Cần xem lại cây sắn
Bởi trước mắt tuy giá thấp nhưng đầu ra của sắn xem ra ổn định, nào là xuất khẩu bột sắn, sắn lát, chế cồn ethanol. Trung Quốc nhập của ta rất nhiều sắn khô và bột sắn, chắc cũng là để chế cồn ethanol hỗ trợ cho chương trình năng lượng sạch của họ.
Nông dân mừng vì thấy sắn có đầu ra, chính quyền các địa phương, nhất là Tây Nguyên và một số tỉnh Nam Trung bộ thì lo vì quy hoạch trồng cây công nghiệp bị vỡ, còn dễ gây ra nạn chặt phá rừng nữa! Xem ra thì cái chuyện gia nhập câu lạc bộ tỷ đô la của sắn chẳng đáng tung hô gì!
Thực ra sắn không phải là cây được hoan nghênh lắm. Trong hội thảo về sắn đầu năm 2015, được biết chưa có chính quyền tỉnh nào mặn mà với sắn, lập quy hoạch phát triển sắn, đầu tư nghiên cứu hướng dẫn nông dân thâm canh, dù biết rõ từ năm 1912 tới nay, năm nào kim ngạch xuất khẩu sắn Việt nam cũng vượt mức 1 tỷ đô la. Tại sao vậy, chắc phải có lý do của nó.
Ta biết cây sắn là cây nghèo, nghèo xét trên nhiều phương diện. Sắn làm nghèo vì làm đất cằn thêm, sau thu hoạch chẳng để lại gì cho đất. Củ sắn nghèo còn là vì nghèo chất đạm và vitamin. Còn nữa sắn là của người nghèo vì không đủ sức lao động, không đủ năng lực để chăm bón, thâm canh. Theo thống kê thì năm 2012 năng suất sắn bình quân cả nước chỉ đạt 17,1 tấn /ha; có thể có một số nơi nông dân chuyển sang trồng sắn thâm canh, nhưng không nhiều, bởi thông thường nếu có năng lực về vốn để thâm canh thì người ta đã chọn đối tượng cây trồng khác hiệu quả cao hơn.
Sắn được trồng ở nơi khô cằn, tưởng như là tiêu tốn ít nước, thế nhưng ở khâu chế biến sắn thì lại ngốn nước nhiều vô kể, nhất là với các nhà máy có trình độ trang bị cơ khí thấp.
Chuyện rất phổ biến hiện nay là các nhà máy chế biến sắn thường không tuân thủ quy định nghiêm ngặt quy định về môi trường mà để xảy ra ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng, gây bức xúc cho xã hội, thậm chí làm chết các dòng sông suối. Hơn nữa do khối lượng thu hoạch lớn và cồng kềnh, lại đòi hỏi phải vận chuyển nhanh chóng để chế biến ngay, nên lượng xăng dầu tiêu tốn thật không nhỏ.
Chuyện
rất phổ biến hiện nay là các nhà máy chế biến sắn thường không tuân thủ
quy định nghiêm ngặt quy định về môi trường mà để xảy ra ô nhiễm nguồn
nước nghiêm trọng (ảnh: VTV)
Nước ta
là nước bị ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu. Nước biển dâng, đất
trồng bị sụt giảm sẽ ảnh hưởng đến an ninh lương thực vì vậy sử dụng
hiệu quả nhất, thông minh nhất quỹ đất trồng eo hẹp sẽ có ý nghĩa sống
còn. Việc đẩy mạnh trồng sắn để xuất khẩu hay chế ethanol xem ra là
thiển cận, là kìm hãm nông dân trong sản xuất một loại cây trồng giá trị
thấp.Về lâu dài đất trồng sẽ bị thu hẹp, nhiễm mặn, sản lượng lúa của hai vùng đồng bằng sẽ giảm. Các vùng cao còn lại phải trồng các cây có năng suất cao, giá trị cao mới mong bù lại để không rơi vào nguy cơ mất an toàn lương thực. Đây thực sự thách thức không nhỏ trong tương lai không xa.
Rõ ràng là về lâu dài, sắn không phải là nguyên liệu bền vững cho chế biến ethanol để thay một phần xăng dầu, bởi việc mở rộng diện tích trồng sắn khó thực hiện và cũng không nên khuyến khích. Petro Việt Nam mấy năm qua thực hiện kế hoạch sản xuất năng lượng sạch – cồn ethanol đã giúp nông dân nghèo giải quyết phần lớn đầu ra của sắn.
Giá như có thể giải quyết nốt số sắn dư thừa khỏi phải xuất đi Trung Quốc thì càng tốt. Nhưng với kế hoạch hàng năm gia tăng việc sản xuất ethanol từ sắn vô tình cũng phát đi một tín hiệu gây nhầm lẫn, đó là khuyến khích việc mở rộng trồng sắn. Điều này về lâu dài là không phù hợp với chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững cũng như an ninh lương thực. Chống biến đổi khí hậu làm quả đất nóng dần lên, nước biển dâng gây ngập úng mất đất trồng đòi hỏi một chương trình tổng thể.
An ninh lương thực là mục tiêu sống còn nhất là đối với các nước bị biến đổi khí hậu đe dọa nặng nề như nước ta. Phương hướng phát triển nông nghiệp phải là thâm canh các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, có giá trị cao, chứ không phải là sắn với rất nhiều nhược điểm như đã nói ở trên.
Hiện nay nhiều vùng với kế hoạch phát triển cây công nghiệp thích hợp có thể thu được giá trị hàng trăm triệu đồng cho mỗi ha, chứ không như sắn chỉ được vài chục triệu đồng.
Việc sử dụng xăng sinh học là đáng khuyến khích vì nó góp phần làm trong sạch môi trường. Tìm kiếm năng lượng sạch từ nhiên liệu sinh học là cần thiết, nhưng không nên chỉ thấy ở khâu sử dụng mà còn phải xét trong toàn bộ quá trình taọ nên sinh khối và chế biến nó nữa.
Lương thực chủ yếu dùng cho người, cho chăn nuôi, nếu định dùng cả cho nhiên liệu thì phải tính toán. Các nước như Mexico có ưu thế nguyên liệu là rỉ mật, nước Mỹ có ưu thế ở ngô chuyển gen cho năng suất cao, họ có lý do để phát triển mạnh năng lượng sạch như ethanol. Nước ta đất hẹp, người đông lại nằm trong số 5 nước bị uy hiếp lớn do biến đổi khí hậu, nên an ninh lương thực luôn phải được đề cao.
Sẽ là không vững chắc nếu muốn dựa vào sắn, coi nó như một cây chủ lực tạo nguyên liệu cho chế cồn ethanol. Có lẽ nên tìm đến các sản phẩm phụ như rỉ mặt thì đúng hơn.Thêm nữa lợi ích môi trường cũng đòi hỏi phải đặt lên bàn cân, nếu không sẽ phải đánh đổi bằng phá rừng do mở rộng diện tích.
Nước ta đang đứng ở ngưỡng cửa của Hiệp định TPP. Một thị trường rộng mở với yêu cầu chất lượng và hiệu quả cao đang chờ đợi. Nông nghiệp sẽ được công nghiệp hóa, chỗ đứng của cây sắn rõ ràng là phải ngày càng thu hẹp.
(Tin Tây Đô - Theo GS. Lê Viết Ly - Nguồn: Nông nghiệp Việt Nam)