Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá đã được Đảng và Nhà nước ta xác định là con đường tất yếu để Việt Nam nhanh thoát khỏi tình trạng lạc hậu, chậm phát triển, trở thành một quốc gia văn minh, hiện đại.
Nội
dung và yêu cầu cơ bản của chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nước ta theo
hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá là tăng nhanh tỷ trọng giá trị trong
GDP của các ngành công nghiệp, xây dựng và thương mại - dịch vụ, đồng
thời giảm dần tương đối tỷ trọng giá trị trong GDP của các ngành nông
nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp (gọi chung là nông nghiệp). Cùng với
quá trình chuyển dịch của cơ cấu kinh tế tất yếu sẽ dẫn đến những biến
đổi kinh tế và xã hội theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá của cơ
cấu các vùng kinh tế, các thành phần kinh tế, các lực lượng lao động xã
hội, cơ cấu kinh tế đối nội, cơ cấu kinh tế đối ngoại…
Trong
tiến trình đổi mới, cùng với đổi mới tư duy kinh tế, Đảng ta có nhiều
đổi mới trong nhận thức về vấn đề xã hội, thực hiện chính sách xã hội.
Nổi bật là quan điểm: phát triển kinh tế gắn liền với thực hiện tiến bộ
và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển;
thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, xem trình độ phát
triển kinh tế là điều kiện vật chất để thực hiện chính sách xã hội; thực
hiện tốt chính sách xã hội là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển
kinh tế.
Những kết quả tích cực
Ở
nước ta, nông thôn chiếm gần 80% dân số, nếu chỉ tập trung công nghiệp
hóa ở đô thị, thì khó có thể bảo đảm công bằng xã hội. Hơn nữa cần quan
niệm nông thôn như là một nguồn lực quan trọng, và chính nông thôn là
thị trường chủ yếu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa chứ không phải là
thị trường nước ngoài; là thị trường bền vững cho cả nền kinh tế, khi
đời sống của bộ phận dân cư nông thôn không ngừng được cải thiện và hơn
nữa không bị chênh lệch quá mức so với thành thị. Do vậy, cần chuyển
dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, cơ cấu kinh tế nông nghiệp để xóa dần
khoảng cách thành thị và nông thôn, miền xuôi và miền núi. Thực hiện
chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, sau
gần 30 năm đổi mới, chúng ta đã đạt được những kết quả nổi bật. Về cơ
cấu ngành kinh tế, cùng với tốc độ tăng cao liên tục và khá ổn định của
GDP, cơ cấu ngành kinh tế đã có sự thay đổi đáng kể theo hướng tích cực.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2013, khu vực nông, lâm nghiệp
và thủy sản chiếm tỷ trọng 18,4%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm
38,3% và khu vực dịch vụ chiếm 43,3% (năm 2012 các tỷ trọng tương ứng
là: 19,7%; 38,6% và 41,7%). Bước sang năm 2014, cơ cấu nền kinh tế 6
tháng đầu năm nay vẫn theo hướng tích cực. Khu vực nông, lâm nghiệp và
thủy sản chiếm tỷ trọng 17,69%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm
38,70%; khu vực dịch vụ chiếm 43,61% (cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm
2013 là: 18,18%; 38,70%; 43,12%).
