỉnh đã tăng cường kiểm tra, phát hiện nhiều vụ kinh doanh phân bón giả, vi phạm về nhãn mác hàng hóa... Năm 2013, qua kiểm tra 17 đại lý kinh doanh đã phát hiện 12 vụ vi phạm, tịch thu gần 30 tấn phân bón, tiến hành xử phạt hành chính 74 triệu đồng. Chi cục phó Chi cục QLTT tỉnh Đác Lắc Giao Thanh Tùng cho biết, nếu không được phát hiện, ngăn chặn kịp thời, số lượng lớn phân bón nêu trên sẽ bị tuồn ra thị trường và người nông dân phải gánh chịu hậu quả.
Để phân biệt chất lượng phân bón bằng mắt thường thì ngay cả lực lượng chức năng cũng không làm được. Đội phó Đội QLTT số 1 (Cục QLTT Đác Lắc) Lương Tiến Dũng cho biết, cách phân biệt duy nhất là lấy mẫu đem đi phân tích, trong khi chủng loại phân bón thì quá đa dạng, với khoảng 4.000 loại nằm trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam, cùng với hơn 30 nghìn đơn vị kinh doanh phân bón trên phạm vi cả nước, cho nên rất khó khăn cho cơ quan chuyên môn. Ông Võ Công Hùng, ở xã Quảng Hiệp, huyện Cư M'gar, đã hơn 30 năm gắn bó với ruộng vườn, cho biết: Bằng mắt thường không thể phát hiện được phân bón giả. Khi mua về sử dụng, sau một thời gian thấy cây không phát triển thì mới biết đã mua phải phân bón kém chất lượng.
Thời gian qua, lực lượng QLTT chỉ chủ yếu tập trung kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về điều kiện sản xuất, kinh doanh phân bón, về niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, các quy định về hóa đơn, chứng từ, nhãn hàng hóa... Nghĩa là chỉ dừng lại ở việc kiểm tra hành chính đơn thuần chứ không đi sâu vào chất lượng phân bón nếu không thấy có dấu hiệu vi phạm. Chỉ khi nào phát hiện cơ sở kinh doanh vi phạm mới tiến hành tạm giữ hàng hóa và lấy mẫu gửi đi phân tích chất lượng. Hơn thế, lực lượng QLTT không có thẩm quyền kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất phân bón mà phải báo trước ba ngày... Khoảng thời gian đó, đủ để các cơ sở sản xuất phân bón kém chất lượng xóa hết dấu vết vi phạm.
Trong vụ đông xuân 2013 - 2014, tại xã Dak Nuê, huyện Lắc, nhiều hộ dân đã gieo trồng giống ngô NK67 hiệu Syngenta có xuất xứ từ Thái-lan, được Công ty TNHH Syngenta Việt Nam nhập khẩu, do Công ty cổ phần bảo vệ thực vật An Giang phân phối.
Khi gieo trồng, cây sinh trưởng tốt nhưng nhiều bắp lại không có hạt khiến hàng trăm hộ dân điêu đứng.
Cụ thể, tỷ lệ cây ngô cho hạt rất thấp, năng suất bị sụt giảm từ 30 đến 50%.
Với giống ngô lai, năng suất trung bình đạt khoảng 12 tấn/ha, theo tính toán, trừ chi phí nông dân còn lãi từ 20 đến 50 triệu đồng/ha; nhưng gặp phải ngô giống kém chất lượng, nông dân sẽ bị thiệt hại khoảng 15 đến 18 triệu đồng/ha tiền giống. Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lắc Nguyễn Văn Chiến cho biết: Tình trạng giống ngô NK67 không hạt, thưa hạt, thụ phấn kết hạt kém không chỉ xảy ra ở xã Dak Nuê mà còn xảy ra ở nhiều xã khác như Dak Liêng, thị trấn Liên Sơn...
Một câu chuyện khác ở hai huyện Ea Kar và Krông Bông là hàng trăm hộ dân nơi đây đã chọn trồng giống bí Nhất Phẩm (nguồn gốc từ Trung Quốc) do được giới thiệu là giống bí mới cho hiệu quả kinh tế cao, dễ trồng. Đến kỳ thu hoạch năng suất chỉ vài tạ/sào, nông dân lỗ nặng. Toàn huyện Krông Bông có 129 hộ trồng với diện tích hơn 50 ha và gần 100 hộ khác ở huyện Ea Kar điêu đứng vì trồng giống bí đỏ này...
Hằng năm, các ngành chức năng ở tỉnh Đác Lắc đã tiến hành kiểm tra chất lượng giống cây trồng trên thị trường. Song, số đại lý được kiểm tra cũng chỉ chiếm chưa đầy 10% số lượng cơ sở kinh doanh giống trên toàn tỉnh. Các biện pháp xử lý khi kiểm tra phát hiện giống giả, giống kém chất lượng cũng chỉ là buộc thu hồi lại giống và xử phạt hành chính (từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng), nên vẫn không đủ sức răn đe. Ông Trương Nhân Đình ở phường Ea Tam (TP Buôn Ma Thuột) bộc bạch, thường người bán cây giống chỉ giới thiệu sơ lược về xuất xứ, chủng loại chứ không nói rõ mặt hàng đó đã được cơ quan chức năng kiểm định, công bố chất lượng hay chưa. Về vấn đề này, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn đầu tư, phát triển Nông lâm nghiệp Ea Kmat Trần Vinh cho biết, quy trình sản xuất đúng kỹ thuật quyết định lớn đến chất lượng cây giống. Để có một cây giống đạt yêu cầu đến tay người tiêu dùng thì phải trải qua nhiều công đoạn khắt khe (từ cây gốc đến kỹ thuật cấy ghép, chăm sóc, đầu tư cơ sở hạ tầng...), và quan trọng nhất là việc xây dựng được các vườn cây đầu dòng. Các cơ sở tự phát, nhỏ lẻ không có điều kiện để đầu tư thực hiện đầy đủ quy trình đó.
Chính vì vậy, nhiều cơ sở sản xuất giống ở Đác Lắc sản xuất ra loại giống không bảo đảm chất lượng, dẫn đến giá bán cũng rẻ. Ông Vinh cũng cho biết thêm, hiện công ty đang bán giống cây bơ Booth có cam kết về chất lượng (với giá 30 đến 35 nghìn đồng/cây), còn hàng chục cơ sở tư nhân khác ở xã Hòa Thắng cũng bán giống bơ nhưng chất lượng thì thả nổi, nếu không có biện pháp xử lý kịp thời thì nông dân sẽ bị thiệt hại.
Được biết, Đác Lắc hiện có hơn 600 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, nhưng cơ sở đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh thì không nhiều. Vì vậy, đề nghị tỉnh Đác Lắc có những biện pháp quyết liệt hơn trong việc thường xuyên kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, phân bón để nông dân không phải chịu nhiều thiệt hại từ việc sử dụng những sản phẩm phân bón, giống cây trồng kém chất lượng.
(Nguồn: nhandan.com.vn)