Trồng bưởi sạch cho thu nhập gấp 10 lần trồng lúa
Sau bao
năm xây dựng, hiện cây bưởi Sóc Sơn đã được ngành chức năng cấp chứng
nhận thương hiệu “Bưởi sạch Sóc Sơn”. Điều này không chỉ góp phần tăng
thêm giá trị kinh tế cho những hộ trồng bưởi, mà thị trường tiêu thụ
cũng được phủ rộng khắp cả nước.
Bà
Nguyễn Thị Mười (thôn Thụy Hương, xã Phú Cường) cho biết, năm nay gia
đình bà có khoảng 4.500 quả bưởi Diễn và hầu hết đã được khách đặt mua.
Sóc Sơn là huyện ngoại thành của Hà Nội, có diện tích lớn, địa hình chủ yếu là gò, đồi thấp nên rất thích hợp cho việc phát triển cây ăn quả lâu năm. Khoảng hơn chục năm trước, cây bưởi Diễn đã được người dân nơi đây trồng khá phổ biến. Đặc biệt là những năm gần đây, khi Nhà nước thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng thì bưởi Diễn đã trở thành cây trồng được ưu tiên số 1 ở vùng đồi gò này.
Trao
đổi với chúng tôi, ông Trần Long Hưng – Chủ tịch Hội Làm vườn huyện Sóc
Sơn cho hay, sở dĩ bưởi Diễn được bà con lựa chọn trồng nhiều là do cây
trồng này rất phù hợp với đồng đất ở đây, hơn nữa sau nhiều năm trồng
thử nghiệm, chất lượng bưởi Diễn ở Sóc Sơn không thua kém nhiều so với
bưởi gốc Diễn (quận Bắc Từ Liêm), tôm bưởi vàng, ráo múi, ngọt và có thể
để được 5 - 6 tháng mà không bị hỏng.
Mặc dù
vậy, giá trị của quả bưởi Diễn ở Sóc Sơn vẫn thấp hơn nhiều so với bưởi
Diễn trồng ở Bắc Từ Liêm. Hơn nữa, thị trường tiêu thụ hẹp, bấp bênh nên
ông Long cũng như các HTX rất trăn trở, làm thế nào để xây dựng thương
hiệu, tìm đầu ra cho hơn 150ha bưởi ở huyện không phải là chuyện dễ.Để “chạy đà” cho việc xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị quả bưởi, ông Long đã cùng các chi hội làm vườn cơ sở, HTX tổ chức nhiều cuộc tập huấn cho bà con về quy trình, kỹ thuật chăm sóc bưởi theo quy trình sạch, an toàn. Theo đó, các hộ dân phải cam kết không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cấm, nồng độ cao, thay vào đó là dùng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, thân thiện với môi trường, ưu tiên sử dụng phân bón hữu cơ…
“Bây giờ người tiêu dùng tinh lắm, họ đang chuyển dần sang xu hướng dùng sản phẩm sạch, chất lượng cao, do đó quả bưởi muốn tiêu thụ tốt không những cần chất lượng thơm ngon, mà còn phải đảm bảo an toàn. Khi chất lượng bưởi Sóc Sơn đã được khẳng định, chúng tôi mới dám tính đến việc xây dựng thương hiệu”, ông Long chia sẻ.
Sau nhiều năm nỗ lực, tháng 6.2014, bưởi Sóc Sơn đã chính thức được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) cấp chứng nhận thương hiệu “Bưởi sạch Sóc Sơn”. Đây không chỉ là niềm tự hào của người trồng bưởi, mà còn tạo điều kiện giúp bà con có thể làm giàu từ loại trái cây có nhiều đặc điểm ưu việt này.