Nhìn
chung, cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn đã có bước chuyển dịch
tích cực theo hướng đẩy mạnh sản xuất các loại nông sản hàng hóa có nhu
cầu thị trường và có giá trị kinh tế cao. Tiếp tục bảo đảm tốt an ninh
lương thực quốc gia, tuy diện tích trồng lúa giảm (khoảng hơn 300 nghìn
ha), để chuyển sang nuôi trồng thủy sản và các cây trồng khác có giá trị
cao hơn, nhưng sản lượng lương thực vẫn tăng. Theo Hiệp hội Lương thực
Việt Nam, sản lượng lúa gạo Việt Nam năm 2013 ước tính 27,65 triệu tấn,
tăng so với khoảng 27,15 triệu tấn năm trước. Những năm gần đây, Việt
Nam xuất khẩu khoảng 6-7 triệu tấn gạo mỗi năm. Sản xuất cây công
nghiệp, cây ăn quả có sự điều chỉnh mạnh theo nhu cầu thị trường để xuất
khẩu và thay thế hàng nhập khẩu, hình thành một số vùng sản xuất hàng
hóa tập trung gắn với công nghiệp bảo quản, chế biến. Chăn nuôi tăng
bình quân 10%/năm; tỷ trọng giá trị chăn nuôi trong nông nghiệp tăng
mạnh. Ðàn bò, nhất là bò sữa tăng nhanh. Theo Cục Chăn nuôi, số lượng bò
sữa đã tăng từ 41,24 nghìn con năm 2000 lên 128.58 nghìn con năm 2010
và đạt trên 200 nghìn con vào tháng 4/2014. Sản lượng sữa tăng từ 64,7
nghìn tấn năm 2001 lên 456,39 nghìn tấn năm 2013. Năng suất sữa ở bò lai
từ 3,25 tấn/chu kỳ năm 2001 lên 4,28 tấn/chu kỳ năm 2013. Năng suất sữa
bò trung bình cả nước là 5,186 tấn/chu kỳ năm 2013, cao hơn các nước
trong khu vực. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng trưởng
liên tục và đạt mức cao. 6 tháng đầu năm 2014, xuất khẩu nhóm hàng nông,
lâm sản ước đạt 9,1 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ 2013; hàng thủy
sản đạt 3,5 tỷ USD, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm 2013, chiếm tỷ trọng
5%, tăng so với mức 4,5% của cùng kỳ năm 2013.
Trình
độ khoa học, công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, thủy sản từng bước
được nâng cao theo hướng sử dụng giống mới, công nghệ sinh học, phương
thức canh tác tiên tiến để nâng cao năng suất chất lượng nông sản, thủy
sản. Có hơn 90% diện tích lúa, 80% diện tích ngô, 60% diện tích mía,
100% diện tích điều trồng mới... được sử dụng giống mới. Công nghệ sử
dụng mô hom được đưa nhanh vào sản xuất giống cây rừng, nên năng suất
chất lượng rừng được cải thiện. Ngành thủy sản đã sản xuất và đưa vào
sản xuất một số loài thủy sản có giá trị kinh tế cao. Nhiều khâu trong
sản xuất nông nghiệp được cơ giới hóa. Trong ngành thủy sản, công suất
tàu thuyền đánh bắt không ngừng được nâng cao, một số cơ sở nuôi trồng
thủy sản được trang bị các máy móc, thiết bị bảo đảm cho công nghệ nuôi
trồng tiên tiến.
Quan
hệ sản xuất được xây dựng ngày càng phù hợp. Kinh tế trang trại đã góp
phần đáng kể vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Doanh nghiệp tư
nhân tăng nhanh, bình quân một doanh nghiệp thu hút khoảng 20 lao động,
đang là nhân tố quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn. Nông thôn
có bước phát triển khá nhanh. Nhiều công trình thủy lợi đã hoàn thành
và đưa vào sử dụng, góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất, thâm canh,
tăng năng suất cây trồng đã bảo đảm tưới cho 90% diện tích lúa, hàng vạn
ha hoa màu, cây công nghiệp và cây ăn quả; hệ thống đê điều được củng
cố. Về cơ bản, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã làm thay đổi cơ cấu lao
động nước ta theo xu hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Số lao động
trong các ngành công nghiệp và dịch vụ ngày càng tăng lên, trong khi số
lao động ngành nông nghiệp ngày càng giảm đi. Trong nội bộ cơ cấu kinh
tế nông nghiệp, nông thôn cũng đã có sự chuyển dịch ngày càng tích cực
hơn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Trên cơ sở đó, đã tác động
tích cực đến chuyển dịch cơ cấu lao động xã hội nông thôn mà biểu hiện
rõ nhất là thúc đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu hộ nông thôn theo hướng
ngày càng tăng thêm các hộ làm công nghiệp, thương mại và dịch vụ; trong
khi số hộ làm nông nghiệp thuần tuý giảm dần.
Trong
cơ cấu các thành phần kinh tế kinh tế tư nhân được phát triển không hạn
chế về quy mô và địa bàn hoạt động trong những ngành nghề mà pháp luật
không cấm. Từ những định hướng đó, khung pháp lý ngày càng được đổi mới,
tạo thuận lợi cho việc chuyển dần từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập
trung, quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế thị trường, nhằm giải phóng
sức sản xuất, huy động và sử dụng các nguồn lực có hiệu quả, tạo đà cho
tăng trưởng và phát triển kinh tế. Về cơ cấu vùng kinh tế, trong những
năm vừa qua cũng đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp vào quá
trình phát triển kinh tế. Trên bình diện quốc gia, đã hình thành 6 vùng
kinh tế: vùng trung du miền núi phía Bắc, vùng đồng bằng sông Hồng, vùng
Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, vùng Tây Nguyên, vùng Đông Nam bộ
và vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, có 3 vùng kinh tế trọng điểm
là vùng động lực cho tăng trưởng kinh tế cả nước.
Các
địa phương cũng đẩy mạnh việc phát triển sản xuất trên cơ sở xây dựng
các khu công nghiệp tập trung, hình thành các vùng chuyên canh cho sản
xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, chế biến, nuôi trồng thuỷ sản, hình thành
các vùng sản xuất hàng hoá trên cơ sở điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã
hội của từng vùng. Điều này tạo thuận lợi cho phát triển công nghiệp chế
biến, góp phần tạo nên xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng
tăng tỷ trọng sản xuất hàng hoá, hướng về xuất khẩu. Cơ cấu nền kinh tế
đã chuyển dịch tích cực theo hướng mở cửa, hội nhập vào kinh tế toàn
cầu. Nhiều sản phẩm của Việt Nam như gạo, cao su, may mặc, giày dép, hải
sản... đã có sức cạnh tranh cao trên thị trường thế giới. Các hoạt động
kinh tế đối ngoại khác như đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) và viện
trợ phát triển chính thức (ODA) cũng đều tăng trưởng khả quan, đặc biệt
là vốn FDI đã có bước phát triển tích cực. Hoạt động đầu tư của Việt
Nam ra nước ngoài đã bước đầu được triển khai. Các doanh nghiệp Việt Nam
đã có một số dự án đầu tư ra nước ngoài như khai thác dầu ở An-giê-ri,
Xin-ga-po, Vê-nê-du-ê-la; trồng cao su ở Lào...
Kết
quả chuyển dịch cơ cấu kinh tế sau gần 30 năm đổi mới là một trong
những nguyên nhân quan trọng và cơ bản nhất đưa đến các kết quả, thành
tựu tăng trưởng kinh tế khả quan, tạo ra những tiền đề vật chất trực
tiếp để chúng ta giữ được các cân đối vĩ mô của nền kinh tế như thu chi
ngân sách, vốn tích luỹ, cán cân thanh toán quốc tế..., góp phần bảo đảm
ổn định và phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững. Các chương
trình mục tiêu quốc gia về xoá đói giảm nghèo, chương trình về đầu tư
xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cho các vùng khó khăn, các
chương trình tín dụng cho người nghèo và chính sách hỗ trợ trực tiếp đã
mang lại kết quả rõ rệt.
Một số vấn đề cần sớm được giải quyết
Tuy
nhiên, so với yêu cầu đặt ra, tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn
chậm và chất lượng chưa cao. Ngành công nghiệp tuy có tốc độ tăng trưởng
cao, nhưng yếu tố hiện đại trong toàn ngành chưa được quan tâm đúng
mức, trình độ kỹ thuật công nghệ nhìn chung, vẫn ở mức trung bình. Công
nghiệp chế biến, đặc biệt là những ngành công nghệ cao chưa phát triển.
Tỷ trọng dịch vụ trong GDP giảm liên tục trong những năm gần đây. Những
ngành dịch vụ có hàm lượng chất xám và giá trị gia tăng cao như dịch vụ
tài chính - tín dụng, dịch vụ tư vấn chậm phát triển. Tình trạng độc
quyền, dẫn tới giá cả dịch vụ cao, chất lượng dịch vụ thấp còn tồn tại ở
nhiều ngành như điện lực, viễn thông, đường sắt. Một số ngành có tính
chất động lực như giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, tính chất xã
hội hoá còn thấp, chủ yếu dựa vào nguồn vốn của Nhà nước.
