Phú Yên "Được mùa" lúa chét
Trên
các cánh đồng ở Tây Hòa, Phú Hòa và TP Tuy Hòa, lúa chét (hay còn gọi
là lúa tái sinh) chín vàng ruộng. Những ngày này, người dân ra ruộng dàn
hàng ngang gặt lúa vụ với tâm trạng phấn khởi. Tuy nhiên lo ngại của
các chuyên gia nông nghiệp thì đây là “cầu nối” sâu bệnh cho vụ đông
xuân đến.
ĐƯỢC MÙA LÚA CHÉT
Trên
cánh đồng rộng lớn từ xã Hòa An trải dài đến xã Hòa Trị (huyện Phú Hòa)
lúa chét chín vàng ruộng. Bà Nguyễn Thị Nhung ở xã Hòa An, ăn vội bữa
cơm trưa tranh thủ ra trước bậc thềm đạp lúa nói: “Đây là lúa chét mới
gặt về chất đống trước hiên nhà, mình bỏ công ra đạp được thúng nào mừng
thúng nấy”. Cũng theo bà Nhung, để có được lúa chét, sau khi thu hoạch
xong lúa hè thu, chủ ruộng đem chà gai tre hoặc cành cây ra cắm giữa
ruộng gọi là “cắm chét”. Nhìn thấy chà gai tre như “biển báo” ruộng để
chét, người chăn trâu, bò không thả ăn giẫm bừa. Từ đó gốc rạ nảy mầm ra
lá xanh, cứ thế vươn dài trổ đòng rồi chín, chủ ruộng không tốn phân
thuốc cũng như công chăm sóc.
Cầm
trên tay bó lúa chét, ông Trần Văn Hùng ở xã Hòa Trị ước tính, ông có 2
sào lúa chét, gặt được hơn ba bao lúa chắc. “Năm nay được mùa lúa chét,
gié lúa dài, hạt sáng, không như mấy năm trước khi lúa chét trổ đòng
chuẩn bị ngậm sữa thì nước lụt ngâm nhiều ngày lúa tử đòng. Những đám
ruộng cao hơn lũ rút sớm thì đến khi gặt cũng thu hoạch lúa bùn”, ông
Hùng nói.
Tại
cánh đồng xã Hòa Bình 1 (huyện Tây Hòa) một tốp người dàn hàng ngang gặt
lúa chét. Bà Phan Thị Bích, một người gặt lúa cười nói: “Năm nay lúa
chét chín vàng đồng là vì ở vùng này, bước vào mùa mưa người dân trồng
cỏ voi, cỏ tây cho bò ăn, bò nuôi nhốt. Còn mấy năm trước bò thả rông ra
ruộng, chủ ruộng có cắm chét đi chăng nữa thì bò cũng ăn, cuối mùa đám
ruộng còn le que vài bụi lúa chét”.
Cạnh mé
đường Trần Phú (TP Tuy Hòa) ông Trần Ngọc Sung chất “núi” lúa chét vừa
gặt từ ruộng trên cánh đồng phường 8. Mùa này trời mưa nên ruộng lún,
nước ngập đến đầu gối nên ông Sung thuê 8 công thu hoạch lúa chét, trong
đó 6 công gặt, 2 công chất lúa bó lên sõng đẩy vào bờ. Theo ông Sung,
cánh đồng này ông thuê lại từ nhiều chủ ruộng để thả vịt. Khi chủ ruộng
thu hoạch lúa hè thu, ông Sung thả bầy vịt tơ vào rúc ốc cá một tuần rồi
thả vịt chạy đồng qua vùng khác. “Vịt lội moi bùn lên, sau đó tôi xả
nước trong ruộng ra, ngâm ít lúa giống vãi thêm vào, vì vậy lúa chét với
lúa mới vãi nảy mầm ra lá vươn cao. Hơn nữa, nhờ có “lót” phân vịt nên
lúa chét tốt không thua gì lúa vụ mùa. Đến giờ này chuẩn bị trả ruộng
nên tôi tranh thủ gặt lúa chất đống lên bờ, sau đó vãi lại xuống ruộng
cho vịt ăn. Cách này không bỏ tiền đầu tư mua thức ăn cho vịt, chỉ tốn
tiền thuê công gặt nên giảm chi phí”, ông Sung giải thích.
LO NGẠI “CẦU NỐI” SÂU BỆNH
Theo
lịch thời vụ của Sở NN-PTNT, vụ đông xuân 2014-2015, nông dân gieo sạ từ
ngày 20/12/2014 đến 10/1/2015. Sở NN-PTNT yêu cầu, một tháng trước khi
vào vụ sản xuất lúa đông xuân, các HTX nông nghiệp trong tỉnh vận động
nông dân tập trung cày ải, phơi đất trước khi gieo sạ. Vì sau khi thu
hoạch lúa hè thu, qua một thời gian đồng ruộng bỏ hoang, lúa tái sinh
mọc dày là “cầu nối” gây sâu bệnh hại lúa vụ đông xuân. Việc cày ải sớm
để vùi gốc rạ khử chua đồng ruộng, nâng cao độ phì nhiêu cho đất, đồng
thời diệt mầm bệnh, nhất là rầy nâu và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá. Thế
nhưng, đến thời này do vướng lúa chét nên trên các cánh đồng chưa cày ải
vùi gốc rạ được. Ông Đặng Văn Mạnh, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ
thực vật tỉnh, cho hay: “Đúng ra các địa phương phải cày vùi lúa chét đi
để vừa bổ sung phân vừa cắt nguồn sâu bệnh hại. Một vấn đề nữa là do
thiếu máy cày nên các địa phương đều để gần sạ mới cày và cày liên tục 3
lần, trong vòng 2-3 ngày rồi sạ. Thời gian đó không đủ để cỏ, gốc rạ
rục chết nên sau sạ khoảng 1 tháng, các cỏ này phân hủy tạo ra chất H2S
gây ngộ độc hữu cơ cho lúa. Đúng theo quy trình phải cày vùi sớm và cày
trở lại, sau đó trang bằng rồi sạ, thời gian giữa các lần cày 7 đến 15
ngày mới đủ cho cỏ, gốc rạ phân hủy hết”. Còn về lúa chét, ông Mạnh giải
thích: Về thực chất lúa chét là lúa vụ 3, mà vụ này thì chủ trương
ngành Nông nghiệp không cho sản xuất vì năng suất không bao nhiêu nhưng
chúng tồn lưu sâu bệnh rất lớn và đó là “cầu nối” sâu bệnh cho vụ đông
xuân đến. Chưa kể chúng còn lấy đi nhiều dinh dưỡng của đất.
(Nguồn: taydo)