Biến đổi khi hậu: Nguy cơ xóa sổ ngành nông nghiệp Việt
Chỉ cần mực nước biển dâng cao thêm 1m, diện tích đất trồng lúa sẽ giảm đi một nửa, từ 4 triệu ha xuống chỉ còn 2 triệu ha
Những
tháng cuối năm 2015, người ta nói nhiều đến việc Cộng đồng Kinh tế
ASEAN sẽ giúp Việt Nam tăng trưởng GDP thêm 7%, hay Hiệp định TPP có thể
kích GDP lên 10%. Nhưng ít ai để ý rằng biến đổi khí hậu đang đều đặn
làm Việt Nam mất đi 5% GDP mỗi năm, tương đương khoảng 15 tỉ USD. Thực
tế, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu sẽ toàn diện và sâu rộng đến mọi ngõ
ngách của nền kinh tế hơn bất kỳ hiệp định thương mại nào, từ nông
nghiệp, thủy sản, công nghiệp cho đến cơ sở hạ tầng. Kéo theo đó là nguy
cơ mất việc làm hàng loạt của 53% lực lượng lao động Việt Nam.
Bốc hơi 22% lượng nông nghiệp
Biến
đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng đến an ninh lương thực, dinh dưỡng quốc gia và
toàn ngành nông nghiệp nghiêm trọng hơn bất cứ cuộc khủng hoảng kinh tế
nào từng xảy ra. Khi dân số Việt Nam chạm ngưỡng 120 triệu người vào năm
2020, mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực quốc gia sẽ càng bị đe dọa
nghiêm trọng.
“Biến
đổi khí hậu làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế và tạo nên các chu kỳ
tăng trưởng không bền vững, đặc biệt ở các nước đang phát triển như Việt
Nam”, Giáo sư Trần Thọ Đạt, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân,
cảnh báo.
Theo
phân tích mới nhất về ảnh hưởng của lũ lụt đến GDP của Viện Tài nguyên
Thế giới (WRI), trong số 164 quốc gia được khảo sát, Việt Nam đứng thứ 4
về tác hại nghiêm trọng của lũ lụt đến toàn nền kinh tế khi có đến 80%
dân số chịu ảnh hưởng. Tổ chức này cũng thống kê rằng lũ lụt đã làm hao
hụt đến 2,3% GDP của Việt Nam mỗi năm.
Bão
lụt, một ví dụ điển hình của biến đổi khí hậu, sẽ “đánh úp” ngành nông
nghiệp đầu tiên bằng cách lấy mất đất canh tác. Khi mực nước biển dâng
thêm 1 m, ước tính lần lượt 40%, 11% và 3% diện tích đồng bằng sông Cửu
Long, sông Hồng và các tỉnh khác thuộc vùng ven biển sẽ bị nhấn chìm.
Khi đó, ngập lụt sẽ “cướp” đất canh tác ở hai khu vực nông nghiệp quan
trọng nhất của Việt Nam, vì khoảng 80% diện tích đồng bằng sông Cửu Long
và 30% diện tích đồng bằng sông Hồng đang thấp hơn mực nước biển đến
2,5 m. Song hành với đó, diện tích đất trồng lúa sẽ giảm đi một nửa, từ 4
triệu ha xuống chỉ còn 2 triệu ha khi mực nước biển dâng cao thêm 1 m.
Tình
trạng xâm nhập mặn ở khu vực ven biển cũng sẽ làm thu hẹp diện tích đất
canh tác, khiến hệ số sử dụng đất có thể giảm từ 3-4 lần/năm xuống còn
1-1,5 lần/năm. Nước biển dâng thêm 1 m đồng nghĩa với quá trình ngập mặn
sẽ đặc biệt nghiêm trọng ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, nơi 45% diện
tích bị nước biển xâm mặn, tương đương với khoảng 1,8 triệu ha đất. Và
ước tính sẽ có 85% người dân ở đồng bằng sông Cửu Long cần nhận hỗ trợ
về nông nghiệp.
Lũ
lụt ảnh hưởng đến 21 triệu người mỗi năm trên toàn cầu, dự kiến sẽ tăng
lên 54 triệu người vào năm 2030, chủ yếu do biến đổi khí hậu |
Tuy
nhiên, hậu quả nghiêm trọng nhất chính là việc suy giảm sản lượng gạo
xuất khẩu và an ninh lương thực quốc gia sẽ bị lung lay, kéo theo sự phá
sản của hơn 650 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Nghiên cứu
độc lập của Giáo sư Trần Thọ Đạt cho thấy, năng suất lúa xuân ở vùng
đồng bằng sông Hồng có thể giảm 3,7% vào năm 2020 và giảm tới 16,5% vào
năm 2070. Còn năng suất lúa mùa sẽ giảm 1% vào năm 2020 và giảm 5% vào
năm 2070, nếu Việt Nam không có các biện pháp ứng phó kịp thời và hiệu
quả.
“Việt
Nam sẽ có nguy cơ đối mặt với tình trạng thiếu lương thực trầm trọng
vào năm 2100 vì mất đi gần 22% sản lượng”, nghiên cứu này kết luận.
Ở
khía cạnh kinh tế, hiện ngành nông nghiệp đóng góp 31 tỉ USD vào kim
ngạch xuất khẩu năm 2015, tương ứng 20% GDP của Việt Nam. Nhưng theo ông
Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tổng vốn
đầu tư xã hội vào ngành “bệ đỡ của nền kinh tế” này mới chỉ chiếm
5,4-5,6%. Tỉ trọng doanh nghiệp nước ngoài đổ vốn vào nông nghiệp Việt
Nam cũng rất thấp, chỉ đạt 3,1% về dự án và 1,46% về tổng vốn đăng ký
vào ngành. Một phần lý do đến từ những nguy cơ hiển hiện trước mắt bởi
biến đổi khí hậu.
Cùng
với đó, hậu quả liên hoàn của biến đổi khí hậu sẽ tác động lên nguồn
nguyên liệu cho công nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực chế biến lương thực,
thực phẩm, dệt may. Từ đó tạo ra sức ép phải chuyển dịch cơ cấu các
ngành công nghiệp về loại hình, tỉ lệ công nghiệp chế biến, công nghệ
cao... Bên cạnh đó, thiệt hại về sản lượng nuôi trồng thủy sản lên tới
40%/năm, kéo theo đó là sự thất nghiệp của gần 3 triệu lao động làm việc
trong ngành chế biến thủy sản. Biến đổi khí hậu còn thay đổi hệ thống
hạ tầng kỹ thuật quốc gia như hệ thống đê biển, đê sông, các công trình
cấp nước và hạ tầng đô thị như cống ngầm thoát nước.
Cuộc cách mạng khí hậu của Việt Nam
Chính
phủ Việt Nam, hơn ai hết, đã thấy rõ những mối nguy khủng khiếp mà biến
đổi khí hậu có thể gây ra. Việc đoàn Việt Nam đã có những hành động
quyết liệt tại Hội nghị COP21 về biến đổi khí hậu vừa diễn ra trong
tháng 12.2015 tại Paris, Pháp là một minh chứng. Thứ trưởng Trần Hồng
Hà, Trưởng đoàn Việt Nam trực tiếp tham gia đàm phán tại COP21, cho biết
trong suốt 13 ngày liên tục của Hội nghị, việc tìm tiếng nói chung giữa
các nước về việc giảm lượng khí thải đã diễn ra rất căng thẳng và gay
cấn. Chứng kiến giây phút Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius gõ búa chính
thức thông báo Thỏa thuận COP21 được thông qua, ông Hà đã không khỏi xúc
động và tự hào. Bởi đóng góp của Việt Nam tại hội nghị lần này rõ nét
và cụ thể.
Đầu
tiên là sự chuẩn bị chu đáo và trước thời hạn Bản đệ trình đóng góp quốc
gia tự quyết định (INDC) của Việt Nam gửi cho Ban Thư ký Công ước khung
của Liên hiệp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC). Kế đến chính là sự chủ
động quyết liệt, khi Chính phủ Việt Nam đưa ra tuyên bố lịch sử đóng
góp 1 triệu USD vào Quỹ Khí hậu xanh thế giới giai đoạn 2016- 2020 nhằm
đối phó với biến đổi khí hậu.
COP21
được đánh giá là “cuộc cách mạng khí hậu lịch sử” của nhân loại, vì lần
đầu tiên tất cả 195 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia UNFCCC đã đi đến
một thỏa thuận buộc tất cả các nước cắt giảm lượng phát thải khí
carbon. Mặc dù Thỏa thuận COP21 vẫn dung hòa giữa hai yếu tố ràng buộc
pháp lý và tính tự nguyện, nhưng đây là cam kết cao nhất sau 20 năm kể
từ khi Nghị định thư Kyoto được ký kết với mục tiêu giữ mức tăng nhiệt
độ toàn cầu trong thế kỷ này dưới 2 độ C, thúc đẩy nỗ lực để mức tăng
này về ngưỡng 1,5 độ C.