Cơ
cấu lao động nông thôn chuyển dịch chậm, cơ bản vẫn là thuần nông. Năng
suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của một số nông sản phẩm còn
thấp. Việc nghiên cứu và chuyển giao khoa học, công nghệ vào sản xuất
nông nghiệp còn chậm…
Việc
sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp và phát triển các thành phần kinh tế còn
chậm. Hiệu quả hoạt động doanh nghiệp nhà nước còn thấp. Doanh nghiệp tư
nhân là nhân tố quan trọng trong phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh
tế, cơ cấu lao động ở nông thôn, nhưng quy mô nhỏ bé, chủ yếu là dịch vụ
và chỉ phát triển mạnh ở ven đô thị, hoặc nơi có kết cấu hạ tầng tương
đối phát triển. Chênh lệch mức sống giữa nông thôn và thành thị ngày
càng gia tăng. Khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa các tầng lớp dân
cư, giữa thành thị và nông thôn, miền xuôi và miền núi đang có xu hướng
ngày càng giãn ra. Nhiều vùng nông thôn miền núi còn thiếu lương thực,
hoặc chỉ có ngô mà không có gạo, thiếu nước sinh hoạt, thiếu các dịch vụ
công cộng tối thiểu.
Đáng
quan tâm nhất là ở nông thôn, nạn thiếu việc làm đang rất nghiêm trọng,
không chỉ trong những tháng nông nhàn, mà ngày càng nghiêm trọng tại
những vùng đất đai chuyển sang công nghiệp hoặc dịch vụ, người dân sau
khi nhận được một số tiền đền bù ít ỏi đã trở nên trắng tay, không nghề
nghiệp, buộc phải di chuyển ra thành thị. Cái nghèo bám theo họ từ nông
thôn ra thành thị, làm tăng thêm số người nghèo vốn đã khá đông ở thành
thị. Hàng chục vạn phụ nữ nông thôn phải đi kiếm sống ở xứ người mong có
tiền gửi về nuôi sống gia đình.
Và một số giải pháp
Để
khắc phục những hạn chế còn tồn tại và tiếp tục phát triển những thành
tựu đã đạt được trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, cơ
cấu kinh tế nông nghiệp, xóa dần khoảng cách thành thị và nông thôn,
miền xuôi và miền núi hoàn thành công nghiệp hóa nông thôn, cần tập
trung thực hiện một số vấn đề như: tăng mạnh hơn nữa tỷ trọng của công
nghiệp và dịch vụ trong GDP. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công
nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta trước hết chính là quá trình phát
triển mạnh các ngành nghề phi nông nghiệp, thông qua đó giảm bớt lao
động trong lĩnh vực nông nghiệp, tăng khả năng tích luỹ cho dân cư. Đây
lại chính là điều kiện để tái đầu tư, áp dụng các phương pháp sản xuất,
công nghệ tiên tiến hiện đại vào sản xuất, trong đó có cả sản xuất nông
nghiệp. Kết quả là, tất cả các ngành kinh tế đều phát triển, nhưng ngành
công nghiệp và dịch vụ cần phát triển nhanh hơn, biểu hiện là tăng tỷ
trọng của sản phẩm công nghiệp và dịch vụ trong GDP.
Thúc
đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông
thôn, chuyển mạnh sang sản xuất các loại sản phẩm có thị trường và hiệu
quả kinh tế cao; phát triển mạnh chăn nuôi với tốc độ và chất lượng cao
hơn; xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với việc chuyển
giao công nghệ sản xuất, bảo quản và chế biến; khắc phục tình trạng sản
xuất manh mún, tự phát. Tiếp tục rà soát, bổ sung, điều chỉnh lại quy
hoạch sản xuất nông nghiệp theo hướng: phát huy lợi thế tự nhiên của
từng vùng, lợi thế kinh tế của từng loại cây trồng, con gia súc, tăng tỷ
trọng chăn nuôi và dịch vụ; hình thành vùng sản xuất hàng hóa gắn với
thị trường và công nghiệp chế biến, bảo đảm hiệu quả bền vững và an ninh
lương thực quốc gia…
Hình
thành các vùng kinh tế dựa trên tiềm năng, lợi thế của vùng, gắn với
nhu cầu của thị trường. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công
nghiệp hóa, hiện đại hóa là quá trình chuyển biến căn bản về phân công
lao động xã hội theo lãnh thổ. Xoá bỏ tình trạng chia cắt về thị trường
giữa các vùng; xoá bỏ tình trạng tự cung tự cấp, đặc biệt là tự cung, tự
cấp về lương thực của từng vùng, từng địa phương. Mỗi địa phương cần
đặt mình trong một thị trường thống nhất, không chỉ là thị trường cả
nước mà còn là thị trường quốc tế, trên cơ sở đó xác định những khả
năng, thế mạnh của mình để tập trung phát triển, tham gia vào quá trình
phân công và hợp tác lao động có hiệu quả.
