Phát triển cây lâm nghiệp
Nâng cao chất lượng giống cây trồng rừng là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp.
Phát triển giống cây lâm nghiệp là nhiệm vụ cấp bách tái cơ cấu ngành lâm nghiệp
Vai trò của giống cây lâm nghiệp trong tái cơ cấu ngành
Nghị
quyết số 06 của Bộ Chính trị ngày 10/11/1998 về một số vấn đề phát triển
nông nghiệp, nông thôn đã ghi rõ “Ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu và áp
dụng giống mới”. Trong Quyết định 18/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ
ngày 5/2/2007 về phê duyệt chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam
giai đoạn 2006-2020 cũng đã chỉ rõ phải “Nghiên cứu phát triển rừng theo
2 hướng chính là cải tạo giống cây rừng và thực hiện các biện pháp lâm
sinh”.
Nâng cao
chất lượng giống cây trồng rừng là một trong những giải pháp
quan trọng để thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp theo
Quyết định 1565/QĐ-BNN-TCLN ngày 8/7/2014 của Bộ trưởng Bộ
NN-PTNT.
Để nâng
cao giá trị gia tăng của ngành, 2 nhiệm vụ cơ bản được đặt ra
là: i) Nâng cao năng suất rừng đạt bình quân 15 m3/ha/năm và đến
năm 2020 diện tích rừng trồng SX đạt khoảng 3,84 triệu ha; ii)
Đưa tỷ lệ giống cây trồng lâm nghiệp mới được công nhận vào SX
lên 60 - 70% vào năm 2020, đảm bảo cung cấp đủ giống có chất
lượng, góp phần đưa năng suất rừng trồng tăng 10% vào năm 2015
và tăng 20% vào năm 2020 so với năm 2011.
Để thực
hiện được hai nhiệm vụ cơ bản trên, việc ứng dụng KHCN trong lâm nghiệp
và tăng cường công tác quản lý cần được đẩy mạnh, đặc biệt đối với lĩnh
vực giống cây lâm nghiệp.
Những thành tựu nghiên cứu giống cây lâm nghiệp
Viện
Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam mới được tổ chức và sắp xếp lại theo Quyết
định số 2099/QĐ-TTg ngày 25/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay,
cơ cấu tổ chức của Viện gồm 7 Viện và Trung tâm nghiên cứu chuyên đề; 6
Viện và Trung tâm vùng.
Trải qua
53 năm xây dựng và phát triển, đến nay Viện đã đạt được nhiều thành tựu
khoa học đáng kể về công tác cải thiện giống như đã tạo lập được một
mạng lưới nghiên cứu giống cây lâm nghiệp rộng khắp trong cả nước.
Đội ngũ cán bộ chủ chốt làm công tác giống được đào tạo bài bản và
chuyên sâu từ các nước tiên tiến như Thụy Điển, Australia, Đức,
Hungary...
Các cán
bộ này có kiến thức, kĩ năng và trình độ ngoại ngữ tốt để hòa nhập với
các nước trong khu vực, tạo lập được vị thế và uy tín đối với các tổ
chức nghiên cứu và SX lâm nghiệp trong và ngoài nước.
Đối với
nhóm cây trồng rừng chủ lực như keo, bạch đàn, thông, ngoài việc cải
thiện theo năng suất và tính thích ứng, Viện đã và đang tập trung
nghiên cứu các chỉ tiêu về chất lượng phù hợp cho từng mục đích sử dụng
gỗ khác nhau và khả năng kháng sâu bệnh.
Trên cơ
sở đánh giá các chỉ tiêu về tính chất cơ, vật lý của gỗ, hàm lượng
cellulose và hiệu suất bột giấy theo từng gia đình và cá thể cây trội
trong các khảo nghiệm giống trên nhiều vùng sinh thái khác nhau, Viện đã
được Bộ NN-PTNT công nhận 146 giống tiến bộ kỹ thuật và giống quốc gia,
chiếm hơn 90% số giống cây lâm nghiệp đã được Bộ công nhận.
Trong
146 giống này, có 19 giống quốc gia và 127 giống tiến bộ kỹ thuật. Các
giống được công nhận đều có năng suất cao, biến động từ 20 - 40
m3/ha/năm.
Cụ
thể giống tràm lá dài xuất xứ 18960 trồng ở Long An đạt 40,0 m3/ha/năm;
giống bạch đàn trắng kháng bệnh SM16 trồng ở Đồng Nai đạt 35,4
m3/ha/năm; các giống keo lai mới AH7 trồng ở Bình Dương đạt 34,9
m3/ha/năm. Các giống keo lá tràm AA9 và AA15 trồng ở Đồng Nai đạt 32
-33,6 m3/ha/năm.
Viện
cũng đã hoạch định được chiến lược cải thiện giống dài hạn cho nhóm các
loài cây trồng rừng chủ lực này và xây dựng được các rừng giống, vườn
giống, vườn tập hợp giống công tác, vườn cây bố mẹ cố định và di động
phục vụ lai tạo giống mới và cung cấp hạt giống chất lượng cao cho SX.
