Nhiều nông dân ở Đắk R’moan chuyển đổi cây trồng, nâng cao thu nhập
Chủ
động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mạnh dạn đưa một số giống mới có năng
suất, chất lượng cao vào sản xuất, đó là cách mà nhiều nông dân xã Đắk
R’moan (Gia Nghĩa - Đắk Nông) đang thực hiện có hiệu quả.
Nhiều
năm gắn bó với cây cà phê, nhưng do đất ít, chỉ có 4 sào, trong khi cà
phê lại già cỗi, đầu tư nhiều, lợi nhuận mang lại thấp, nên gia đình chị
Nguyễn Thị Liên ở thôn Tân Lợi đã tính đến chuyện chuyển đổi cây trồng
để mong có thu nhập ổn định hơn. Vì vậy, năm 2014, sau khi tham khảo
cách làm kinh tế của người thân ở Lâm Đồng, chị đã mạnh dạn chuyển đổi 1
sào cà phê sang trồng cây dương xỉ Pháp.Mô hình trồng dương xỉ Pháp của gia đình chị Liên đem lại thu nhập cao, ổn định |
Chị Liên cho biết: Việc trồng cây dương xỉ Pháp, ban đầu đầu tư nhà lưới và giống hết khoảng 120 triệu đồng. Khâu chăm sóc không quá cầu kỳ, tuổi thọ của cây là khoảng 10 năm. Năm đầu tiên thì không đáng kể, nhưng càng về sau, chăm sóc tốt, lợi nhuận ổn định hơn. Hiện nay, gia đình đã đầu tư hệ thống tưới tự động để thuận tiện trong việc chăm sóc. Hơn nữa, thị xã cũng hỗ trợ gia đình một phần kinh phí để làm nhà lồng thay nhà lưới tạm bợ, nên hứa hẹn thu nhập sẽ cao hơn.
Cơ sở trồng nấm sò, nấm mèo, nấm linh chi của gia đình anh Hồ Hoàng Minh ở thôn Tân Lợi bước đầu cũng cho thấy sự đúng đắn trong lựa chọn hướng đi mới về phát triển kinh tế. Sau một thời gian tìm hiểu thấy trồng nấm mang lại hiệu quả kinh tế, anh Minh đã đầu tư 200 triệu đồng để thực hiện mô hình với diện tích 200m2.
Đến nay, cơ sở đã sản xuất được 2.000 bịch nấm sò, nấm mèo và nấm linh chi, bước đầu cho thu hoạch, mang lại lợi nhuận khá. Theo giá thị trường hiện nay thì nấm linh chi có giá 500.000 đồng/kg, nấm mèo 100.000 đồng/kg, nên mỗi tháng anh có thể thu về 10 triệu đồng.
Anh Minh cho biết: Trồng nấm đòi hỏi phải chịu khó từ khâu chọn nguyên liệu đến khâu xử lý, tưới nước và chăm sóc. Hiện nay, gia đình vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm, khi đầu ra ổn định thì mới có thể mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất”.
Có thể nói, với sự nhạy bén, sáng tạo, nhiều nông dân xã Đắk R’moan đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng cũng là một trong những giải pháp trọng tâm trong phát triển kinh tế mà Đảng bộ xã đã đề ra trong nhiệm kỳ qua.
Vì vậy, thời gian qua, xã đã triển khai thực hiện nhiều hoạt động nhằm giúp người dân trong phát triển kinh tế như tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm; chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ vào sản xuất; xây dựng các mô hình trình diễn. Từ năm 2010 đến nay, xã đã tổ chức được 50 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, 20 mô hình trình diễn và phối hợp giải ngân kịp thời các nguồn vốn vay cho nhân dân.
Ông Nguyễn Văn Soái, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đắk R’moan cho biết: “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao để nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích là hướng đi đúng đắn đối với nông dân hiện nay. Tuy nhiên, xã cũng tuyên truyền, vận động bà con không nên phát triển ồ ạt, tự phát mà phải tìm hiểu thị trường, liên kết trong sản xuất, nhằm bảo đảm đầu ra ổn định để sản xuất bền vững và nâng cao thu nhập”.
Chính bằng việc chuyển đổi cây trồng đúng đắn, cộng với thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp thích hợp khác, công tác giảm nghèo ở Đắk R’moan đã có những chuyển biến tích cực. Nếu như năm 2014, xã còn 116 hộ nghèo thì năm 2015 còn khoảng 50 hộ; hộ cận nghèo từ 55 hộ xuống còn 39 hộ
(Tin Tây Đô - Nguồn Báo Daknong)