Chuyển đến nội dung chính

Cần Giờ Làm Nông Thôn Mới

Cần Giờ Làm Nông Thôn Mới

Cuối tuần, sau những cơn mưa, trời TP.HCM trở nên dịu mát, từng đoàn người trong nội thành bắt đầu đổ ra Cần Giờ để du lịch. Tuy nhiên, với chúng tôi, đi xem đảo khỉ, tắm biển hay ăn thủy hải sản... không sướng bằng đi xem huyện Cần Giờ làm nông thôn mới.

Con đường Rừng Sác 6 làn xe, trải nhựa phẳng lì đưa chúng tôi về đến trung tâm huyện Cần Giờ êm ru. Còn nhớ, vài năm trước, mỗi khi đi Cần Giờ, người ta cứ bảo là đi… hành xác vì lòng đường gập ghềnh đầy ổ voi, ổ gà. Tuy nhiên, đến thời điểm này tuyến đường Rừng Sác đã trở thành “biểu tượng” cho việc xây dựng nông thôn mới (NTM) của người dân Cần Giờ.

Hết cảnh… rùa bò

Như đã hẹn, ông Sáu Đãnh (Lê Văn Đãnh) ngồi chờ chúng tôi dưới bóng cây xoài xanh mát cùng mâm rượu với món lẩu nhái đồng quê. Trong bàn nhậu gần chục người, chỉ duy nhất Sáu Đãnh là người gốc Cần Giờ. Sau vài lượt cụng ly, Sáu Đãnh vui vẻ cho biết: “Ông sơ, bà cố tui đã sống trên mảnh đất An Thới Đông từ lâu lắm, giờ đến đời tui nhưng chưa lúc nào tui thấy xã hội lại tốt đẹp như lúc này. Chỉ có mấy năm làm NTM mà xã An Thới Đông như đã thay da, lột xác, đời sống bà con khấm khá hơn hẳn”.


Mô hình làm muối trải bạt ở xã Lý Nhơn đang giúp nhiều gia đình làm ăn khấm khá.
Mô hình làm muối trải bạt ở xã Lý Nhơn đang giúp nhiều gia đình làm ăn khấm khá.

Sáu Đãnh là cán bộ kỳ cựu công tác tại xã và giờ ông vẫn đang “giữ chân” Phó Chủ tịch HĐND xã An Thới Đông. Theo Sáu Đãnh, ngày trước mỗi khi lên huyện họp là đường sá “hành” cho tơi bời hoa lá. “Từ nhà lên huyện chỉ hơn 30 cây số mà đi riết không tới, oải lắm!”- Sáu Đãnh than thở. Nhờ triển khai Chương trình xây dựng NTM mà khắp các tuyến đường trong xã đã được trải nhựa hoặc bê tông hóa, Sáu Đãnh và bà con ở đây hết cảnh đi lại như… rùa bò!

Ông Võ Văn Dân – Bí thư Đảng ủy xã An Thới Đông cho biết, An Thới Đông là xã thuần nông, đời sống kinh tế của bà con còn khá thấp, tuy nhiên từ khi xã triển khai thực hiện xây dựng NTM, các tầng lớp nhân dân đã hưởng ứng rất nhiệt tình, nhiều hộ sẵn sàng hiến hàng chục mét vuông đất để mở rộng đường. Điều này đã góp phần tạo động lực và niềm tin để Ban quản lý xây dựng NTM thực hiện thành công chương trình đến năm 2015.

Trò chuyện với phóng viên NTNN, ông Huỳnh Cách Mạng – Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ bày tỏ rất tâm đắc về việc nhiều công trình cơ sở hạ tầng được xây dựng đã và đang góp phần làm mới bộ mặt Cần Giờ như hiện nay. Bên cạnh đó, mức sống người dân đang được nâng dần lên cũng là một thành tựu không nhỏ của Chương trình xây dựng NTM ở Cần Giờ. Từ vùng quê nghèo thuần nông, thu nhập bấp bênh, đến nay Cần Giờ đã có nhiều mô hình kinh tế, sản xuất nông nghiệp đem lại hiệu quả cao như nuôi tôm bán công nghiệp, nuôi tôm kết hợp làm muối, phát triển vườn cây ăn trái kết hợp du lịch…

