Nông sản sạch cho người tiêu dùng Thủ đô
Với mục tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, bảo đảm đủ lượng thực phẩm sạch cho gần mười triệu người dân Thủ đô, Trung tâm Xúc tiến thương mại (XTTM) nông nghiệp Hà Nội đã triển khai chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản. Đây là mô hình được đánh giá sẽ phát triển bền vững trong tương lai, đáp ứng nhu cầu của thị trường. |
Tạo chuỗi liên kết sản xuất Phó Giám đốc Trung tâm XTTM nông nghiệp Hà Nội (Trung tâm) Nguyễn Bá Bằng cho biết, thành phố hiện có 15.161 ha cây ăn quả, hơn 12 nghìn ha rau nhưng chỉ có hơn 5.000 ha rau an toàn, trong đó có 171,5 ha rau sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và 20 ha rau hữu cơ... Tuy nhiên lượng nông sản (rau, củ tươi) có chứng nhận được bán qua kênh siêu thị chỉ chiếm khoảng 20%, còn lại 80% số nông sản được các thương lái thu mua, tập kết tại các chợ đầu mối, sau đó đưa đi tiêu thụ tại các chợ dân sinh, cửa hàng, bếp ăn tập thể... Các loại rau, củ này phần lớn không có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng, làm ảnh hưởng đến lòng tin của người tiêu dùng. Do vậy, Trung tâm đã lựa chọn một số doanh nghiệp (DN): Công ty CP Sản xuất và Thương mại An Việt, Công ty Thực phẩm sạch Biggreen Việt Nam, Công ty VinaGap, Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Việt Liên... để kết nối chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ đúng quy trình, cung cấp đủ số lượng theo yêu cầu, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo thành chuỗi giá trị bền vững. Đây là các DN có uy tín hoạt động trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ rau, quả, thực phẩm sạch và đặc sản vùng, miền. Đến thăm khu sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP (diện tích 2,5 ha) ở xã Tiền Yên, Hoài Đức, Hà Nội (do Công ty CP Sản xuất và Thương mại An Việt liên kết, bao tiêu toàn bộ sản phẩm), tổ trưởng sản xuất Cao Đắc Dậu chia sẻ với chúng tôi: Từ sự giúp đỡ của công ty, rau của 19 hộ tiêu thụ khá đều, mỗi ngày khoảng 700 kg rau cải các loại, giá từ 9.000 đến 10.000 đồng/kg, mỗi hộ thu nhập bình quân hơn 5 triệu đồng/tháng. Nhờ đó, cuộc sống cũng tạm ổn, có đồng ra, đồng vào. Còn theo đại diện Công ty An Việt, để chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ bền vững thì điều kiện tiên quyết là bảo đảm minh bạch trong sản xuất và phân phối. Cả nông dân và DN cần thường xuyên trao đổi thông tin hai chiều để khắc phục những hạn chế của sản phẩm, điều chỉnh mức sản xuất căn cứ trên nhu cầu của khách hàng. Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm Cùng với việc sản xuất rau hữu cơ, ngành nông nghiệp Hà Nội còn chú trọng phát triển một số loại cây ăn quả giá trị kinh tế cao như: cam canh Kim An, bưởi Diễn, bưởi La Tinh, bưởi đường Hiệp Thuận, bưởi Tích Giang... Đặc biệt từ năm 2013 đến nay, Trung tâm đã xây dựng và duy trì được ba nhãn hiệu: Bưởi Quế Dương, bưởi Phúc Thọ, bưởi Chương Mỹ. Bước đầu sản phẩm được gắn nhãn mác, và bán tại các cửa hàng giới thiệu sản phẩm. Chủ tịch Hội Sản xuất và Kinh doanh bưởi Quế Dương (xã Cát Quế, huyện Hoài Đức, Hà Nội) Nguyễn Như Hảo bộc bạch: Cây bưởi nơi đây là giống chống chịu sâu bệnh, khả năng chịu úng tốt, nên năng suất khá ổn định, nhờ vậy nhiều hộ đã thoát nghèo vươn lên làm giàu, thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Ngoài ra, Trung tâm còn kết nối và đưa 70 lượt DN liên kết tiêu thụ sản phẩm với cơ sở sản xuất tiêu biểu của các tỉnh, thành phố. Mới đây, Công ty CP Thực phẩm Minh Dương (đơn vị đầu ngành trong lĩnh vực sản xuất hàng nguyên liệu phụ trợ ngành công nghiệp thực phẩm) đã ký biên bản hợp tác tiêu thụ sản phẩm tinh bột sắn với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hai tỉnh Phú Thọ và Tuyên Quang, tổng giá trị các hợp đồng đạt hơn 20 tỷ đồng. Qua đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hai tỉnh này giúp công ty tìm vùng nguyên liệu tinh bột sắn tại địa bàn và công ty sẽ có trách nhiệm thu mua toàn bộ. Tổng Giám đốc Công ty Minh Dương Nguyễn Duy Hồng tâm sự: Nhiều mặt hàng của công ty như miến dong, bún gạo, miến đậu xanh, mỳ gạo, miến khoai tây, khoai lang... được người tiêu dùng trong nước và ngoài nước tín nhiệm. Doanh thu năm 2015 của công ty ước đạt 165 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người khoảng 6 triệu đồng/tháng. Bên cạnh những thành quả đạt được, đại diện Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội cho biết cũng còn một số bất cập. Hạn chế lớn nhất để mở rộng và phát triển sản xuất, tiêu thụ rau hữu cơ là nhận thức của nhân dân về sản phẩm này chưa đúng với giá trị mà nó mang lại. Việc tiêu thụ cây ăn quả vẫn chủ yếu qua các thương lái theo hình thức thuận mua vừa bán, chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất và các DN lớn. Để khắc phục những bất cập nêu trên, theo Giám đốc Trung tâm Nguyễn Văn Chí, cần có sự liên kết khăng khít giữa người sản xuất, DN và sự hỗ trợ mạnh mẽ, thiết thực của Nhà nước. Trong đó, DN phải giữ vai trò nòng cốt, còn Nhà nước hỗ trợ việc giám sát quy trình kỹ thuật sản xuất, chất lượng sản phẩm và hỗ trợ tuyên truyền quảng bá XTTM cho chuỗi vận hành. Nếu làm hiệu quả, chẳng những thúc đẩy nông nghiệp phát triển, mà còn góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng. |