Người trồng bưởi có thu nhập cao
Chúng tôi về các xã Phú Cường, Thanh Xuân, Phú Minh – những địa phương có diện tích trồng bưởi Diễn lớn nhất ở huyện Sóc Sơn vào một ngày cuối năm. Ông Nguyễn Văn Tuấn – Phó Chủ tịch Hội Làm vườn xã Phú Cường tỏ ra rất vui mừng, vì bưởi Sóc Sơn đã có được thương hiệu, và năm nay vườn bưởi nhà ai cũng sai trĩu quả, vỏ mượt vàng óng. “Mặc dù năm nay thời biết bất lợi, vào thời điểm bưởi ra hoa đậu quả trời mưa nhiều, nhưng được sự hỗ trợ của huyện, sự hướng dẫn của Hội Làm vườn và HTX nên các hộ dân đã kịp thời che lưới, sử dụng túi bọc quả nên tỷ lệ đậu quả vẫn rất cao”, ông Tuấn cho hay.
Dẫn chúng tôi đi thăm các vườn bưởi quanh thôn, ông Nguyễn Minh Phụng – Trưởng thôn Thụy Hương (xã Phú Cường) cho biết, hiện cả thôn có khoảng 5ha bưởi Diễn đã cho thu hoạch và vài ha đang trồng mới. Nói về giá trị của cây bưởi so với các cây trồng khác, ông Phụng làm phép tính: “Một sào có thể trồng được 30 - 35 gốc bưởi, sau 3 – 4 năm cho thu hoạch, trung bình mỗi cây khoảng 20 – 40 quả, với giá 30.000 – 35.000 đồng/quả thì mỗi cây cho thu hơn 1 triệu đồng, cao hơn cả chục lần so với trồng ngô, cấy lúa. Cái hay nữa là trồng bưởi không mất nhiều thời gian chăm sóc, đầu tư một lần, càng về sau giá trị thu nhập càng cao hơn”.
Bà Nguyễn Thị Mười ở thôn Thụy Hương có gần 200 gốc bưởi Diễn đã cho thu hoạch 4 năm nay và 20 gốc chuẩn bị cho thu hoạch. Bà vui vẻ cho biết: “Nhà tôi trồng bưởi đã được 8 năm nay, nhưng những năm trước do không nắm rõ kỹ thuật nên bưởi thường bị ong chích, rụng rất nhiều. Hai năm nay, được sự quan tâm của lãnh đạo huyện, Hội Làm vườn, chúng tôi được hỗ trợ kỹ thuật, túi bọc quả và 70% chi phí thuốc bảo vệ thực vật, phân bón nên quả đậu nhiều, màu sắc quả rất đẹp, ăn ngon và bán được giá”.
Mùa bưởi tết năm nay, có lẽ gia đình bà Trần Thị Yến là “ấm” nhất, bởi bà đang có tới 1.000 gốc bưởi Diễn đã cho thu hoạch, ngoài ra còn có mấy chục gốc đang chuẩn bị hái quả. Bà Yến tâm sự: “Gia đình tôi phấn khởi lắm, bởi trước đây khi bưởi Sóc Sơn chưa có thương hiệu, cả nhà phải đem bưởi đi khắp các chợ để rao bán mà lượng tiêu thụ vẫn nhỏ giọt. Năm nay, dù còn 2 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán, nhưng bưởi trên vườn hầu như đã có người đặt hết. Thậm chí có người còn đặt mua gần 10.000 quả bưởi, với giá trung bình 30.000 – 35.000 đồng/quả (tăng 10.000 đồng/quả so với năm ngoái), nhà tôi tha hồ ăn tết”.
Ông
Trần Long Hưng - Chủ tịch Hội Làm vườn Sóc Sơn cho biết: “Sau khi xây
dựng được thương hiệu “Bưởi sạch Sóc Sơn”, chúng tôi đã được nhiều nhà
phân phối tìm đến ký hợp đồng tiêu thụ, trong đó có Tổng Công ty Thương
mại Hà Nội (Hapro), các siêu thị BigC, Fivimart… và nhiều công ty lớn
đặt hàng để làm quà biếu cho công nhân. Về lâu dài, chúng tôi sẽ xây
dựng chỉ dẫn địa lý cho bưởi Sóc Sơn để phát triển bền vững”.
Theo TayDo