Cùng
với sự quan tâm chỉ đạo, điều hành của Đảng ủy, UBND các cấp, qua 6
tháng đầu năm, Mỏ Cày Nam gặp thuận lợi trong phát triển kinh tế - xã
hội. Đặc biệt là có sự tăng trưởng khá đều trong các lĩnh vực sản xuất
nông nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và thương mại - dịch vụ.
Mô hình nuôi heo trên đệm lót sinh thái được nhân rộng khá nhanh. Ảnh: C.TR
Ước giá trị sản xuất nông nghiệp đạt gần 510 tỷ đồng. Các chỉ tiêu về cây trồng (lúa, mía, dừa, cây ăn quả) đều đạt và vượt so kế hoạch. Cây ăn quả đến nay đạt trên 1.500ha, chủ yếu được nông dân đẩy mạnh phát triển theo hướng trồng xen trong vườn dừa. Cây bưởi và ca cao là các loại cây trồng xen được đánh giá hiệu quả nhất và đang được nhân rộng.
Giá cả vật nuôi được duy trì và tăng ở mức khá tốt trên thị trường. Từ đó, người nuôi có lời nên mạnh dạn đầu tư, tái đàn cao. Tuy mới 6 tháng đầu năm nhưng ước tổng đàn heo trên địa bàn đạt 100% so kế hoạch năm, với 190.000 con. Sản lượng ước đạt trên 24.000 tấn. Đàn bò khoảng 12.000 con, đạt trên 92% kế hoạch năm, sản lượng ước đạt 655 tấn.
Mặc dù đầu năm, trên địa bàn đã xảy ra 4 ổ dịch cúm gia cầm H5N1, tại các xã: Cẩm Sơn, An Thới, Định Thủy, An Định, nhưng với sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt, tình hình cúm gia cầm đã nhanh chóng được dập tắt, khống chế và không để xảy ra lây lan. Đàn gia cầm khoảng 420.000 con, đạt 70% kế hoạch năm, sản lượng ước hơn 900 tấn thịt và 2,7 triệu quả trứng.
Toàn huyện đã cấp thêm 1 giấy chứng nhận trang trại cho 1 cơ sở chăn nuôi, nâng số lượng trang trại chăn nuôi trên địa bàn lên 76. Trên cơ sở thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và triển khai thực hiện các chương trình liên kết của tỉnh, huyện cũng đã bước đầu hình thành các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ đối với nhiều mặt hàng nông sản như lúa, dừa, heo, bò... Cụ thể, huyện liên kết với Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Bến Tre hình thành tổ hợp tác liên kết tiêu thụ dừa trái ở xã Định Thủy, Minh Đức; phối hợp với Chi cục Phát triển nông thôn tập huấn chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho làng nghề tại xã An Thạnh, với hơn 30 đại biểu tham dự.
Giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đạt 50% kế hoạch năm, ước thực hiện trên 280 tỷ đồng. Đến nay, tổng số cơ sở sản xuất trên địa bàn là 1.790 cơ sở, giải quyết việc làm cho hơn 24.800 lao động.
Về thương mại, dịch vụ, vận tải cũng đạt vượt so kế hoạch 6 tháng đầu năm. Hàng hóa đa dạng về chủng loại, mẫu mã, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Công tác quản lý thị trường, bình ổn giá, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm được các ngành chức năng quan tâm thực hiện tốt. Tổng mức bán lẻ hàng hóa ước thực hiện trên 500 tỷ đồng. Huyện đã quan tâm tháo gỡ khó khăn trong xây dựng chợ, đã làm việc với các đơn vị có liên quan để bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn trong xây dựng chợ Thom (xã An Thạnh), kêu gọi đầu tư xây dựng chợ Cái Quao (xã An Định); phối hợp với Sở Công Thương tổ chức phiên chợ Đưa hàng Việt về nông thôn, vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Nhìn chung, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện được tập trung triển khai và đạt nhiều kết quả quan trọng. Công tác phòng chống và xử lý dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi được thực hiện tích cực, hiệu quả. Tình hình giải quyết ô nhiễm môi trường có chuyển biến, các công trình xây dựng cơ bản, kết cấu hạ tầng được tập trung và đẩy nhanh tiến độ thi công. Công tác chăm lo đời sống các đối tượng chính sách, bảo trợ xã hội, hộ nghèo được quan tâm thực hiện khá tốt. Công tác xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm được tập trung thực hiện và bước đầu nâng cao nhận thức người dân trong tham gia, hưởng ứng. Quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Song song với những kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục trong 6 tháng cuối năm. Đó là, tình hình phạm pháp hình sự, tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông đường bộ tăng so cùng kỳ; công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa chưa thu hút mạnh mẽ các tầng lớp nhân dân…
(Nguồn: baodongkhoi.com.vn)