Còn
nhớ, khi Công ước Copenhagen năm 2009 thất bại, nhiệt độ toàn cầu đã
tăng gần 1 độ C, khiến 2010 trở thành năm nóng nhất trong lịch sử nhân
loại. Các nghiên cứu cho thấy, trong 100 năm qua, nhiệt độ trung bình
toàn cầu đã tăng khoảng 0,74 độ C. Còn trong 50 năm gần đây, tốc độ tăng
nhiệt độ là gần 2 lần so với 5 thập niên trước đó. Điều này đã làm suy
giảm khối lượng băng ở 3 bán cầu và là nguyên nhân khiến nước biển dâng
trung bình 1,8 mm/năm.
Nếu
nhiệt độ tiếp tục tăng vượt ngưỡng 2 độ C, theo nhóm chuyên gia Liên
Hiệp Quốc GIEC, chắc chắn 700 đảo của Indonesia và các thành phố hoa lệ
như New York, London hay Amsterdam sẽ hoàn toàn biến mất. Đáng chú ý
nhất, theo nghiên cứu của GIEC, toàn bộ vùng đồng bằng sông Cửu Long,
TP.HCM và Hải Phòng đều bị nhấn chìm khi mực nước biển dâng cao.
Rõ
ràng, Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ rất lớn khi mực nước biển
dâng cao, trong khi nguyên nhân chủ yếu lại đến từ các quốc gia phát
triển. Theo Thứ trưởng Trần Hồng Hà, khó khăn trong 13 ngày đàm phán
COP21 bắt nguồn từ thực tế rằng mức xả thải carbon ra môi trường của các
nước phát triển là quá lớn.
Nghiên
cứu của Oxfarm về tiêu thụ các nhiên liệu hóa thạch cho thấy, trung
bình một người trong nhóm 1% những người giàu nhất thế giới xả ra môi
trường lượng carbon cao gấp 175 lần một người thuộc nhóm 10% những người
nghèo nhất thế giới. Đứng đầu trong danh sách các nước có lượng khí
thải carbon cao nhất trong năm 2015 là Trung Quốc, Mỹ, châu Âu và Ấn Độ.
96 tỉ USD giá trị GDP thế giới bị ảnh hưởng bởi lũ lụt sông trung bình hằng năm |
Tín
hiệu đáng mừng là Liên hiệp Quốc vẫn đang không ngừng hỗ trợ các quốc
gia đang phát triển như Việt Nam tránh khỏi thảm họa biến đổi khí hậu.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển
bền vững, VCCI, kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển
bền vững Việt Nam (VBCSD), đã tận mắt chứng khiến nỗ lực của Tổng Thư ký
Liên hiệp quốc Ban Ki Moon khi vừa điều phối nhóm lãnh đạo các quốc gia
đàm phán, vừa trực tiếp đôn đốc cuộc thảo luận của 650 tập đoàn đa quốc
gia nhằm tìm tiếng nói chung hành động chống biến đổi khí hậu. “Tôi cảm
thấy thật sự xúc động khi cuối cùng, các nước phát triển đã đồng thuận
sẽ cung cấp ngân sách 100 tỉ USD/năm đến tận 2025 cho công cuộc này.
COP21 đã mở ra một kỷ nguyên mới hợp tác toàn cầu và là cuộc cách mạng
khí hậu tiêu biểu của nhân loại”, ông Vinh chia sẻ.
Thỏa
thuận COP21 nêu rõ, các nước đã cam kết tổng lượng khí thải carbon từ
nay đến năm 2030 sẽ không vượt quá 55 tỉ tấn. Điều này sẽ có thể giúp
7,3 tỉ người tránh được những hậu quả từ biến đổi khí hậu trong những
thập niên tới.
Doanh nghiệp Việt nhập cuộc tư duy xanh
Trong
suốt 6 ngày thảo luận cùng nhóm 650 tập đoàn đa quốc gia, ông Nguyễn
Quang Vinh đã tham gia thảo luận 3 chủ điểm giải pháp lớn từ chính quá
trình hành động của doanh nghiệp Việt trong những năm vừa qua. Đầu tiên
là sử dụng năng lượng tái tạo và năng lượng thay thế nguyên nhiên liệu
hóa thạch. Tiếp đến là tìm kiếm các giải pháp nhằm sử dụng năng lượng
hiệu quả, giảm xả thải, hướng đến phát triển mô hình kinh doanh bền
vững. Cuối cùng là mục tiêu xây dựng mô hình các thành phố tăng trưởng
xanh, các tập đoàn đa quốc gia sản xuất xanh.
