Nông nghiệp là lối thoát cho nền kinh tế
Giai đoạn 2000– 2012 tăng trưởng nông nghiệp của Việt Nam là 3,7% so với mức 2,8%/năm của Thái Lan.
ảnh minh họa
Từ năm 2000 đến nay, 2013 là năm thứ hai liên tiếp Việt Nam có thặng dư thương mại, thặng dư kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 0,9 tỷ USD tăng 7,9% so với năm 2012. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ngành nông lâm thủy sản tiếp tục thặng dư song giá trị thặng dư ước tính chỉ đạt 8,6 tỷ USD giảm 18,7% so với năm 2012.
TS. Trần Đình Thiên, Viện Kinh tế Việt Nam cũng chỉ ra rằng từ trước tới nay, nông nghiệp vẫn được coi là “tấm đệm” hấp thụ các cú sốc cho nền kinh tế. Đây cũng là trụ đỡ cho nền kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực, giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động, nhất là tại những thời điểm khó khăn nhất.
Theo TS. Thiên, tăng trưởng thấp của nông nghiệp khiến khả năng “giảm sốc” của nền kinh tế bị yếu đi trong khi tần số và cường độ của những cú sốc này, do sự cộng hưởng sức phá hoại của thiên tai với “nhân tai”(làm thủy điện nhiều, phá rừng, hủy hoại các dòng sông, v.v.) và với rủi ro thị trường trong môi trường toàn cầu hóa, đang tăng lên nhanh và khó kiểm soát.
Nguyên nhân tăng trưởng nông nghiệp sụt giảm trong mấy năm qua được TS. Trần Đình Thiên chỉ ra, thứ nhất, tiềm năng tăng trưởng năng suất lao động ngày càng bị giới hạn do các yếu tố thúc đẩy năng suất trước đây (gồm cải cách thị trường, đầu tư cơ sở hạ tầng, chuyển sang sản phẩm mới có giá trị tăng cao hơn và thị trường rộng hơn) đến nay không còn nhiều.
Mô hình tăng trưởng nông nghiệp quảng canh, định hướng sản lượng cao - giá rẻ thay vì chất lượng tốt- giá trị gia tăng cao đã được chứng tỏ là lỗi thời và đang bị phá sản. Trong môi trường kinh tế hiện đại, mô hình đó đang đặt và giữ nông dân trong bẫy nghèo đói hơn là giúp họ thoát khỏi nó. Trong khi đó, lại thiếu vắng các động lực tăng trưởng mới đến từ việc đa dạng hóa sở hữu đất đai, từ các hoạt động nghiên cứu phát triển và điều kiện khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư dài hạn để tạo sức thúc đẩy mới cho sản xuất nông nghiệp.
Thứ hai, khu vực nông nghiệp, do thiếu đất sản xuất - vì đất bị thu hồi, chuyển mục đích sử dụng nhiều, làm giảm mạnh diện tích canh tác - nên không còn có thể vận hành như tấm lưới an toàn, tiếp nhận lao động quay về khi mất việc ở các khu vực khác.
Thứ ba, tài nguyên nông nghiệp bị ô nhiễm, khai thác quá mức. Việc sử dụng lãng phí đất đai, một phần lớn do sử dụng đất tràn lan để phát triển khu công nghiệp và đô thị nên tỷ lệ lấp đầy thấp, và bị bỏ hoang hóa. Việc sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu quá mức làm giảm nguồn cung tương lai cho sản xuất nông nghiệp. Diện tích và chất lượng rừng tiếp tục suy giảm; nước ngầm đang nhanh chóng bị cạn kiệt ở Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên cũng như bị ô nhiễm vì nước biển và chất thải độc hại .
TS. Đặng Kim Sơn khẳng định, nông nghiệp là chỗ dựa cho nền kinh tế Việt Nam, không những thế còn là lối thoát cho nền kinh tế, cứu vớt tăng trưởng, thậm chí có thể trở thành động lực tăng trưởng mới sau khi tái cơ cấu.
Tin tức nguồn: xaluan.com