Cây chuối sắp tuyệt chủng?
Chuối - loại trái cây phổ biến, ngon ngọt và bổ dưỡng, đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng, do một chủng nấm cực kỳ có hại đang đe dọa các vườn trồng chuối của thế giới.
Loại nấm gây hại nói trên có tên gọi là Fusarium oxysporum f.sp. cubense hay còn được biết đến với tên gọi "bệnh Panama". Nó mới đây đã hủy hoại các vụ thu hoạch chuối ở Đài Loan, Indonesia và Malaysia.
Các chuyên gia hiện cảnh báo, chỉ còn là "vấn đề thời gian" trước khi bệnh tới Mỹ Latinh, nơi xuất khẩu phần lớn chuối cho các thị trường tiêu dùng trên thế giới.
Các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Wageningen (Hà Lan) đã lập sơ đồ về sự lây lan của căn bệnh kể từ nơi khởi phát nó ở Đông Á. Họ khám phá ra rằng, một dòng vô tính của bệnh Panama có tên gọi Tropical Race 4 (TR4) là hiểm họa đặc trưng đối với giống chuối Cavendish - loại đang chiếm tới hơn 47% tổng sản lượng chuối tạo ra và xuất khẩu toàn cầu.
TR4 được phát hiện ở Indonesia trước khi nó lan truyền tới Đài Loan, Trung Quốc và Đông Nam Á. Bệnh khiến cây chuối héo rũ bằng cách tấn công hệ mao mạch cây cũng như làm giảm lượng nước cây thu nhận từ đất.
Nhóm nghiên cứu ghi nhận việc suy giảm đáng kể sản lượng chuối xuất khẩu ở những khu vực bị bệnh tấn công.
Hiện chúng ta vẫn chưa có cách gì loại trừ được loại nấm độc hại này và bệnh đã lan tới Pakistan, Lebanon, Jordan, Oman, Mozambique, và Queensland.
Năm 1876, một căn bệnh gây khô héo cây chuối được phát hiện lần đầu tiên ở Australia. Năm 1890, người ta cũng quan sát thấy bệnh tàn phá các đồn điền chuối "Gros Michel" của Costa Rica và Panama. Bệnh sau đó phát triển thành các dịch lớn vào những năm 1900 và được các nhà nghiên cứu mô tả là "nằm trong số các thảm họa nghiêm trọng nhất trong lịch sự nông nghiệp".
Mãi tới năm 1910, nấm sinh ra trong đất Fusarium oxysporum f.sp. cubense (Foc) mới được nhận diện là nguyên nhân tàn phá các vụ thu hoạch chuối ở Cuba.
"TR4 có thể đã tác động tới gần 100.000 hécta và nhiều khả năng sẽ gây hại sâu rộng hơn nữa, hoặc thông qua các cây trồng nhiễm bệnh, đất nhiễm bẩn, các công cụ hoặc giày, dép hay do tình trạng lũ lụt và các biện pháp vệ sinh không thích hợp", nhóm nghiên cứu nhận định.
(Tin Tây Đô - Nguồn Vietnamnet.vn)