Giảm diện tích lúa - nan giải tìm cây trồng thay thế!
Làm gì để người trồng lúa thoát nghèo? bán được giá. Câu trả lời rất đơn giản, nhưng thực tế cho thấy không dễ thực hiện, khi trước đó nhiều đợt chuyển đổi cây trồng đều có chung đáp số: “Mất tiền mà chẳng nên công cán gì”.
Trái với dư luận, thực tế ở Đồng Tháp cho thấy, sau 10 năm phát động, diện tích trồng bắp giảm thảm hại từ 11.500ha xuống còn 900ha.
Dù chưa biết đến khi nào mới bán được 30 tấn lúa bị DN liên kết “bỏ rơi”, nhưng ông Bùi Văn Nam (xã Tân Công Chí, Tân Hồng, Đồng Tháp) vẫn hối vợ gom tiền mua vật tư chuẩn bị cho vụ hè thu 2014. “Nếu không trồng lúa thì nông dân tụi tui biết trồng gì?” - ông Nam hỏi và tự trả lời: “Trở lại trồng lúa chất lượng thấp thôi”. Đây cũng là tâm trạng chung của hàng ngàn nông dân vùng ĐBSCL. Không phải do thiếu hiểu biết, hay mù quáng như có người đã lên án, mà đơn giản vì đây là “nồi cơm” của cả gia đình và họ không thể làm khác được.
PGS-TS Phạm Văn Dư - Cục phó Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) - thừa nhận: “Phần lớn các doanh nghiệp xuất khẩu chỉ quan tâm đến tỉ lệ gạo nguyên và gãy. Thậm chí họ lại thu mua rất “mưa-nắng”: Khi thì cương quyết “tẩy chay” đến mức thương lái phải treo bảng khước từ: “Lúa 504 xin đừng gọi”, nhưng có lúc lại mua lúa chất lượng thấp với giá tương đương lúa chất lượng cao...”. Theo các chuyên gia nông học, việc sản xuất - tiêu thụ lúa gạo trong tình trạng “mạnh ai nấy làm” của Việt Nam hiện nay được ví như hành động giương bè tre ra biển lớn.
Thạc sĩ Nguyễn Phước Tuyên lý giải: “Sau sự kiện gạo sốt giá kỷ lục vào năm 2008, nhiều quốc gia trên thế giới đã bắt tay “vẽ lại” bản đồ lúa gạo toàn cầu. Bên cạnh tăng cường ứng dụng khoa học để tăng năng suất, nhiều quốc gia còn tích cực thuê mướn đất ngoài lãnh thổ để trồng lúa nhằm chủ động lương thực...”. Điều này cho thấy cánh cửa xuất khẩu gạo trên thế giới vốn đã hẹp (trên dưới 4% tổng sản lượng toàn cầu), nay càng hẹp hơn. Trong khi đó, con đường xuất khẩu gạo vào các nước nghèo lại thêm gập ghềnh bởi xu thế giảm giá. “Theo Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế (IRRI), quan hệ cung cầu chỉ đạt cân bằng khi giá gạo xuất khẩu ở mức trên dưới 300USD/tấn” - ông Tuyên cho biết thêm - “IRRI đang nỗ lực phấn đấu mỗi năm tăng 8-10 triệu tấn lúa trong 20 năm liên tục để đạt giá gạo xuất khẩu này”.
Giảm diện tích lúa, thay bằng cây gì?
Đã có không ít phân tích, đề xuất thay đổi bài toán giá - tiêu thụ lúa. Có ý kiến đổ lỗi do cách tổ chức tạm trữ chưa hợp lý, do doanh nghiệp xuất khẩu theo kiểu “ăn xổi ở thì”... và đề xuất thay đổi “tư duy cây lúa” theo hướng tăng diện tích cây có dầu, mà cụ thể là bắp và đậu nành, hai loại nông sản mà mỗi năm Việt Nam phải chi trên 3 tỉ USD để nhập khẩu làm nguyên liệu chế biến thức ăn gia súc. Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia, không thể giải bài toán này bằng giải pháp đơn lẻ.
“Bớt diện tích lúa là cần thiết, nhưng thay bằng cây gì để có hiệu quả kinh tế hơn thì cần cân nhắc thận trọng, nếu không sẽ dễ rơi vào cảnh "tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa” - thạc sĩ Tuyên cảnh báo. Điển hình là đề xuất trồng bắp, đậu nành, rau màu... trên đất lúa. Theo dự báo chung, bắp, đậu nành là 2 mặt hàng nông sản có triển vọng đạt giá cao, do nhu cầu chăn nuôi gia tăng trên phạm vi toàn cầu.
Tuy nhiên, thực tế ở Đồng Tháp cho thấy giữa “lý thuyết” và “thực hiện” còn khoảng cách lớn. Sau 10 năm phát động, diện tích bắp ở Đồng Tháp đã giảm từ 11.500ha (2005) xuống còn 900ha (2013). “Các DN chế biến thức ăn chăn nuôi trong nước thì chuộng bắp ngoại, do những tiện ích về sự đồng đều chất lượng, về kho trữ... còn người trồng bắp trong nước đối mặt với một núi bất lợi” - ông Tuyên cho biết.
Không chỉ lệ thuộc vào nguồn cung giống từ nước ngoài (khoảng 80% diện tích), hay chuyện “dễ người - khó ta” trong sử dụng giống bắp biến đổi gen..., cây bắp còn đứng trước con số không to tướng về đầu tư thuỷ lợi, công nghệ sau thu hoạch, hệ thống thu gom, độ mỏng về kinh nghiệm lẫn khoa học về cây bắp của người dân và đội ngũ làm nông nghiệp.
Theo GS-TS Võ Tòng Xuân - quyền Hiệu trưởng ĐH Nam Cần Thơ - việc giảm diện tích lúa cần thực hiện song song với sự cải thiện kỹ năng xuất khẩu khôn ngoan. Theo đó, ngoài việc xây dựng chế tài đủ mạnh để “cột” doanh nghiệp gắn quyền lợi - trách nhiệm với vùng nguyên liệu, còn cần có chính sách hỗ trợ thiết thực hơn nữa để doanh nghiệp vượt qua những căn bệnh bất lợi.
(Nguồn: laodong.com.vn)