Nhiều cơ sở nông thủy sản không đạt chuẩn ATVSTP
Một ghe thuyền đưa phân bón lên bờ tiêu thụ ở quận 7, TPHCM. Đây là mặt hàng dễ bị sản xuất không đúng theo hàm lượng ghi trên bao bì. Ảnh: TLSGT
Nếu như năm ngoái có 25 trong số 100 cơ sở sản xuất kinh doanh thủy sản, nông lâm sản, thuốc thú y... không đạt tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm (loại C) thì năm nay con số này đã tăng lên 35 cơ sở.
Đây là kết quả được đưa ra trong Báo cáo thanh kiểm tra các cơ sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2014 của Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ( NN –PTNT) vào ngày 14-7.Thực tế, để kiểm soát và tạo hành lang pháp lý cho cơ quan quản lý trong việc kiểm tra, xử phạt các cơ sở sản xuất kinh doanh không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ NN – PTNT đã có thông tư Thông tư 14/2011 về Quy định việc kiểm tra, đánh giá cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản.
Tuy nhiên, sau khi có thông tư này tình hình vẫn không được cải thiện. Vì thế, để giải quyết tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng của một số vật tư nông nghiệp gây thiệt hại cho người dân và bức xúc trong xã hội, tháng 1-2014 Bộ trưởng Bộ NN – PTNT có Chỉ thị số 167/CT-BNN-TTr về việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản. Chỉ thị yêu cầu các địa phương xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai việc thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm đối với vật tư nông nghiệp (giống cây trồng, giống vật nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, chất kích thích sinh trưởng, thức ăn chăn nuôi, phân bón).
Bộ NN-PTNT cũng đã tổ chức 4.421 cuộc hội thảo, hội nghị cho 188.777 lượt người tham dự; in, phát 194.800 tờ rơi, tờ dán, băng rôn tuyên truyền an toàn thực phẩm, tài liệu kỹ thuật, phối hợp với đài phát thanh truyền hình các tỉnh/thành phố, các báo địa phương và truyền thông lưu động phát 2.362 bản tin/phóng sự.
Tuy nhiên, nếu căn cứ trên báo cáo 6 tháng đầu năm 2014 của Nafiqad thì số lượng cơ sở sản xuất kinh doanh không đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm năm sau lại tăng hơn năng trước.
Giải thích về điều này, ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN – PTNT Hậu Giang cho rằng, chính việc cấp phép cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón, vật tư nông nghiệp dễ dãi và tràn lan là nguyên nhân dẫn đến tình trạng sản phẩm kém chất lượng như hiện nay.
Ông Đông dẫn chứng, hiện trên thị trường có trên 3.500 tên thuốc bảo vệ thực vật nên cơ quan nhà nước khó mà quản lý được. Ông Đông cho rằng, để quản lý được các cơ sở này thì chỉ có cách là xem xét lại khâu cấp phép kinh doanh vật tư nông nghiệp hiện nay.
Theo điều 8 của Thông tư 14/2011/TT-BNNPTNT, cơ sở xếp loại C tức là các cơ sở chưa đáp ứng các yêu cầu về điều kiện đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, còn nhiều lỗi nặng và lỗi nghiêm trọng, nếu không khắc phục, sửa chữa trong thời gian do cơ quan kiểm tra quy định mà vẫn tiếp tục sản xuất sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng, gây mất an toàn thực phẩm. |
(Theo: Thesaigontimes.vn)