Những dịch bệnh hại cần chú ý trong tuần
Châu chấu tre tiếp tục phát sinh gây hại nhẹ tại Sơn La, Bắc Kạn, Điện Biên và tiếp tục di chuyển sang các khu vực khác. Cần theo dõi và phòng, chống kịp thời không để lan sang lúa và rau màu
(Ảnh minh hoạ)
1. Trên lúa
a) Các tỉnh phía Bắc
- Sâu cuốn lá nhỏ: Trưởng thành sẽ vũ hóa khoảng trung tuần tháng 8; sâu non sẽ nở rộ và gây hại khoảng cuối tháng 8 và có khả năng gây hại nặng trên các trà lúa, đặc biệt trên những ruộng gieo cấy sớm, ruộng xanh tốt.
- Rầy nâu, rầy lưng trắng: Tiếp tục tích lũy số lượng và gia tăng cả về phạm vi, mức độ gây hại. Đối với các tỉnh Bắc Trung bộ khả năng rầy gây hại nặng, trên diện rộng là rất lớn và có thể gây ra “cháy rầy” vào giai đoạn lúa ôm đòng - trỗ trở đi nếu không phát hiện và phòng trừ kịp thời.
- Sâu đục thân 2 chấm: Trưởng thành lứa 4 tiếp tục ra rộ, sâu non nở rộ khoảng trung tuần tháng 8 và gây hại trên trà lúa mùa sớm và chính vụ.
- Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn: Tiếp tục gây hại tăng do ảnh hưởng của mưa, bão, hại nặng những ruộng bón thừa đạm, giống lúa lai có bản lá to, chân đất lầy thụt.
- Các loại sâu bệnh khác gây hại nhẹ, diện hẹp.
b) Các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên
- Rầy nâu, rầy lưng trắng tiếp tục nở và gây hại nếu không phòng trừ kịp thời.
- Sâu cuốn lá nhỏ tiếp tục nở và gây hại nặng cục bộ trên lúa đẻ nhánh - đòng trỗ
- Sâu non đục thân 2 chấm hại cục bộ gây bông bạc trên lúa đòng trỗ và dảnh héo trên lúa đẻ nhánh - làm đòng.
- Chuột: Tiếp tục hại trên các trà lúa giai đoạn đẻ nhánh - làm đòng, hại nặng cục bộ các diện tích lúa ven làng và gò đồi.
c) Các tỉnh phía Nam
- Rầy nâu trên đồng ruộng phổ biến tuổi 4 - 5, gây hại nhẹ - trung bình trên lúa giai đoạn đẻ nhánh, lúa giai đoạn làm đòng trỗ có thể nhiễm nặng cục bộ. Hướng dẫn nông dân duy trì mực nước trên ruộng thích hợp để hạn chế rầy chích hút thân cây lúa đối với lúa TĐ dưới 25 ngày sau sạ.
- Do mưa thường vào buổi chiều, tối tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát sinh phát triển. Dự báo trong thời gian tới bệnh gây hại ở mức nhẹ - trung bình trên lúa giai đoạn đẻ nhánh - đòng trỗ, những ruộng gieo trồng giống nhiễm, sạ dày, bón thừa phân đạm có thể bị hại nặng, Hướng dẫn nông dân thăm đồng thường xuyên để phát hiện bệnh sớm, phun kỹ bằng các loại thuốc đặc trị bệnh đạo ôn.
Ngoài ra, cũng cần lưu ý ốc bươu vàng trên lúa mới gieo sạ; bệnh bạc lá, chuột, bệnh lem lép hạt giai đoạn đòng trỗ - chín. Các đối tượng khác xuất hiện và gây hại thấp.
2. Trên cây trồng khác
- Châu chấu tre tiếp tục phát sinh gây hại nhẹ tại Sơn La, Bắc Kạn, Điện Biên và tiếp tục di chuyển sang các khu vực khác. Cần theo dõi và phòng, chống kịp thời không để lan sang lúa và rau màu;
- Sâu đục thân, sâu cắn lá hại ngô; sâu đục thân đậu tương; sâu xanh, sâu tơ, bọ nhảy... gây hại rau có chiều hướng gia tăng, cần theo dõi và phòng trừ kịp thời.
- Cây hồ tiêu: Tuyến trùng rễ và bệnh chết nhanh, chết chậm tăng nhẹ.
- Cây thanh long: Bệnh đốm nâu hại tăng.
- Cây sắn: Rệp sáp bột hồng tiếp tục phát sinh và gây hại tại Nghệ An, Phú Yên, Quảng Trị.
- Châu chấu tre tại Sơn La, Điện Biên, Bắc Kạn giảm mật độ và mức độ hại.
tin Tây Đô