Sâu “lạ” tràn vào Việt Nam
Thời gian qua, lực lượng chức năng khu vực cửa khẩu biên giới vẫn liên tục bắt giữ được các lô hàng nhập lậu, vận chuyển sâu “lạ” từ Trung Quốc về Việt Nam, để bán cho người nuôi chim cảnh.
Sâu lạ được nhập lậu vào Việt Nam
Thời gian gần đây, lực lượng chức năng liên ngành khu vực cửa khẩu biên giới Lạng Sơn và Quảng Ninh đã bắt giữ một số vụ vận chuyển sâu từ Trung Quốc về Việt Nam, để bán cho các điểm nuôi chim cảnh và người nuôi chim.
Theo Trung tá Phạm Văn Minh, Đội Cảnh sát kinh tế Công an huyện Chi Lăng (Lạng Sơn), thời gian gần đây, Công an Chi Lăng liên tục bắt giữ các vụ buôn lậu. Đáng nói, các đối tượng đã tinh vi hơn, sử dụng những loại xe du lịch như Toyota Innova, Ford để vận chuyển hàng lậu như gia cầm giống, sản phẩm gia cầm và sâu để đưa về xuôi. Đội Cảnh sát kinh tế CAH Chi Lăng đã bắt giữ một vụ vận chuyển sâu từ Trung Quốc với gần 1,5 tạ. Trước đó, Công an TP Lạng Sơn cũng đã bắt giữ một vụ vận chuyển 9 hộp nhựa đựng loại sâu này với trọng lượng gần 1 tạ.
Tại Hà Nội, loại sâu này đã được bày bán từ khá lâu trên một số tuyến phố để phục vụ người nuôi chim cảnh. Tại khu vực cầu vượt Hoàng Hoa Thám - Văn Cao, ngày nào cũng có gần chục chiếc xe máy bày bán các loại sâu, thức chăn cho chim trong những thùng xốp. Phần lớn các loại sâu lạ nhập lậu về Việt Nam để phục vụ cho nhu cầu nuôi chim cảnh là sâu rồng và sâu quy. Giá nhập tại Trung Quốc khoảng 3-4 Nhân dân tệ/kg, tương đương 13.000-14.000 đồng và khi vào Việt Nam, đến tay người có nhu cầu khoảng 25.000-26.000 đồng/kg. Theo các cơ quan chức năng của Bộ NN&PTNT, toàn bộ sâu “lạ” đang bày bán trên khắp cả nước là sâu nhập lậu. Bởi ở Việt Nam, việc gây nuôi các loại sâu này đều bị cấm.
Bà Nguyễn Thị Hà, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 7 (quản lý địa bàn 2 tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn) cho biết, toàn bộ số sinh vật lạ như sâu bọ, gián… du nhập vào Việt Nam đều là hàng lậu. Do đó, trách nhiệm ngăn chặn chính thuộc về các cơ quan chống buôn lậu như Hải quan, Bộ đội Biên phòng, còn ngành kiểm dịch thực vật chỉ phối hợp.
Mối nguy hiện hữu
Theo ông Hoàng Trung, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), tại Lạng Sơn, vài năm trước đã xuất hiện một số tư thương nhập lậu sâu bọ về Việt Nam tiêu thụ. Ngay sau đó, Cục BVTV đã đề nghị các Sở NN&PTNT địa phương chỉ đạo rà soát tình trạng này.
Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục BVTV cho biết, theo quy định của pháp luật, các loại sâu đều được xếp vào nhóm đối tượng dịch hại và có nguy cơ lây lan cao nên đều bị cấm nhập khẩu. Việt Nam là một nước nhiệt đới, sâu bệnh phát triển nhiều, nông dân trong nước rất tốn kém, vất vả để tiêu diệt sâu bệnh. Vì vậy, chủ trương của Bộ NN&PTNT là không cho nhập những sinh vật lạ, trong đó có sâu. Nếu cho nhập khẩu về nước mà không kiểm soát tốt sẽ tạo ra mối nguy cho ngành trồng trọt và môi trường. Vừa qua, Việt Nam đã tạm dừng nhập khẩu rau quả từ Australia chỉ vì quốc gia này bùng phát dịch ruồi giấm không kiểm soát được.
Theo tìm hiểu, hiện nay, các loại sâu người nuôi chim mua về để làm thức ăn cho sinh vật cảnh đều được coi là sinh vật lạ, thuộc hệ đa thực hoặc “siêu sâu”– ăn rất nhiều thứ khác nhau nên rất nguy hiểm cho môi trường và mùa màng nếu để phát tán ra tự nhiên. Việt Nam đã có nhiều bài học về tình trạng nhập lậu sinh vật lạ về buôn bán, gây nuôi và đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng như nạn ốc bươu vàng, cu ly và vừa qua là chồn nhung đen, gián đất…
(Nguồn: taydo)