Người Mỹ vừa trải qua một trong những mùa đông lạnh giá nhất trong ký ức sống, Anh quốc vừa hứng chịu một trong những trận lụt trái mùa bất thường nhất trong lịch sử... Ấm lên toàn cầu đang gây ra những tác động hữu hình và một báo cáo mới của Liên hiệp quốc lại tập trung vào cuộc bàn thảo công khai về một vấn đề mà một số nhà khoa học gọi là mối đe dọa lớn nhất thế giới đang đối mặt. Trong một báo cáo tung ra hôm thứ năm về tình trạng của hành tinh, Ủy ban về thay đổi khí hậu liên chính phủ (IPCC) cảnh báo nếu không có ngay các biện pháp để giảm khí thải nhà kính, nông nghiệp toàn cầu ngay trước mắt sẽ lâm nguy.
Báo cáo có tác dụng như một hướng dẫn cho các nhà hoạch định chính sách, là cơ sở cho các cuộc bàn luận quốc tế, bao gồm cả hội nghị thượng đỉnh về ấm lên toàn cầu và khí thải nhà kính dự định diễn ra ở Paris năm tới. Đến chủ nhật báo cáo mới chính thức được công bố ở Yokohama, Nhật Bản, nhưng một bản sao đã được tiết lộ cho Reuters.
IPCC dự báo đến cuối thế kỷ, “hàng trăm triệu người sẽ bị ảnh hưởng bởi ngập lụt ven biển và di dời chỗ ở do mất đất”, phần lớn sống ở các quốc đảo và ở nam Á.
Báo cáo đưa ra mối liên hệ giữa giá thực phẩm tăng lên (giống như đợt tăng giá vùn vụt năm 2010) với những đợt hạn hán và ngập lụt liên quan đến thay đổi khí hậu. Nó dự báo giá cả sẽ tiếp tục tăng khi sản lượng ngũ cốc giảm 2% trong mỗi thập kỷ tiếp theo của thế kỷ này, trong khi nhu cầu được đoán là sẽ tăng 14% trên một thập kỷ đến năm 2050.
Tình trạng thiếu lương thực được dự báo là sẽ thường xuyên ở những khu vực dễ bị tổn thương. Châu Phi và châu Á sẽ là những nơi chịu ảnh hưởng chủ yếu.
Các mô hình mưa gió đã bị phá vỡ ở cả hai lục địa và tình trạng sa mạc hóa đang lan rộng ở những khu vực bán khô cằn phía tây Ấn Độ và Trung Quốc, cũng như ở bắc và đông châu Phi. Các lưu vực sông như Mê Kông, Dương Tử, sông Hằng và sông Brahmaputra sẽ chứng kiến những trận lụt lớn hơn và thường xuyên hơn trong những năm tới, tiếp theo là khuynh hướng khô hạn thường trực khi các khối băng ở Himalaya tan dần.
Thông tin lớn nhất từ báo cáo này là cái giá có thể dự đoán trước từ thay đổi khí hậu. Ngay cả khi mức tăng của nhiệt độ chỉ ở mức 2,5 độ C, các nhà khoa học nói nó sẽ làm giảm sản lượng kinh tế toàn cầu hơn 2% (khoảng 1,4 ngàn tỷ đôla hàng năm).
Những tác động ngay trước mắt của thay đổi khí hậu bao gồm: nguồn cung cấp lương thực gặp nguy hiểm dẫn đến giá cao hơn, chi phí y tế tăng, các thảm họa tự nhiên như bão gió, hạn hán và lũ lụt, suy giảm bề mặt và nước ngầm, mất đất vì nước biển dâng.
Các chuyên gia về khí hậu cho rằng an ninh lương thực không là vấn đề đối với các nước đang phát triển. Thay đổi khí hậu cũng đẩy các nước giàu hơn vào nguy cơ khủng hoảng lương thực mà họ chưa nhận thức được đầy đủ và chưa có biện pháp nào khắc phục.
(Nguồn: congan.com.vn)