Chuyển đến nội dung chính

"Nghệ thuật" gieo thẳng

"Nghệ thuật" gieo thẳng


Hải Dương là một trong những tỉnh sớm nhất và luôn đi đầu về áp dụng phương thức gieo thẳng khi thâm canh lúa xuân và lúa mùa
 
nghe-thuat-gieo-thang-1.jpg
Bà con nông dân đang gieo vãi

Sở dĩ, phương thức này được nông dân ưa chuộng và phát triển sâu rộng như vậy là vì gieo thẳng là một biện pháp có nhiều ưu điểm: Nông dân không phải làm mạ, không mất nhiều công để cấy và lúa phát triển nhanh hơn. Đặc biệt là năng suất lúa gieo thẳng dù ở vụ xuân hay vụ mùa đều cao hơn lúa cấy

Mặt khác, việc phát triển 3 vụ/năm đã khiến các giống lúa ngắn ngày được đưa vào cơ cấu với một diện tích lớn

Từ năm 1968 -1970, cán bộ và nông dân Hải Dương đã bắt tay vào áp dụng phương thức gieo thẳng lúa. Tính đến nay diện tích lúa gieo thẳng ở vụ nào cũng xấp xỉ 21.000 ha, chiếm 33% tổng diện tích gieo cấy lúa của cả tỉnh

Ông Trần Văn Hạnh, GĐ Trung tâm Khuyến nông Hải Dương, người gắn bó lâu dài và bền chặt với nông dân hơn 30 năm qua cho biết, do địa hình đồng ruộng của Hải Dương chủ đạo là các chân vàn, vàn cao, nông dân lại luôn coi trọng việc SX nông nghiệp, hầu hết các chân ruộng đều được phát triển 3 vụ/năm nên các giống lúa ngắn ngày đều được ưu tiên và chú trọng sử dụng.

Việc áp dụng phương thức gieo thẳng thay cho cấy mạ dược trước đây đã trở thành một "chiến tích", một cuộc cách mạng bởi nó giảm được rất nhiều công lao động cho nông dân khiến cho việc SX lúa trở nên đơn giản hơn và gọn nhẹ hơn nhiều.

Qua theo dõi chặng đường dài của SX lúa theo phương thức gieo thẳng, ông Hạnh nhận xét: “Gieo thẳng ở Hải Dương đã trở thành một nghệ thuật trong canh tác lúa.

Dùng từ “nghệ thuật” dành cho nông dân Hải Dương trong áp dụng phương thức gieo thẳng quả là không quá chút nào. Bởi hầu hết nông dân các vùng lúa của tỉnh đã có nhiều năm kinh nghiệm trong việc áp dụng phương thức này, chỉ bằng những bàn tay khéo léo nhanh thoăn thoắt, không cần một dụng cụ bổ trợ nào mà một người có thể gieo được hàng mẫu ruộng một ngày.

Được coi là một nghệ thuật bởi lý do nữa là nông dân Hải Dương có kỹ thuật ngâm ủ thóc rất tốt để ra được một lô mống đủ tiêu chuẩn cho gieo thẳng (rễ và mầm cân đối).

Hơn thế, đó là các diện tích lúa sau khi gieo thì hầu như không phải dặm tỉa là mấy, trừ trường hợp bị úng, hạn. Các cây mạ lên đều với khoảng cách đều chằn chặn như ai đó đặt chứ không phải là gieo và một lao động có thể phát triển được hàng mẫu lúa/vụ.

Bà Trần Thị Vạn, nông dân huyện Nam Sách đang nhanh tay gieo mấm mạ trên ruộng cho biết, trong cả chặng đường làm nông dân mấy chục năm qua, bà đã từng trải qua nhiều thời kỳ gieo cấy lúa.

Song cho đến nay, khi bà và nhiều nông dân khác được Nhà nước chỉ đạo, hướng dẫn cho phương thức gieo thẳng thì mới thấy được sự nhàn nhã của công việc ruộng đồng.

Đúng thật là có tiến bộ có khác! Ngày trước, khi có thửa ruộng được cấy thì bà cùng các con phải dậy từ 3 giờ sáng bì bõm nhổ mạ, xúc xúc, đập đập để bùn bắn cả lên đầu, lên mặt đến sáng mới được gánh mạ đi cấy.