“Nếu
như chính phủ các quốc gia đóng vai trò kiến tạo, định hướng và xác lập
hành lang pháp lý thì khối doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia mới chính
là nhóm đóng vai trò chủ chốt trong quá trình thực hiện và vận hành các
cam kết của COP21”, ông Vinh khẳng định.
Trong
bối cảnh đó, có những doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam đã bước đầu
thay đổi tư duy sản xuất khi những khó khăn đã trở lên rõ ràng. Ví dụ,
Công ty Xi măng Holcim Việt Nam đang đề xuất phương án sử dụng năng
lượng hiệu quả nhằm giảm phát thải carbon trong quá trình sản xuất.
Tương tự, trong lĩnh vực gốm sứ, Công ty Sơn Hà (Hà Nội) đã tìm ra cách
thay thế kỹ thuật nung gốm truyền thống bằng lò nung điện LPG hiện đại,
giúp giảm 75% mức tiêu thụ năng lượng và 85% lượng khí thải carbon.
Tại
TP.HCM, Công ty Minh Phúc, chuyên sản xuất bao bì giấy, foil nhôm, nhãn
hàng hóa với công suất 3.000 tấn sản phẩm mỗi tháng, đã giảm gần 10%
lượng điện tiêu thụ nhờ thay mới hệ thống chiếu sáng từ đèn huỳnh quang
sang đèn LED. Hay như Saitex International đã cải tiến phương pháp, giảm
lượng nước để sản xuất quần jean xuống chỉ còn 34 lít/chiếc thay vì
trung bình 140 lít/chiếc như trước. Rõ ràng, đã có những thay đổi về tư
duy phát triển mô hình sản xuất xanh, dựa trên môi sinh và tâm sinh
trong kinh doanh bền vững.
Về
mặt định hướng, trong khuôn khổ COP21, các cam kết của Việt Nam đều căn
cứ vào cơ sở và nguồn lực trong nước đã đạt được suốt nhiều năm qua.
Theo đó, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ giảm 8% lượng phát thải
nhà kính so với Kịch bản phát triển thông thường (BAU) và giảm đến 25%
nếu nhận được hỗ trợ quốc tế.
Ở tầm
vĩ mô, Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm
VNEEP đang được Chính phủ Việt Nam thực hiện, dựa vào hỗ trợ và kinh
nghiệm từ Chính phủ Đan Mạch. Trong vòng 25 năm qua, nền kinh tế Đan
Mạch đã phát triển hơn 40% về giá trị, nhưng tổng tiêu thụ năng lượng
của quốc gia này lại giảm 7%. Đầu năm 2015, hai quốc gia đã phối hợp
thành lập Quỹ Đầu tư Xanh để hướng đến mục tiêu nâng cao hiệu quả sử
dụng năng lượng trong 3 lĩnh vực sản xuất bao gồm gạch, gốm sứ và thực
phẩm.
Những
bước đi mạnh mẽ của Việt Nam trong lĩnh vực ngoại giao và chia sẻ các
mục tiêu phát triển toàn cầu cũng đã đạt được nhiều thành tựu. Gần nhất,
Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua gói viện trợ trị giá 400 triệu
euro, trong đó có hơn 300 triệu euro dùng cho các dự án phát triển năng
lượng bền vững, mở đầu là dự án cấp điện nông thôn tại Việt Nam. Trước
đó, giai đoạn 2007-2013, EU đã viện trợ cho Việt Nam gần 300 triệu euro
để phát triển y tế, hỗ trợ thương mại và du lịch bền vững.
Cựu
Phó Chủ tịch Cơ quan Liên Chính phủ về Biến đổi khí hậu IPCC, ông Jean
Jouzel, nhà khoa học Pháp về biến đổi khí hậu hàng đầu thế giới khẳng
định “Khối doanh nghiệp phải cực kỳ chủ động và không thể chì hoãn lâu
hơn nữa”. Hiển nhiên, Việt Nam dù có được cộng đồng quốc tế hỗ trợ nhiệt
tình bao nhiêu đi chăng nữa, nhưng nếu bản thân các doanh nghiệp, đối
tượng chủ chốt không hiện thực hóa những cam kết chống biến đổi khí hậu,
không có kế hoạch và hành động cụ thể ngay từ hôm nay thì thảm họa ập
đến sẽ chỉ là vấn đề thời gian