Trồng Atiso chuyên lá - hướng đi mới cho nông dân Đơn Dương
Nhắc
đến Atiso người ta thường nghĩ rằng loại cây này chỉ phù hợp với khí hậu
Đà Lạt và Lạc Dương. Tuy nhiên, gần đây, nằm trong chương trình đa dạng
hóa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) đã đưa vào
trồng thử nghiệm cây Atiso tại địa phương và bước đầu đã đem lại kết
quả khả quan, được nông dân trong vùng phát triển ra diện rộng. Và quan
trọng hơn nữa là toàn bộ diện tích Atiso của Đơn Dương được bao tiêu sản
phẩm thông qua hợp đồng tiêu thụ.
Bà con nông dân thu hoạch atiso chuyên lá |
Gia
đình ông Huỳnh Văn Trung (xã Ka Đô, huyện Đơn Dương) đã chuyển đổi từ
việc canh tác cây rau, cà chua sang cây Atiso được gần 1 năm nay. Ban
đầu, ông có nhiều lo lắng nhưng được sự hỗ trợ về nguồn giống chất lượng
và kỹ thuật canh tác từ chính đơn vị bao tiêu sản phẩm cùng với sự nỗ
lực học hỏi của bản thân, đến nay, ông đã sở hữu một vườn Atiso tươi
tốt. Ông Trung cho biết: “Sau khi tiến hành trồng giống Atiso lấy lá,
tôi đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Công ty Đà Lạt Atiso Lâm Viên.
Tôi nhận thấy, Atiso mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn mà quy trình
chăm sóc, thu hoạch lại đơn giản hơn các loại cây tôi đã trồng trước
kia. Đặc biệt, sau khi thu hoạch, công ty đã thu mua hoàn toàn sản phẩm
giúp đầu ra ổn định hơn. Tôi hy vọng các cơ quan chuyên môn cùng công ty
sẽ tiếp tục tạo những mối liên kết với nhà nông, hỗ trợ người nông dân
về giống, kỹ thuật để bà con yên tâm tiếp tục canh tác”.
Giống
Atiso được trồng ở huyện Đơn Dương là loại chuyên cho thu hoạch lá với
lượng Cynacin cao, một loại hoạt chất quan trọng để sản xuất các loại
cao Atiso. Các nông hộ ở đây cho biết, chi phí đầu tư ban đầu trồng 1
sào Atiso khoảng 16 triệu đồng, trong một vụ thu hoạch khoảng 8 tháng sẽ
cho nguồn thu khoảng 36 triệu đồng. Việc mạnh dạn thử nghiệm loại cây
trồng mới trên vùng chuyên canh rau tại Đơn Dương đã giúp đa dạng hóa
cây trồng, giảm thiểu rủi ro trong điều kiện nông dân chỉ tập trung vào
sản xuất rau, củ.
Theo
anh Lê Bảo Chân - Chuyên viên Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Đơn Dương:
“Sau 1ha ban đầu, đến nay, huyện đã phát triển trên 7ha. Nhận thấy sự
phát triển của cây Atiso phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương
nên Phòng đã khuyến khích bà con nông dân đầu tư và phát triển mạnh hơn
giống cây Atiso chuyên lá. Trong thời gian tới, địa phương cùng doanh
nghiệp và bà con nông dân sẽ cố gắng tạo một chuỗi liên kết bền vững với
hy vọng cây Atiso chuyên lá sẽ phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế
cho bà con nông dân trên vùng đất Đơn Dương”.
Sau
thời gian thử nghiệm thành công, đến nay, Đơn Dương có 34 hộ trồng Atiso
với diện tích gần 8ha, đạt sản lượng khoảng 100 tấn/1 tháng. Toàn bộ
các nông hộ này đều được ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với một đơn
vị chế biến sản phẩm Atiso trên địa bàn. Vì vậy, nông dân yên tâm về đầu
ra cho sản phẩm mà doanh nghiệp cũng có vùng nguyên liệu ổn định, đảm
bảo chất lượng.
Ngoài
hỗ trợ về phân, thuốc và các quy trình kỹ thuật về canh tác cây Atiso,
hàng tháng Công ty TNHH Đà Lạt Atiso Lâm Viên - huyện Đơn Dương còn cử
cán bộ kỹ thuật hỗ trợ, đánh giá tình hình cây trồng và đưa ra các giải
pháp canh tác cho bà con nông dân, giúp đảm bảo chất lượng sản phẩm cùng
quy trình thu mua. Không những thế, anh Trịnh Đức Hải - Trưởng bộ phận
thu mua và phát triển vùng nguyên liệu Công ty TNHH Đà Lạt Atiso Lâm
Viên còn cho biết: “Công ty còn hỗ trợ về mặt tài chính, đưa ra các hình
thức thanh toán nhằm đảm bảo nguồn thu cho bà con tái đầu tư cây trồng
và đảm bảo cho nguồn nguyên liệu của công ty”.
(Tin Tây Đô - Nguồn dantocmiennui.vn)