Thủy sản là chỗ dựa cho ngành nông nghiệp tăng trưởng cuối năm
Theo
các chuyên gia, để lấy lại đà tăng trưởng, ngành nông nghiệp cần lựa
chọn ngành hàng có lợi thế xuất khẩu và khai thác thị trường mới.
Đóng
góp gần 20% GDP cả nước mỗi năm, nhưng trong 6 tháng đầu năm nay, lần
đầu tiên lĩnh vực nông, lâm, thủy sản của nước ta đạt mức tăng trưởng âm
0,18%. Tổng giá trị sản xuất toàn ngành ước đạt khoảng 398 nghìn tỷ
đồng, giảm 0,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Vì sao có nhiều mặt hàng xuất
khẩu chủ lực, nhưng lĩnh vực nông lâm thủy sản và ngành nông nghiệp lại
gặp cảnh sụt giảm sản xuất và giá trị?
Theo
các chuyên gia ngành nông nghiệp, hạn mặn do Elnino và thị trường tiêu
thụ khó khăn là 2 nguyên nhân chính dẫn tới sự tăng trưởng âm của lĩnh
vực nông, lâm thủy sản trong 6 tháng đầu năm nay. Bên cạnh đó do sản
xuất trồng trọt bị thiệt hại nặng nề vì thiên tai, dẫn đến tăng trưởng
giảm, không chỉ 1 hoặc 2 vụ mà 3 năm liên tiếp ở khu vực miền Trung và
nhiều vùng không sản xuất được. Cùng với việc xác định không đúng lĩnh
vực đầu tư đã khiến nông nghiệp bị sụt giảm về giá trị và sản lượng…
Ông
Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển
nông nghiệp nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân
tích: "Chúng ta vẫn quan tâm quá nhiều đến câu chuyện an ninh lương
thực, trong khi gạo đã dư thừa và giá trị cũng thấp nhưng lại tập trung
đầu tư lớn vào thủy lợi trong khi thủy lợi lại tập trung phần lớn cho
lúa. Trong điều kiện hạn hán không có nước, lúa giá trị thấp sẽ rất khó
để duy trì tăng trưởng".
Theo
các chuyên gia, để lấy lại đà tăng trưởng trong những tháng cuối năm
2016, ngành nông nghiệp cần lựa chọn ngành hàng có lợi thế xuất khẩu và
khai thác thị trường mới. Lĩnh vực được coi là còn dư địa phát triển sản
xuất lớn nhất hiện nay của ngành nông nghiệp chính là thủy sản. Hiện
nay, vựa tôm 560.000 ha ở Đồng bằng sông Cửu Long đang bước vào sản xuất
sẽ bù đắp những sụt giảm trong lĩnh vực trồng trọt vừa qua.
Tuy
nhiên, khu vực này hiện đang khan hiếm con giống, nếu không kiểm soát
tốt, thủy sản sẽ không những không hỗ trợ được ngành tăng trưởng mà còn
làm mất thị trường xuất khẩu.
Theo
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám, thế mạnh
đầu tiên của thủy sản là đối tượng tôm nuôi nước lợ. Có thể không tăng
sản lượng nhưng phải tăng chất lượng và giá trị, đồng thời sử dụng mọi
biện pháp giảm giá thành góp phần lấy lại đà tăng trưởng của toàn ngành.
"Có
lợi thế là tôm sú chúng ta phát triển thì thị trường còn rất rộng, riêng
tôm thẻ chân trắng do phải cạnh tranh với nhiều nước vì vậy chúng ta
phải nâng cao chất lượng và giảm giá thành. Đặc biệt là không để vướng
vào dư lượng kháng sinh cũng như hóa chất cấm liên quan đến các rào cản ở
thị trường xuất khẩu. Đồng thời, tăng cường xúc tiến thương mại và mở
rộng những thị trường truyền thống cũng như thị trường mới để thúc đẩy
xuất khẩu," Thứ trưởng Vũ Văn Tám lưu ý.
Cùng
với thủy sản, rau quả là nhóm hàng được nhiều chuyên gia đánh giá đang
trên đà mở rộng xuất khẩu và là nhóm sản phẩm luôn có sự tăng trưởng cao
nhất trong các mặt hàng nông sản từ đầu năm tới nay, tăng khoảng 37,5%.
Đặc biệt, “dư địa” cho tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của nhóm mặt
hàng này được đánh giá là khá lớn.
Để lấy
lại đà tăng trưởng, ngành nông nghiệp cần mở rộng diện tích, thâm canh,
rải vụ, tăng năng suất, chất lượng và an toàn thực phẩm đối với các cây
ăn quả có thị trường tiêu thụ tốt. Trong đó, tập trung vào các loại cây
ăn quả chủ lực như: thanh long, xoài, sầu riêng, nhãn, chôm chôm, vải,
chuối. Cùng với đó phải tiếp tục duy trì thị phần ở những thị trường khó
tính.
Ông Hồ
Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp Việt Nam cho rằng cần phải xem
xét lại cơ cấu cây trồng để thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo ông
Hùng, lợi thế của nông nghiệp để tăng trưởng hiện nay là lĩnh vực chăn
nuôi, thủy sản, tiếp đến là cây trồng đặc sản: rau và trái cây, bên cạnh
đó là tập trung phát triển kinh tế rừng.
Để duy
trì tốc độ tăng trưởng, cùng với các giải pháp khắc phục hậu quả thiên
tai, khôi phục sản xuất trong ngắn hạn, từ nay tới cuối năm, ngành nông
nghiệp cần có các giải pháp lâu dài, đặc biệt phải thực hiện hiệu quả
các cơ chế chính sách có tính chất động lực cho phát triển như: cải cách
thủ tục hành chính, thu hút đầu tư của doanh nghiệp, xúc tiến mở rộng
thị trường và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Nguồn: TÂY ĐÔ)