Vào xã Lý Nhơn, chúng tôi thấy hai bên đường là những hồ tôm, ruộng muối chen nhau san sát. Anh Võ Văn Hít ở ấp Lý Thái Bửu cho biết, hiện gia đình anh đang làm 1,2ha ruộng muối. Từ khi xã thực hiện xây dựng NTM, anh cũng mạnh dạn chuyển phương pháp làm muối từ làm trên nền đất sang làm muối lót bạt theo tư vấn của cán bộ khuyến nông xã. “Trước đây tôi làm muối đất, sản lượng muối hàng năm chỉ đạt 800 giạ/ha thì khi chuyển sang làm muối bạt, sản lượng bình quân 1.000 giạ/ha” - anh Hít nói.

Theo ông Phạm Văn Thuận – Chủ tịch Hội Nông dân xã Lý Nhơn, hiện toàn xã có khoảng 1.000ha ruộng muối với hơn 450 hộ tham gia. “Từ khi địa phương triển khai xây dựng NTM, người dân Lý Nhơn đã được thụ hưởng nhiều lợi ích từ chương trình, theo đó thu nhập bình quân của bà con đã đạt 37,2 triệu đồng/người/năm, tăng 2 lần so với trước khi xây dựng NTM” - ông Thuận cho biết.

Khoan sức dân


Đề án xây dựng huyện Cần Giờ trở thành huyện NTM gồm các dự án ưu tiên như: Khu đô thị lấn biển (600ha), dự án 3.000 căn nhà xã hội (10ha), dự án khu dưỡng lão, dự án bệnh viện 200 giường, dự án tuyến đê biển ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng, 3-5 dự án trang trại nông nghiệp-dịch vụ sinh thái, dự án tôn tạo khu di tích lịch sử quốc gia chiến khu Rừng Sác…
Ban đầu, nghe tin Cần Giờ đăng ký trở thành huyện NTM đầu tiên của thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi không khỏi băn khoăn bởi xuất phát điểm làm NTM của Cần Giờ khá thấp so với các huyện khác.

Tuy nhiên, khi tiếp nhận dự thảo đề án xây dựng huyện Cần Giờ trở thành huyện NTM của thành phố từ tay ông Đặng Xuân Bình – Phó Ban chỉ đạo Chương trình NTM huyện Cần Giờ, chúng tôi thực sự tin rằng, với quyết tâm cao và sự đồng lòng, chính quyền và nhân dân Cần Giờ sẽ biến phong trào xây dựng NTM trở thành hiện thực.

Theo ông Bình, đề án xây dựng huyện Cần Giờ trở thành huyện NTM dự kiến thực hiện trong 2 giai đoạn (2011-2015 và 2015-2020), theo đó địa phương sẽ xây dựng các xã đạt chuẩn NTM phù hợp với yêu cầu phát triển của một thành phố đô thị đặc biệt, tổng kinh phí cho đề án khoảng 23.000 tỷ đồng.

Trong đó, đầu tư bằng vốn ngân sách và có nguồn gốc từ ngân sách là 12.200 tỷ đồng, đầu tư bằng nguồn vốn của các thành phần kinh tế và nhân dân khoảng 11.000 tỷ đồng. Tổng số dự án công trình đầu tư gồm 232 danh mục, trong đó các dự án công trình đầu tư 6 xã NTM gồm 167 danh mục; dự án công trình đầu tư cấp huyện gồm 65 danh mục.

