Cây
đương quy có tên khoa học là Angelica sinensis, thuộc họ Hoa tán. Tác
dụng của đương quy rất tốt, là thuốc đầu vị chữa một số loại bệnh, đồng
thời dùng nhiều trong các đơn thuốc bổ. Cây đương quy được sử dụng phần
củ rễ, dùng tươi hoặc sấy khô.
Kỹ
thuật trồng cây đương quy không khó. Chi phí đầu tư ban đầu gồm hạt
giống (khoảng 4,8 triệu đồng/kg), mỗi ha đất trồng hết 0,7 kg hạt giống.
Nếu sử dụng cây con thì giá 500 đồng/cây. Mỗi ha, chi phí giống khoảng
bốn triệu đồng, cộng thêm chi phí phân bón. Cây đương quy không có sâu
bệnh gây hại, quanh năm người trồng chỉ nhổ cỏ và tưới nước; sau một năm
là thu hoạch.
Nhận thấy cây đương quy mang lại giá trị kinh tế lớn, năm 2014, gia đình ông Lê Văn Biết và vợ Nguyễn Thị Trọng, thôn Tầm Xá, xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) đã mua giống từ Viện Dược liệu về trồng thử trên diện tích đất 0,8 ha. Sau một năm thu hoạch, gia đình bán củ tươi cho các nhà thuốc với giá là 70.000 đồng/kg và thu về hơn 640 triệu đồng. Tính ra, mỗi ha đất trồng đương quy cho thu nhập 800 triệu đồng/năm. Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông Biết còn vận động nhiều người trong vùng thành lập tổ hợp tác, tập hợp những hộ nông dân trồng đương quy. Ông Biết chịu trách nhiệm về các khoản từ đầu vào đến đầu ra, hợp tác với nông dân canh tác đương quy theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện nhiều hộ nông dân tại huyện Lâm Hà có thu nhập từ 800 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng mỗi năm nhờ trồng đương quy. Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đông Thanh Bùi Thị Huyền cho biết, từ mô hình của gia đình ông Biết, bà Trọng, Hội đang vận động nhiều hội viên phụ nữ trong xã chuyển đổi từ các loại cây trồng ít hiệu quả sang trồng cây đương quy. Hội cũng vận động nông dân trồng đương quy tham gia vào tổ hợp tác và sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. |
Nguồn: Tây Đô |