Kết quả
là nhiều tổ hợp lai trong loài và khác loài đã được lai tạo, từ đó chọn
lọc được nhiều dòng vô tính có sinh trưởng tốt và chất lượng gỗ phù hợp
với các mục đích sử dụng gỗ giấy và gỗ xẻ.
Hiện
nay, các dòng này đang khảo nghiệm đánh giá tại nhiều vùng sinh thái
khác nhau. Việc đánh giá các khảo nghiệm này trong 2 - 3 năm sắp tới sẽ
giúp chúng ta có thêm nhiều sự lựa chọn cho trồng rừng cung cấp nguyên
liệu giấy hoặc gỗ xẻ.
Định hướng chiến lược nghiên cứu giống cây lâm nghiệp
Các hoạt
động nghiên cứu, phát triển và SX giống cây lâm nghiệp trong thời gian
tới sẽ được thực hiện theo hướng gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu chọn
giống truyền thống với ứng dụng công nghệ sinh học, khoa học gỗ, lâm
sinh và sâu bệnh rừng; nghiên cứu ứng dụng với công tác khuyến lâm.
Các lĩnh
vực ưu tiên tạo bước đột phá trong công tác giống cây lâm nghiệp là
chọn lọc, lai tạo giống có định hướng, tạo đa bội và con lai tam bội bất
thụ cho các loài cây trồng rừng chủ lực có diện tích trồng rừng lớn,
tập trung vào chọn tạo giống phù hợp cho từng vùng trọng điểm, theo từng
mục tiêu sử dụng và sức chống chịu cho từng loài nghiên cứu.
Áp dụng
một số công nghệ mới như chọn giống bằng các chỉ thị phân tử, biến nạp
gene, tạo phôi nhân tạo, kích thích ra hoa sớm và mini-cutting… vào các
chương trình cải thiện giống truyền thống nhằm nâng cao hiệu quả và rút
ngắn chu kì chọn tạo giống.
Công
tác nghiên cứu sẽ được tiến hành đồng bộ từ chọn tạo giống, nhân
giống và biện pháp lâm sinh phù hợp trong kinh doanh rừng bền vững cho
các loài cây trồng rừng chủ lực cung cấp gỗ lớn, gỗ giấy hoặc tăng sức
chống chịu sâu bệnh và hạn hán.
Bên
cạnh đó, việc khảo nghiệm mở rộng và xây dựng các mô hình trình
diễn có hệ thống cho các giống mới được công nhận cũng sẽ được tăng
cường thông qua thực hiện các dự án SX thử nghiệm và dự án khuyến lâm.
Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng:
"Cần
tăng cường đầu tư cho nghiên cứu và chuyển giao các giống mới
vào SX cũng như tạo điều kiện để các cơ quan khoa học lâm
nghiệp có thêm quỹ đất để xây dựng các hiện trường nghiên cứu
lâu dài".
|
Các hoạt
động nghiên cứu về nhân giống, đặc biệt là kỹ thuật nhân giống hàng
loạt bằng công nghệ mô, hom, phục tráng và trẻ hóa chất lượng sinh lý
của giống, vi ghép để dẫn dòng và xây dựng vườn giống… cũng sẽ được quan
tâm đưa nhanh các giống được công nhận tới người trồng rừng.
Ngoài
ra, cần tiếp tục chọn giống, nhân giống cho một số loài cây bản địa có
tiềm năng gây trồng và cây lâm sản ngoài gỗ có giá trị cao.
Đổi mới công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào SX
Các dự
án giống phải tập trung SX và cung ứng giống gốc, giống có chất
lượng cao. Viện đang đẩy mạnh xây dựng các vườn giống, rừng giống chất
lượng cao, thiết lập ngân hàng hạt giống và cơ sở dữ liệu về nguồn gốc,
chất lượng di truyền và khả năng thích nghi của các nguồn hạt và các
dòng vô tính đang sử dụng nhằm cung cấp vật liệu giống tốt cho SX và cho
mục đích nghiên cứu, bảo tồn và trao đổi giống quốc tế.
Viện
đã phát triển một hệ thống thông tin quảng bá các giống tiến bộ kỹ
thuật và giống quốc gia đã được công nhận trên các ấn phẩm, trên các
trang website của Viện và Tổng cục Lâm nghiệp. Tích cực tham gia các
hội chợ giống và hội thảo trên toàn quốc cũng như quốc tế nhằm quảng
bá các giống mới và tiến bộ kỹ thuật lâm sinh tới người trồng rừng.
Viện đã
và đang chỉ đạo các Viện và Trung tâm trực thuộc xây dựng các khu khảo
nghiệm lâu dài tại các vùng, phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Khuyến
nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông các tỉnh và các công ty lâm nghiệp
địa phương để xây dựng các mô hình trình diễn giống mới và các tiến bộ
kỹ thuật mới để người trồng rừng có thể tham quan và học tập.
PGS.TS Võ Đại Hải
(GĐ Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam)