Trồng tre lấy măng: Làm chơi, ăn thật
Mùa mưa đến, người dân các xã: Bàu Hàm 2, Xuân Thạnh… (huyện Thống Nhất) tranh thủ thu hoạch măng trồng quanh nhà để kiếm thêm thu nhập. Nhiều người cho biết, vài năm gần đây, giao thông thuận lợi, lượng người đi lại trên các quốc lộ 1 và 20 ngày càng nhiều nên nhu cầu thu mua măng bán cho khách vãng lai và thương lái các tỉnh khác cũng tăng cao. Do đó, nhiều hộ đã tranh thủ trồng thêm tre trên đất nhà để vừa giữ đất vừa có thêm thu nhập.
Ông Liêu Văn Cảnh cắt măng đem bán. |
Làm chơi, ăn thật
Khi mặt trời chưa ló dạng, ông Liêu Văn Cảnh (ấp Nguyễn Thái Học, xã Bàu Hàm 2) đã cầm dao, bao tải ra sau vườn nhà cắt măng đem bỏ mối. Gia đình ông Cảnh là một trong những hộ trồng măng tre lớn ở xã Bàu Hàm 2, với khoảng 50 bụi tre. Ông cho hay, cây tre không phải cây trồng chủ lực nên rất ít người trồng, phần lớn chỉ trồng vài bụi ở các hàng ranh để giữ đất và lấy măng phục vụ bữa ăn gia đình. Nhà nào có đất, vườn trồng được 30-50 bụi tre rồi cắt măng đem bỏ cho thương lái hay bán ngoài chợ là đã có nguồn thu hoạch khá. “Như nhà tôi, mỗi bụi tre cho thu hoạch xấp xỉ 100kg măng, đặc biệt có những bụi lớn cắt được 300kg măng/năm; mỗi năm thu măng đều đặn 5 tấn. Với giá măng thu mua tại vườn hiện 5 ngàn đồng/kg, cao nhất gần 20 ngàn đồng/kg thì mỗi năm cũng thu về trên 20 triệu đồng. Đó là gia đình tôi chỉ bỏ phân đầu mùa mưa mà không tưới nước, cứ đợi mưa đầu mùa đổ xuống là tuần sau cắt măng đem bán. Thời điểm này, măng đang vào mùa nên giá rất rẻ, nhưng các hộ trồng tre quanh đây cũng có lời vì ít đầu tư công sức” - ông Cảnh cho hay.
Ông Lê Văn Nhạn phát bớt cành để tre phát triển. |
Ông Lầu A Lộc (ngụ ấp Nguyễn Thái Học, xã Bàu Hàm 2) chia sẻ thêm trồng tre lấy măng bán vào mùa mưa khá đơn giản, hầu như chỉ bón phân vào đầu mùa mưa, lâu lâu đi phát dọn bớt các cành dư, chứ không cần làm gì nhiều, cũng không lo bị thiệt hại như các loại cây trồng khác. “Nhà tôi có khoảng 40 bụi tre, do bận đi làm nên chỉ thỉnh thoảng mới chăm sóc, nhưng mỗi tuần 2 lần lấy dao, sọt đi cắt măng bán cũng được kha khá tiền. Trồng tre lấy măng là cách kiếm tiền theo kiểu “làm chơi, ăn thật” vì công sức bỏ ra không nhiều, nhưng lại có nguồn thu kha khá. Tre là loại cây có sức sống mãnh liệt, thường chỉ trồng hơn 1 năm là đã có thể thu hoạch măng, nhưng muốn măng ngon và chất lượng nên để tre phát triển trên 2 năm. Tre trồng cũng không quá khó, cắt lóng từ cây mẹ rồi vùi xuống đất, thêm phân bón, trồng vào mùa mưa là tốt nhất, không cần tưới tắm gì cũng lớn nhanh như thổi” - ông Lầu A Lộc chia sẻ.