Chuyển
dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với
quá trình hình thành các trung tâm kinh tế thương mại, gắn liền với quá
trình đô thị hoá. Mặt khác, việc quy hoạch xây dựng các khu đô thị,
trung tâm kinh tế, thương mại có ảnh hưởng trực tiếp trở lại tới quá
trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tiếp tục phát triển và mở rộng thị
trường, coi trọng và phát triển thị trường trong nước, tổ chức tốt việc
tiêu thụ nông, lâm sản, thủy sản cho nông dân.
Ðưa
nhanh khoa học công nghệ vào sản xuất, nhất là việc nghiên cứu và
chuyển giao khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng giống cây trồng,
giống vật nuôi, kỹ thuật canh tác và môi trường, công nghệ sau thu
hoạch; ứng dụng mạnh công nghệ sinh học và xây dựng các khu nông nghiệp
công nghệ cao; nâng cao khả năng phòng ngừa và khắc phục dịch bệnh đối
với cây trồng, vật nuôi… Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các
doanh nghiệp và hợp tác xã đầu tư phát triển công nghiệp bảo quản, chế
biến nông, lâm thủy sản…
Tăng
đầu tư từ ngân sách nhà nước, và đa dạng hóa các nguồn vốn để tiếp tục
đầu tư phát triển mạnh hơn cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội nông thôn. Ưu
tiên nâng cấp và xây dựng mới các hệ thống thủy lợi đồng bộ, đi đôi với
đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý để bảo đảm an toàn về nước. Củng cố
hệ thống hồ đập, kè ven sông, ven biển; nâng cấp các hệ thống cảnh báo,
chủ động phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường
nước. Tiếp tục đầu tư phát triển giao thông nông thôn, bảo đảm các xã
đều có đường ô-tô tới khu trung tâm, từng bước phát triển đường ô-tô tới
thôn bản.
Tập
trung giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho nông dân và cho lao động
nông thôn, đặc biệt quan tâm giải quyết việc làm và thu nhập cho nông
dân có đất bị thu hồi để sử dụng vào mục đích phát triển khu công
nghiệp, khu đô thị, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội. Tạo điều kiện cho
lao động nông thôn có việc làm tại chỗ và ngoài khu vực nông thôn. Có
chính sách trợ giúp thiết thực để đẩy mạnh đào tạo nghề cho nông dân và
lao động nông thôn, đáp ứng cho yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông
nghiệp, nông thôn và tìm việc làm ngoài khu vực nông thôn, kể cả đi lao
động ở nước ngoài.
Tiếp
tục đầu tư nhiều hơn cho chương trình xóa đói giảm nghèo, trợ giúp
thiết thực cho các vùng và cộng đồng dân cư còn nhiều khó khăn, xây dựng
kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển hệ thống khuyến nông, nâng
cao dân trí và có chính sách tín dụng cho người nghèo từng bước vượt
qua khó khăn, thoát nghèo và nâng cao mức sống một cách bền vững… Tập
trung đầu tư để hoàn thành cơ bản chương trình kiên cố hóa trường học,
thực hiện tốt hơn chương trình chăm sóc sức khỏe cộng đồng; thực hiện
ngày càng có nền nếp và chất lượng về quy chế dân chủ ở nông thôn; đẩy
mạnh phong trào xây dựng làng xã văn hóa, nâng cao chất lượng hoạt động
các thiết chế văn hóa ở cơ sở giữ gìn và phát triển truyền thống văn hóa
tốt đẹp của dân tộc…/.
Theo Dangcongsan.vn