Khảo nghiệm giống lúa chịu hạn: Tín hiệu vui
Chi
cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh Khánh Hòa đang thực hiện khảo nghiệm
các giống lúa chịu hạn (GLCH) theo đơn đặt hàng của Viện BVTV. Đây là
tín hiệu vui cho các vùng sản xuất lúa bấp bênh, nhất là tại 2 huyện
miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh.
Đang khảo nghiệm
Vụ Hè Thu năm nay, Chi cục BVTV triển khai khảo nghiệm 2 GLCH là LCH-37, LC 93-2 tại 2 xã Vĩnh Hiệp và Vĩnh Thạnh (TP. Nha Trang) với diện tích 1.500m2. Hiện nay, các ruộng khảo nghiệm lúa đang phát triển tốt, các giống này đều sản xuất theo quy trình 1 phải, 5 giảm.
Năm 2013, khi thực hiện Đề tài “Nghiên cứu, đánh giá, tuyển chọn và khảo nghiệm bộ GLCH thích ứng với vùng duyên hải miền Trung chịu ảnh hưởng bất lợi của biến đổi khí hậu”, Viện BVTV đã chọn tỉnh Khánh Hòa làm điểm. Bộ giống lúa gồm 6 giống, được đánh mã số từ 1 đến 6 do Viện BVTV cung cấp và giống VD 20 (giống lúa thuần của địa phương) được chọn làm giống đối chứng. Mục tiêu của Đề tài là chọn ra GLCH ngắn ngày, có chất lượng thích hợp với điều kiện tự nhiên của vùng duyên hải miền Trung, nhằm thay thế những giống lúa thịt cũ, thoái hóa, nhiễm sâu bệnh...
Theo dõi sinh trưởng của giống lúa chịu hạn tại xã Vĩnh Hiệp. |
Kỹ sư Lê Quang Vịnh - chủ nhiệm Đề tài cho biết, kết quả khảo nghiệm được đánh giá đầy đủ các yêu cầu trên 6 giống lúa. Về sinh trưởng: các giống tham gia khảo nghiệm đều có khả năng tốt, chịu hạn cao so với giống đối chứng, phù hợp với tập quán canh tác tại địa phương. Về chống đổ ngã: do thời tiết bất lợi, mưa kèm gió to nên lúa đổ ngã nhiều trong giai đoạn thu hoạch. Trong đó, giống số 6 đổ ngã nhiều nhất với 10%, giống số 1: 8%, giống số 5: 6%. Riêng giống đối chứng đổ ngã 15%. Về khả năng chịu hạn: các giống khảo nghiệm bị chủ động cắt nước tạo khô hạn nhưng vẫn sinh trưởng, phát triển tốt, có năng suất cao hơn giống đối chứng. Hầu hết các giống có thời gian sinh trưởng tương đương so với giống đối chứng. Về khả năng chống chịu sâu bệnh: Các giống đều nhiễm sâu bệnh, nhất là nhiễm rầy. Trong đó, giống số 1 mẫn cảm mạnh nhất với thời tiết và sâu bệnh. Giống số 4 có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt nhất. Về năng suất: các giống đều có năng suất cao hơn giống đối chứng từ 0,8 đến 3 tạ/ha; trừ giống số 2 và 3 có năng suất thấp hơn. Về chất lượng gạo: các giống số 1, 4, 5 và 6 cho chất lượng cơm dẻo, sáng, gạo nở nhiều; riêng giống số 2, 3 có chất lượng cơm cứng, khô, gạo nở nhiều, màu gạo tối.
Từ kết quả trên, Chi cục BVTV đã đề nghị Viện BVTV tiếp tục đưa vào khảo nghiệm các GLCH. Năm 2014, Đề tài được Viện BVTV cho phép triển khai tiếp tục. Các giống được gỡ bỏ mã số, thay vào đó là tên giống gồm: giống LCH 37 (lúa chịu hạn) và LC 93-2 (lúa cạn).
Triển vọng cho các vùng thiếu nước tưới
Khánh Hòa có diện tích lúa cả năm hơn 42.000ha, năng suất trung bình hơn 52 tạ/ha, sản lượng hơn 245.000 tấn. Trong đó, vụ Đông Xuân xấp xỉ 20.000ha, chiếm 42,3% tổng diện tích cả năm, năng suất trung bình 55,85 tấn/ha; vụ Hè Thu hơn 19.000ha, chiếm 40,6% tổng diện tích cả năm, năng suất 55,59 tạ/ha. Ngoài ra, còn có lúa vụ mùa hơn 8.000ha, năng suất trung bình 35,82 tạ/ha.
Theo ông Vịnh, hiện tại, các vùng sản xuất lúa trong tỉnh đều đứng trước thách thức như: năng suất bấp bênh, không ổn định do thời tiết, khí hậu biến đổi thất thường, nhất là hạn hán đã ảnh hưởng nặng nề và trực tiếp vào cuối vụ Đông Xuân, đầu Hè Thu, tác động chủ yếu vào thời kỳ làm đòng đến chắc hạt (vụ Đông Xuân) và thời kỳ gieo sạ đến làm đòng, trổ bông, chắc hạt (vụ Hè Thu) làm ảnh hưởng đến lép hạt và mẩy hạt. Từ đó, làm giảm năng suất lúa.
Việc khảo nghiệm cũng như sản xuất GLCH không phải bây giờ mới tiến hành. Theo kỹ sư Trịnh Thị Thùy Linh - Chi cục trưởng Chi cục BVTV, từ năm 1999 đến năm 2005, Khánh Hòa là địa phương sản xuất giống nguyên chủng GLCH (khoảng 30 - 50ha, sản lượng hàng trăm tấn/năm) để Viện BVTV cung cấp cho cả nước. Các giống chịu hạn được sản xuất gồm: LC 93-1, LC 93-2, LC 93-4. Một số khu vực sản xuất bị thiếu nước như: xã Vĩnh Ngọc (TP. Nha Trang), xã Ninh Sơn (thị xã Ninh Hòa) đã sản xuất các GLCH.
Thời gian tới, Chi cục BVTV sẽ đề nghị với Viện BVTV tiếp tục triển khai, nhân rộng các GLCH tại Khánh Hòa, làm tiền đề chủ động nguồn GLCH thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với điều kiện các vùng trồng lúa bấp bênh, đặc biệt là 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh để nâng cao năng suất, sản lượng, chống chịu trong điều kiện bất lợi, khô hạn, thiếu nước tưới...
(Nguồn: baokhanhhoa.com.vn)