Rồi cấy nhanh đến mấy thì 1 sào ruộng cũng phải mất 1 - 1,5 công mới xong. Bây giờ nghĩ lại việc đó mà thấy gian nan và e ngại quá!

Khi hỏi tại sao bà có thể gieo được cả ruộng mạ đều tay như vậy, trong khi qua chứng kiến tận mắt chẳng thấy bà chia ô, chia thóc tí nào?

Bà tâm sự, chẳng qua là làm nhiều nên quen tay. Biết rằng bà nói vậy là rất khiêm tốn. Thực tế để gieo được như vậy là cả một quá trình đúc rút kinh nghiệm từ việc xem xét giống lúa hạt to hay nhỏ, đẻ nhiều hay ít?

Đến việc ngâm ủ sao cho mầm và rễ cân đối để gieo thuận lợi. Rồi việc cày bừa làm đất, cào trang ruộng cho phẳng phiu... Hội tụ lại mới nhào lặn thành “nghệ thuật”.

Thực tế cho thấy, thâm canh lúa gieo thẳng có nhiều lợi thế hơn, hiệu quả hơn so với lúa cấy. Thứ nhất là kịp thời vụ nếu SX nhiều (do không tốn công, tốn đất làm mạ lại giảm được công lao động cho nông dân), cây lúa phát triển thuận lợi và không có thời gian bị “chột” trên ruộng vì không bị đứt rễ.

Thứ hai, do gieo thẳng nên mỗi “khóm lúa” là một hạt thóc, các cây có không gian để phát triển thuận lợi (quang hợp ánh sáng tốt, đủ đất ăn...).

Mặt khác, gieo thẳng còn làm cho ruộng lúa được thông thoáng nên cây mạ đẻ nhánh khỏe lại ít sâu bệnh hại. Vì vậy, qua tổng kết nhiều năm, mỗi sào lúa gieo thẳng của nông dân Hải Dương luôn có năng suất cao hơn lúa cấy từ 25 - 30%.

Tìm hiểu thực tế tại xã Hồng Phong, huyện Nam Sách, một trong những địa phương có diện tích lúa gieo thẳng chiếm trên 80% tổng diện tích gieo cấy toàn xã, ông Vương Văn Sáng, Chủ tịch UBND xã Hồng Phong cho biết: "Từ khi áp dụng gieo thẳng đến nay nông dân rất mặn mà với cả lúa xuân và lúa mùa vì SX lúa bây giờ rất nhàn chứ không như trước, một người có thể cấy hàng mẫu ruộng/vụ mà chỉ dồn dập mất 1 tuần là xong rồi bước vào chăm bón

Hơn thế, thời kỳ công nghiệp hiện đại bây giờ lại có nhiều máy móc thay thế (máy gặt đập, máy cày, bừa...) nên giảm được rất lớn sức lao động con người. Mặt khác, việc gieo thẳng giúp cho một người SX được hàng mẫu ruộng/vụ. Chứ nếu cấy lúa thì không ai làm được như vậy vì vào thời vụ ở nông thôn hiện nay không thể thuê được ai cấy cho. Cho nên, một người làm 1 mẫu ruộng bây giờ nhàn hơn trước kia cấy 5 sào lúa

Ông Sáng cho biết thêm, trong những vụ gần đây, nông dân Hồng Phong cũng hưởng ứng phương thức mới: Gieo thẳng bằng công cụ (máy) sạ hàng. Song, với kinh nghiệm gieo thẳng bằng tay khéo léo “như máy” của nông dân nơi đây thì phương thức này lại không phù hợp bởi nó rườm rà, mất thời gian hơn nhiều so với gieo bằng tay

Có thể nói, phương thức gieo thẳng là một tiến bộ kỹ thuật được nông dân ứng dụng rộng rãi và lâu dài trong SX lúa bởi nó thiết thực và giúp giảm nhiều khâu kỹ thuật không cần có nên tăng hiệu quả; nhất là đối với các giống lúa ngắn ngày có tiềm năng năng suất cao. Những lợi thế đó đã giúp nông dân duy trì lâu bền cho đến tận bây giờ và tiếp sau nữa bởi nó vẫn luôn là một kỹ thuật tiến bộ. Với nông dân Hải Dương thì đến nay đã “trăm hay không bằng tay quen” nên thực sự họ đã có một “nghệ thuật gieo thẳng lúa” để tăng năng suất, tăng thu nhập
 (Nguồn: taydo)

