Giá lúa gạo tăng, ai hưởng lợi?
Những ngày qua, giá lúa gạo ở ĐBSCL đã bất ngờ tăng vọt. Đây là một tín hiệu vui, mặc dù nông dân đang vất vả thu hoạch vụ lúa hè - thu trong mưa dầm kéo dài. Tuy nhiên, phía sau chuyện lúa gạo tăng giá bất ngờ hiện nay đang đặt ra nhiều vấn đề.
Mỗi nơi mỗi giá
“Giá
lúa tươi tại ruộng được thương lái mua với giá 4.500 đồng/kg, tăng
khoảng 200 đồng/kg so với cách đây 2 tuần. Nhiều nông dân phải chịu cảnh
thu hoạch lúa trong mưa dầm dữ dội cũng được an ủi phần nào”, lão nông
Phạm Văn Nữa (xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự tỉnh Đồng Tháp) cho biết
vào chiều 14-7. Tuy nhiên, nhiều nơi ở vùng sâu, vùng xa, giá lúa vẫn
chưa tăng. “Tôi nghe có thông tin giá lúa, gạo tăng trong những ngày
qua. Tuy nhiên, tại Phụng Hiệp - Hậu Giang, giá lúa nông dân bán vẫn nằm
im. Thương lái mua lúa tươi tại ruộng 3.800 - 4.000 đồng/kg, lúa khô
4.800 - 5.000 đồng/kg. Không biết diễn biến thị trường nơi khác ra sao
nhưng ở đây thương lái vẫn ép giá, khiến nông dân chịu nhiều thiệt
thòi”, ông Nguyễn Thế Tự, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Phụng Hiệp, tỉnh
Hậu Giang cho biết. Nhìn chung, mặt bằng giá lúa ở ĐBSCL đã tăng 200 -
300 đồng/kg ở các khu vực gần đô thị và những vùng giao thông đi lại
thuận tiện.
Theo
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong tuần qua tại ĐBSCL, giá lúa
khô tại kho doanh nghiệp dao động 5.450 - 5.550 đồng/kg (tăng khoảng 200
- 250 đồng/kg), lúa dài khoảng 5.650 - 5.750 đồng/kg (tăng khoảng 110
đồng/kg). Như vậy, giá lúa ở phân khúc gạo thường (phẩm cấp thấp) tăng
trên 200 đồng/kg, trong khi gạo dài trắng chỉ tăng khoảng 100 đồng/kg so
với đầu tháng 6-2014. Tuy nhiên, ở mặt hàng gạo, giá gạo 5% tấm (gạo
thơm, chất lượng cao) lại tăng mạnh hơn gạo 25% tấm (phẩm cấp trung
bình) và lại đang hiếm hàng. “Giá gạo nguyên liệu đang nhích lên, kéo
theo giá thương lái mua lúa cũng tăng dần. Hiện nay, các doanh nghiệp
đang huy động nhiều nguồn lực để tìm mua gạo nguyên liệu. Trong đó, gạo
xô mua đến 7.000 đồng/kg, tăng gần 300 đồng/kg so với hồi đầu tháng
6-2014”, giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo ở ĐBSCL cho biết.
Nông dân ĐBSCL thu hoạch lúa hè - thu.
Gắn kết sản xuất, xuất khẩu
Theo
lý giải của một số doanh nghiệp có kinh nghiệm trong lĩnh vực xuất khẩu
gạo, lý do dẫn đến mặt hàng gạo nguyên liệu bị hút hàng hiện nay là do
lượng gạo mang tính chất “chân hàng” từ năm 2013 chuyển sang năm 2014
gần như không có. Trong bối cảnh đó, nhu cầu gạo nguyên liệu xuất khẩu
theo các hợp đồng xuất sang các thị trường Philippines, Malaysia, châu
Phi và xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc tăng.
Xuất
khẩu gạo thơm của Việt Nam có xu hướng tăng trong những năm gần đây.
“Hiện nay, giá lúa, gạo tăng là một tín hiệu vui cho nông dân. Đây là sự
chuyển biến tích cực từ các hợp đồng xuất khẩu đã được ký. Riêng tại
Sóc Trăng, trong vụ đông - xuân vừa qua đã có 57.000/83.000 ha trồng lúa
đặc sản, lúa thơm”, ông Quách Văn Nam, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sóc
Trăng cho biết. Theo các chuyên gia, thị trường xuất khẩu gạo năm 2014
sẽ đối diện nhiều khó khăn. Tuy nhiên, những tín hiệu gần đây có thể mở
ra sự khởi sắc cho xuất khẩu gạo Việt Nam. Đến thời điểm này, có nhiều
lý do tác động đến giá lúa, gạo tăng, như: Thái Lan xuất khẩu gạo không
đáng kể, gạo Pakistan bán giá quá cao, trong khi đó, Ấn Độ giảm sản
lượng khoảng 25-30% do hạn hán gây ra.
Giá
lúa đang tăng, tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là ai sẽ được lợi? Ở
ĐBSCL có diện tích canh tác lúa khoảng 1,6 - 1,8 triệu ha/vụ, tương
đương khoảng 3,8 - 4 triệu ha/năm, sản lượng lúa đạt khoảng 25 triệu
tấn. Trong đó, có khoảng 70% sản lượng lúa gạo dành cho xuất khẩu. Một
thực tế đáng buồn là có đến 90% sản lượng gạo phân phối, lưu thông ở
ĐBSCL phải qua tay thương lái! Những nông dân đã trót bán lúa cách đây 1
- 2 tuần, giờ đang tiếc bởi đã bán giá thấp.
Theo
ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông
nghiệp, nông thôn, nguyên nhân chính dẫn đến việc nông dân chưa được
hưởng lợi từ giá là do doanh nghiệp xuất khẩu gạo thiếu gắn kết với nông
dân và vùng nguyên liệu; cạnh tranh không bình đẳng giữa các doanh
nghiệp. Việc hỗ trợ thu mua tạm trữ lúa, gạo chỉ có tác động gián tiếp
đến người nông dân, quyết định hỗ trợ thường không kịp thời nên nông dân
gặp khó. Để khắc phục tình trạng này, các chuyên gia cho rằng, công
việc cấp bách hiện nay tăng cường liên kết trong sản xuất và phân phối,
minh bạch và công bằng trong các chuỗi giá trị; phát triển thương hiệu
quốc gia về lúa gạo nhằm đảm bảo đời sống nông dân trồng lúa.
Theo SGGP