Tây Đô - Xây dựng mô hình liên kết năng động, sáng tạo trong nông nghiệp
Tại Thông báo 208/TB-VPCP,
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng: Năng lực cạnh tranh của nông
nghiệp Việt Nam còn nhiều tiềm năng, doanh nghiệp nông nghiệp hoàn toàn
có thể phát triển và làm giàu từ nông nghiệp, vấn đề đặt ra là phải có
giải pháp tái cơ cấu và mô hình liên kết đúng, năng động và sáng tạo.
Ảnh minh họa |
Tại Hội
nghị sơ kết thực hiện Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát động phong
trào thi đua “Toàn ngành nông nghiệp và Phát triển nông thôn chung sức
thực hiện tái cơ cấu ngành, xây dựng nông thôn mới”, Phó Thủ tướng Hoàng
Trung Hải đánh giá, việc tập trung đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành
nông nghiệp thời gian qua đã thu được những kết quả bước đầu đáng khích
lệ.
Nhận
thức về sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn với chế biến, thị trường tiêu
thụ, áp dụng tiến bộ khoa công nghệ, chất lượng, thương hiệu sản phẩm đã
được nâng lên; một số địa phương đã thực hiện chuyển đổi sáng tạo, thực
tiễn có nhiều mô hình đạt năng suất, hiệu quả cao, tăng thu nhập cho
nông dân. Theo thống kê, thu nhập bình quân của hộ nông dân năm 2013 đạt
19,9 triệu đồng/hộ, tăng 1,8 lần so với năm 2010; giá trị thu được trên
đất trồng trọt đạt bình quân 72,8 triệu đồng/ha/năm, trên đất nuôi
trồng thủy sản đạt 146 triệu đồng/ha/năm, đều tăng mạnh so với trước
đây.
Tuy
nhiên, việc triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp chưa
được đồng bộ; một số địa phương, đơn vị chưa thực sự quan tâm, triển
khai chậm, thậm chí còn lúng túng. Tái cơ cấu là vấn đề khó không chỉ
đối với ngành nông nghiệp và kết quả đạt được mới chỉ ở bước đầu, vì tỷ
lệ lao động trong nông nghiệp, cơ cấu của ngành, đóng góp của nông
nghiệp trong nền kinh tế vẫn chưa tương xứng, đòi hỏi tiếp tục phải có
tư duy mới, sáng tạo và thường xuyên tiếp cận thị trường.
Thúc đẩy các mô hình sáng tạo, đổi mới phát triển
Để tiếp
tục triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong năm 2014-2015
và các năm tiếp theo, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các Bộ,
ngành liên quan, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao
nhận thức, quán triệt đến cấp bộ đảng, chính quyền các cấp, toàn ngành,
doanh nghiệp, người dân về mục tiêu, quan điểm, nội dung, nhiệm vụ, giải
pháp thực hiện tái cơ cấu ngành nhằm tạo sự chuyển biến, quyết tâm cao
để đưa nông nghiệp lên sản xuất quy mô lớn, giá trị gia tăng cao, tổ
chức sản xuất theo hướng liên kết chặt chẽ giữa kinh tế hộ với doanh
nghiệp, với thị trường. Cần tổng kết, đánh giá các mô hình liên kết có
hiệu quả, đồng thời nghiên cứu so sánh với mô hình của các nước, nhất là
các nước trong khu vực để học hỏi, rút kinh nghiệm, thúc đẩy các mô
hình sáng tạo, đổi mới phát triển, coi đó là nhiệm vụ để phát triển nông
nghiệp bền vững.
Bên
cạnh đó, cần có chương trình nghiên cứu, đẩy mạnh công tác thông tin thị
trường để định hướng sản xuất đến tất cả các ngành, từng phân ngành,
kiểm soát dung lượng thị trường, quy mô tái cơ cấu, quản lý, điều tiết
sản xuất, kinh doanh; đồng thời có giải pháp đưa thông tin đồng bộ đến
người sản xuất kinh doanh.
Phó Thủ
tướng yêu cầu đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng tiến bộ khoa
học, công nghệ, coi đây là một trong những nội dung có tính quyết định
của việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp; phải đưa ra các giải
pháp mới, có xây dựng mô hình mẫu với từng ngành và có cơ chế chính sách
để mở rộng.
Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn được giao chủ trì, phối hợp với các Bộ,
ngành liên quan tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa
phương thực hiện tái cơ cấu; nắm bắt yêu cầu của cơ sở, kịp thời tháo
gỡ các khó khăn, vướng mắc và đề xuất xây dựng các cơ chế chính sách,
tạo điều kiện thuận lợi thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo mục
tiêu đã đề ra.
(Nguồn: chinhphu.vn)