Còn anh bạn tôi, hiện đang làm ở Phòng Nội vụ huyện thì khẳng định: Cần Giờ sẽ quyết tâm trở thành huyện NTM đầu tiên của thành phố, bởi toàn hệ thống chính trị, xã hội… đang “lao” vào việc này. “Tui tin là Cần Giờ sẽ sớm về đích, nhất là khi bà con đang khoái làm NTM lắm. Họ rất đồng tình và ủng hộ, bởi hiệu quả sờ sờ trước mắt đó mà” - anh nói.
(Nguồn: Danviet.vn)

Bài đăng phổ biến từ blog này

Cách trồng và chăm sóc cây lá lốt trong chậu

Cách trồng và chăm sóc cây lá lốt trong chậu Xuất hiện trong nhiều món ăn quen thuộc và có nhiều tác dụng khác nhau nên lá lốt được trồng ở khắp nơi. Người dân chỉ cần chú ý theo một số kỹ thuật trồng cây dưới đây là có thể tự cung cấp rau cho gia đình. Cây lá lốt có tên khoa học là Piper lolot, thuộc họ  hồ tiêu  (Piperaceae) và có  kỹ thuật trồng cây  rất đơn giản. Lá lốt là loại rau quen thuộc và được dùng phổ biến trong các bữa ăn. Lá lốt thường được sử dụng ăn sống như các loại rau thơm hoặc làm rau gia vị khi nấu canh. Ngoài là rau ăn lá, lá lốt còn là vị thuốc chữa nhiều bệnh, khi dùng có thể dùng tươi, phơi hay sấy khô. Lá lốt có kỹ thuật trồng cây không quá khó Đây là loài cây thảo sống nhiều năm, thân có rãnh dọc. Lá đơn nguyên, mọc so le, hình tim, có màu xanh đậm, mặt lá bóng. Hoa mọc từ nách lá, cụm hoa bông, hoa đực và hoa cái khác gốc. Quả mọng chứa một hạt. Cây thường mọc hoang trong rừng, nơi ẩm ướt dọc các bãi cát ven suối và phổ biến ở Việt Nam, Trung Quốc

Những cây trồng mang lợi nhuận tỷ đô tại Việt Nam

Những cây trồng mang lợi nhuận tỷ đô tại Việt Nam Thị trường giống cây trồng Việt Nam có nhiều biến động mạnh trong suốt nhiều năm qua, đặc biệt là giống cây trồng các loại hạt được liệt vào danh sách siêu thực phẩm, cho giá trị kinh tế hàng tỷ USD. Cao lương Cây cao lương hứa hẹn mang lại lợi nhuận cao lên tới hàng tỷ USD Cây cao lương vốn không còn là loại cây xa lạ với người Việt Nam, từ những năm 70, 80 của thế kỷ trước người dân đã tròng nhiều và dung làm lương thực thay thế gạo lúc đói kém.   Sau hàng chục năm không mang lại hiệu quả gì về kinh tế thì Tập đoàn Sol Holding (Nhật Bản) đã mang giống cao lương trở lại Việt Nam với nhiều hứa hẹn hấp dẫn về giá trị kinh tế. Theo ý kiến từ công ty này, đây là giống cây siêu cao lương được các nhà khoa học Nhật Bản lai tạo đưa lại năng suất cao và đáp ứng nhiều mục đích khác nhau. Ngoài mục đích làm thức ăn chăn nuôi, chúng còn được sử dụng để chế biến viên nén sinh

Chăn nuôi nông hộ giúp gì cho nông dân?

Chăn nuôi nông hộ giúp gì cho nông dân? Nhiều hộ dân xã An Dương (Tân Yên, Bắc Giang) đầu tư phát triển chăn nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao. LTS - Tiếp tục cuộc thi viết về: "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn" do Báo Nhân Dânphối hợp Hội Nông dân Việt Nam và Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí (Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam) tổ chức, bắt đầu từ hôm nay (17-4), chúng tôi sẽ lần lượt đăng các bài gửi tham dự cuộc thi năm 2014 với chủ đề: "Tái cơ cấu nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới". Rất mong nhận được sự cộng tác của các cộng tác viên và bạn đọc. Đối với sản xuất nông nghiệp nông hộ, có thể coi ngành chăn nuôi như là "nhà máy chế biến" các sản phẩm phụ trồng trọt mà con người không ăn được (rơm cỏ, thân, lá, rễ, hạt) hoặc sản phẩm phụ có dinh dưỡng thấp (cám, bã...) để tạo ra những sản phẩm cao cấp, đó là thịt, trứng, sữa... Chính sự liên kết giữa trồng trọt và chăn nuôi đã tạo nên sức mạnh