Vườn tre nghịch mùa của vợ chồng già
Từ ngã tư Dầu Giây đi theo tỉnh lộ 769 đến ấp Trần Hưng Đạo, xã Xuân Thạnh, vườn tre 1,5 hécta của vợ chồng ông Lê Văn Nhạn được nhiều người biết đến vì đây là một trong những vườn tre lớn của xã, cung cấp măng quanh năm. Ông Nhạn vui vẻ cho biết phương châm của ông là “nghịch mùa thì mới có ăn” nên ai trồng măng tập trung bán vào mùa mưa thì ông đầu tư hệ thống tưới tự động cho tre để thu hoạch măng bán quanh năm.
“Tôi từng trồng đủ loại cây ăn trái, như: sầu riêng, chôm chôm…, nhưng thu hoạch được vài mùa thì bị thất thu. Sâu bệnh, thời tiết thất thường khiến người làm nông đã khó khăn, còn đứng ngồi không yên. Mấy năm trước đây, tôi chợt nhận ra nguồn lợi từ măng tre, nhất là vào mùa khô, khi nguồn cung ít mà nhu cầu lúc nào cũng có, nên tôi phá bỏ hết chôm chôm chuyển sang trồng duy nhất cây tre. Do tre trong vườn có sẵn nên việc nhân giống rất nhanh mà không mất nhiều thời gian, công sức. Hiện nay, mỗi năm gia đình tôi thu khoảng 20 tấn măng, riêng năm nay nắng quá nên thất thu” - ông Nhạn tâm sự.
Vườn tre được vợ chồng ông Nhạn mày mò trồng. Nhờ kinh nghiệm 50 năm làm nông nên việc bón phân, tưới nước, tìm đầu ra cho măng…, vợ chồng ông tiến hành rất nhanh. Giữa tháng 6 âm lịch hàng năm, ông bắt đầu loại bỏ các cành nhánh, đào bỏ các gốc tre già để cho chất lượng măng tốt hơn. Khi bắt đầu chuyển sang mùa khô, ông tiến hành xới gốc, bón phân và tưới nước, nên vườn tre nhà ông liên tục có măng.
Tưởng chừng việc cho măng ra trái vụ rất đơn giản, nhưng ông Nhạn lưu ý nếu không chú ý sẽ thất thu, vì để bụi tre ra măng phải đáp ứng đủ 3 điều kiện là nước tưới, phân bón và kỹ thuật chừa cây mẹ. Vì vậy, trong quá trình trồng, ông Nhạn phải thường xuyên tìm đến các vườn tre ở các địa phương lân cận và các tỉnh miền Tây để quan sát, học hỏi kinh nghiệm.
Ông Liêu Văn Cảnh (ấp Nguyễn Thái Học, xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất) cho hay, hiện măng thu mua tại vườn có giá từ 5-5,5 ngàn đồng/kg và bán ra từ 15-25 ngàn đồng/kg tùy nơi. So với việc phải vào rừng kiếm măng, nếu người nông dân biết trồng xen cây tre với các loại cây khác cũng có nguồn thu nhập đều đặn từ việc bán măng.
Bà Dương Thị Cúc, vợ ông Nhạn, cho biết thêm: “Mùa thu hoạch măng kéo dài từ tháng 5 đến hết tháng 10 âm lịch. Đến mùa thu hoạch, thương lái tự đến chào giá, cắt măng cân trực tiếp hoặc bán trắng theo vườn. Tính ra, mỗi hécta tre lấy măng có thể cho thu nhập trên dưới 250 triệu đồng, trừ chi phí cho cắt tỉa, phân bón khoảng 50 triệu đồng, số còn lại người nông dân được bỏ túi. So với trồng cây ăn trái cùng diện tích thì trồng tre lấy măng khá hơn nhiều, nên nhiều hộ dân ở đây đã thử trồng nghịch mùa giống gia đình tôi”.
(Tin: TÂY ĐÔ)