Những dịch bệnh hại cần chú ý trong tuần (từ 18-24/1/2016)
Tại các tỉnh phía Nam, muỗi hành (sâu năn) xuất hiện cục bộ ở một vài địa phương ở giai đoạn lúa đẻ nhánh, đây là trà lúa rất thích hợp cho muỗi hành xuất hiện và gây hại.
Ảnh minh hoạ - nguồn thienlyfarm.com
1. Trên lúa
a) Các tỉnh phía Bắc: Bệnh đạo ôn, rệp xanh, bệnh thối mạ, rầy các loại, bọ trĩ... tiếp tục phát sinh gây hại trên mạ, lúa gieo thẳng ở mức độ nhẹ. Chuột, ốc bươu vàng phát sinh gây hại tăng trên mạ, lúa mới gieo, hại nặng những chân ruộng gần mương máng, gò bãi.
b) Các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên:
- Bệnh đạo ôn lá, sâu năn, sâu cuốn lá nhỏ... rải rác hại nhẹ trên lúa ĐX cực sớm giai đoạn cuối đẻ nhánh - đứng cái - đòng.
- Sâu keo, bọ trĩ, ruồi đục nõn... phát sinh hại chủ yếu lúa ĐX giai đoạn mạ - đẻ nhánh.
- Chuột: Gia tăng hại lúa ĐX sớm đẻ nhánh - làm đòng, hại nặng ruộng ven làng, đồi gò, kênh mương...
- Ốc bươu vàng: Di chuyển và lây lan theo nguồn nước.
c) Các tỉnh phía Nam:
- Rầy nâu phổ biến tuổi 1-3, cần kiểm tra kỹ ruộng lúa, khi phát hiện rầy cám rộ tuổi 2-3, có mật số cao thì tiến hành xử lý bằng một trong các loại thuốc chống lột xác. Trước khi phun thuốc cần đưa nước vào ruộng để rầy di chuyển lên trên, tăng hiệu quả phòng trừ. Tuân thủ nguyên tắc "4 đúng" khi phun thuốc.
Đối với những nơi chưa xuống giống lúa ĐX: Theo dõi diễn biến rầy nâu di trú và diễn biến của thuỷ văn để xuống giống đồng loạt, tập trung né rầy trong đợt xuống giống lần cuối.
- Bệnh đạo ôn tiếp tục phát sinh, phát triển ở giai đoạn lúa đẻ nhánh - đòng trỗ xuất hiện phổ biến ở những ruộng sạ dày, bón thừa phân đạm, sử dụng giống nhiễm. Khi phát hiện bệnh mới xuất hiện, cần ngừng ngay việc bón đạm, các loại phân phun qua lá; giữ nước tốt trên ruộng và sử dụng một trong các loại thuốc đặc trị bệnh đạo ôn để phòng chống bệnh. Nếu ruộng trồng giống nhiễm nên phun ngừa bệnh đạo ôn cổ bông khi lúa vừa mới trỗ và phun lần 2 khi lúa trỗ đều.
- Muỗi hành (sâu năn) xuất hiện cục bộ ở một vài địa phương ở giai đoạn lúa đẻ nhánh, đây là trà lúa rất thích hợp cho muỗi hành xuất hiện và gây hại. Khuyến cáo nông dân ở những vùng thường xuất hiện muỗi hành áp dụng các gói kỹ thuật "3 giảm, 3 tăng"; "1 phải 5 giảm" để hạn chế thấp nhất khả năng gây hại của muỗi hành. Ngoài các đối tượng nêu trên, cần lưu ý ốc bươu vàng trên lúa ở giai đoạn mạ; sâu cuốn lá nhỏ, chuột, bệnh bạc lá vi khuẩn giai đoạn đẻ nhánh - trỗ chín.
2. Trên cây trồng khác
Cây vụ đông: Tổ chức diệt trừ chuột. Sâu đục thân, sâu cắn lá hại ngô; sâu đục thân đậu tương; sâu xanh, sâu tơ, bọ nhảy... hại rau có chiều hướng gia tăng, cần theo dõi và phòng trừ kịp thời.
Cây sắn: Bệnh chổi rồng sắn tiếp tục gây hại.
Cây hồ tiêu: Tuyến trùng rễ, bệnh chết nhanh, chết chậm tiếp tục hại.
Cây thanh long: Bệnh đốm nâu gây hại tăng.
Cây nhãn: Bệnh chổi rồng tiếp tục gây hại ở các tỉnh ĐBSCL.
(Tin Tây Đô - Nguồn: CỤC BVTV)