Nhật Bản - vùng ĐBSCL: Tăng cường hợp tác nông nghiệp
Ủy ban Hợp tác Mekong - Nhật Bản và Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ ký kết bản ghi nhớ hợp tác kinh tế.
Chiều
21.4, tại TP.Cần Thơ, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ (BCĐTNB) tổ chức Hội thảo
“Môi trường đầu tư và tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp giữa
Nhật Bản và ĐBSCL”. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ chuyến thăm và
khảo sát khu vực ĐBSCL của Đoàn doanh nghiệp - Phòng Thương mại và Công
nghiệp Nhật Bản (JCI) diễn ra từ ngày 20 - 24.4...
Tiềm năng cần được đánh thức...
Với
những tiềm năng và lợi thế trong phát triển nông nghiệp, ĐBSCL là vùng
sản xuất lúa - gạo, cây ăn trái, thủy - hải sản lớn nhất của cả nước.
Hàng năm, toàn vùng sản xuất hơn 90% lượng gạo xuất khẩu, chiếm khoảng
20% thị phần xuất khẩu gạo toàn cầu; cung cấp 70% lượng trái cây; đóng
góp khoảng 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước và là vùng có
sản lượng xuất khẩu cá tra lớn nhất thế giới.
Ngoài
thế mạnh về nông nghiệp, ĐBSCL còn là một trong những trung tâm năng
lượng lớn của Việt Nam (nhiệt điện, điện gió, khí), đáp ứng nhu cầu năng
lượng cho vùng và những khu vực lân cận. Điểm sáng nổi bật của ĐBSCL
thể hiện qua kết quả phát triển sản xuất nông nghiệp, hạ tầng giao
thông, đào tạo nguồn nhân lực cải thiện môi trường đầu tư. Và gần đây,
là tăng cường liên kết vùng, tạo hấp lực trong thu hút đầu tư, phát huy
thế mạnh, tiềm năng của vùng...
Tuy
nhiên, theo ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ
KHĐT) - cả nước hiện có 13.600 dự án (DA) đầu tư nước ngoài, trong đó
ĐBSCL có gần 850 DA với tổng vốn đầu tư gần 11,2 tỉ USD. Riêng Nhật Bản
có 2.238 DA đầu tư vào Việt Nam (tổng vốn khoảng 35 tỉ USD), trong đó có
33 DA đầu tư trong lĩnh vực lâm nghiệp, thủy - hải sản (tổng vốn hơn
141 triệu USD). Riêng vùng ĐBSCL có 91 DA do Nhật Bản đầu tư với tổng
vốn 516 triệu USD, trong đó chỉ có 6 DA đầu tư vào nông nghiệp với tổng
vốn 35,5 triệu USD. Thống kê trên cho thấy, việc thu hút đầu tư nước
ngoài vào ĐBSCL, đặc biệt là về nông nghiệp vẫn còn rất hạn chế.
Nắm bắt thời cơ từ sự hợp tác
Tại hội
thảo, đại diện của khoảng 30 doanh nghiệp (DN) Nhật Bản đã được giới
thiệu về những tiềm năng, thế mạnh của vùng ĐBSCL trong lĩnh vực phát
triển nông nghiệp; những vấn đề liên quan đến quy hoạch, định hướng phát
triển nông nghiệp, nông thôn ĐBSCL; các chính sách ưu đãi đầu tư trong
lĩnh vực nông nghiệp ở ĐBSCL... Phía chuyên gia Nhật Bản cũng đã trình
bày môi trường đầu tư ở ĐBSCL từ góc nhìn của Nhật Bản và cơ hội hợp tác
đầu tư, thương mại với DN Nhật Bản trong lĩnh vực nông nghiệp.
Ông
Nguyễn Phong Quang - Phó Trưởng ban Thường trực BCĐTNB - đã thông tin
một số chủ trương về nông nghiệp của ĐBSCL để các DN Nhật Bản tham khảo;
trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề ưu tiên phát triển ĐBSCL thành
trung tâm lớn về sản xuất nông nghiệp hàng hóa của cả nước theo hướng
hiện đại, áp dụng kỹ thuật công nghệ tiên tiến với sự đầu tư thỏa đáng
cho sản xuất lúa - gạo, cây ăn quả, nuôi trồng đánh bắt và chế biến thủy
sản. Bên cạnh đó là tập trung phát triển hạ tầng với những tuyến giao
thông huyết mạch mang tính liên vùng; xây dựng một số khu kinh tế cửa
khẩu, cảng biển, cảng sông; đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu phát
triển ngày cao của toàn vùng...
Ông
Kohei Watanabe - Chủ tịch Ủy ban Hợp tác kinh tế Mekong - Nhật Bản - cho
rằng: Khu vực châu Á đã cho thấy sự phát triển rõ nét trong những năm
gần đây. Xét về quy mô thị trường tự chọn và lương thực, người ta ước
tính rằng, từ con số 82.000 tỉ yên (tính theo đơn vị tiền tệ Nhật Bản)
trong năm 2009 sẽ tăng lên khoảng 3 lần (229.000 tỉ yên) trong năm 2020.
Do vậy, sự phát triển của nền nông nghiệp sẽ phụ thuộc rất lớn vào việc
có năm bắt được thị trường này hay không. Ông Kohei Watanabe tin tưởng:
“Sự hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản trong việc phát huy nền nông
nghiệp với sự chuyển giao công nghệ tiến tiến sẽ góp phần hình thành mối
quan hệ đôi bên cùng có lợi”.
Tại hội
thảo, các DN Nhật Bản đã được dành thời gian để hỏi, đáp các vấn đề
liên quan đến sự phát triển của vùng ĐBSCL. Nhiều ý kiến mong muốn được
hiểu rõ hơn về hạ tầng giao thông, những chính sách cụ thể trong định
hướng phát triển nền nông nghiệp của vùng...
Ủy ban
Hợp tác kinh tế Mekong - Nhật Bản và BCĐTNB đã ký kết bản ghi nhớ cùng
hợp tác kinh tế. Theo đó, cả 2 bên sẽ cùng hợp tác trên cơ sở chia sẻ
thông tin và nguồn nhân lực để thúc đẩy đầu tư và hợp tác kinh tế; đặc
biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông thôn. 2 bên cũng sẽ
hỗ trợ cho các DN Nhật Bản muốn đầu tư vào Việt Nam - đặc biệt là khu
vực ĐBSCL - cũng như các DN Việt Nam muốn đầu tư vào Nhật Bản để các DN
có thể phát triển kinh doanh ở mỗi nước đối tác trong khu vực. Ngoài ra,
2 bên sẽ chỉ định và đề cử các địa chỉ đầu mối liên lạc của mình để
tham khảo ý kiến và phối hợp giao lưu kinh tế với nhau.
(Nguồn: baolaodong.com.vn)