Bài đăng phổ biến từ blog này

Cách trồng và chăm sóc cây lá lốt trong chậu

Cách trồng và chăm sóc cây lá lốt trong chậu Xuất hiện trong nhiều món ăn quen thuộc và có nhiều tác dụng khác nhau nên lá lốt được trồng ở khắp nơi. Người dân chỉ cần chú ý theo một số kỹ thuật trồng cây dưới đây là có thể tự cung cấp rau cho gia đình. Cây lá lốt có tên khoa học là Piper lolot, thuộc họ  hồ tiêu  (Piperaceae) và có  kỹ thuật trồng cây  rất đơn giản. Lá lốt là loại rau quen thuộc và được dùng phổ biến trong các bữa ăn. Lá lốt thường được sử dụng ăn sống như các loại rau thơm hoặc làm rau gia vị khi nấu canh. Ngoài là rau ăn lá, lá lốt còn là vị thuốc chữa nhiều bệnh, khi dùng có thể dùng tươi, phơi hay sấy khô. Lá lốt có kỹ thuật trồng cây không quá khó Đây là loài cây thảo sống nhiều năm, thân có rãnh dọc. Lá đơn nguyên, mọc so le, hình tim, có màu xanh đậm, mặt lá bóng. Hoa mọc từ nách lá, cụm hoa bông, hoa đực và hoa cái khác gốc. Quả mọng chứa một hạt. Cây thường mọc hoang trong rừng, nơi ẩm ướt dọc các bãi cát ven suối và phổ biến ở Việt Nam, Trung Quốc

Tích cực phòng trừ đạo ôn

Tích cực phòng trừ đạo ôn Dự báo, thời gian tới bệnh đạo ôn hại lá có thể gây hại trên diện rộng. Riêng đối với những diện tích lúa trỗ sớm trong tháng 4, bệnh đạo ôn cổ bông có khả năng phát sinh. (Ánh minh hoạ)   Vụ xuân năm nay, tỉnh Tuyên Quang gieo cấy 20.169 ha lúa, đạt 104,3% kế hoạch. Hiện lúa bước vào giai đoạn đẻ nhánh rộ đến đứng cái làm đòng; tuy nhiên thời tiết diễn biến bất thường, tạo điều kiện cho sâu bệnh phát sinh gây hại rải rác trên một số giống nhiễm như BC 15, HT 1, Bắc thơm số 7, nếp... với diện tích 7 ha tại các huyện Yên Sơn, Sơn Dương, Chiêm Hóa, TP Tuyên Quang..., tỷ lệ bệnh nơi cao 3 - 5 % số lá. Dự báo, thời gian tới bệnh đạo ôn hại lá có thể gây hại trên diện rộng. Riêng đối với những diện tích lúa trỗ sớm trong tháng 4, bệnh đạo ôn cổ bông có khả năng phát sinh.   Anh Vũ Đình Tám, Trưởng trạm BVTV huyện Yên Sơn cho biết, trạm đã phân công cán bộ, bám sát cơ sở phối hợp với khuyến nông hướng dẫn bà con thực hiện bón cân đối NPK, không bón quá nhiều ho

Định hướng dài hạn nhằm thu hút vốn FDI vào nông nghiệp

Định hướng dài hạn nhằm thu hút vốn FDI vào nông nghiệp Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Lê Bá Liễu/TTXVN) Là ngành có nhiều tiềm năng và lợi thế, song dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nông, lâm, ngư nghiệp ngày càng hạn chế so với nhu cầu thu hút vốn và những kỳ vọng. Trong khi đầu tư nước ngoài của cả nước có xu hướng tăng, thì dòng vốn này vào lĩnh vực nông nghiệp lại quá nhỏ về quy mô dự án và tỷ trọng vốn đầu tư so với tổng đầu tư nước ngoài của cả nước. Điều này đang đòi hỏi ngành nông nghiệp phải có một chiến lược, định hướng dài hạn để thu hút vốn FDI. FDI trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn được đặc biệt coi trọng và được khuyến khích để bổ sung nguồn vốn cho đầu tư phát triển nông nghiệp. Với quyết tâm vực dậy nguồn vốn này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát nhấn mạnh Bộ sẽ rà soát lại cơ chế chính sách để thực sự khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp, từ đó tạo m