Người nông dân trắng tay vì phân bón, thuốc trừ sâu giả
Mặc dù Bộ NN-PTNT và các cơ quan giám sát ngành nông nghiệp đã cảnh báo, phát hiện không ít vụ vi phạm, nhưng nạn làm giả phân bón, thuốc trừ sâu; thậm chí, có đơn vị tung cả hàng quá hạn, kém chất lượng ra bán ngoài thị trường, đã khiến nhiều hộ nông dân sa bẫy. Họ đã trắng tay, phá sản vì mua phải các loại phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc tăng trưởng kém chất lượng.
Vợ anh Phạm Quốc Trung khóc nức nở bên vườn tiêu trụi quả, vì phun phải thuốc trừ sâu chất lượng kém.
Nông dân khốn khổ vì phân bón, thuốc trừ sâu giả, kém chất lượng
Ngày
21.8.2016, vợ chồng anh Phạm Quang Trung (thường trú xã Ea Tar, huyện
Cư M’gar, tỉnh Đắc Lắc) mua của đại lý vật tư nông nghiệp T.T 3 chai
thuốc trừ sâu. Theo hướng dẫn của nhân viên đại lý, anh Trung pha 6
chai thuốc với 700 lít nước để phun cho vườn tiêu (950 nọc) đang đậu
trái của gia đình. Nhưng sau khi phun, anh Trung hốt hoảng phát hiện
hàng loạt nọc tiêu bị thâm đen lá… 3 ngày sau, vợ chồng anh Trung chết
lặng tại vườn, khi chứng kiến 950 nọc tiêu đã rụng trái hoàn toàn và lá
rơi đầy gốc. Theo anh Trung, ước tính thiệt hại vườn tiêu khoảng hơn 1
tỷ đồng. Tương tự, anh Nguyễn Đình Cường (ngụ xã Ia Krêl, huyện Đức Cơ,
tỉnh Gia Lai) cũng lâm cảnh bi đát không kém. Anh Cường cho biết: “Vườn
tiêu nhà tôi có diện tích 1 ha. Thấy tiêu mắc bệnh vàng lá, tôi ra cửa
hàng gần nhà để mua thuốc về phun. Sau khi phun, không những không trị
được bệnh, mà tiêu chết sạch”. Đau nhất là trường hợp ông Nguyễn Tấn
Minh (trú xã Ia H’rú, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai). Ông Minh cho biết:
“Tôi được đại lý mời đi dự hội nghị trình diễn sản phẩm phân bón O.B.
Thấy quảng cáo rằng phân này sẽ chữa được bệnh tiêu điên, bệnh chết
nhanh, chết chậm. Nên về nhà, tôi mua một lúc 580 bao phân hữu cơ loại
50kg để bón cho hơn 4.000 trụ tiêu, có lẽ mua nhầm sản phẩm dỏm, kém
chất lượng nên hiệu quả không thấy đâu, chỉ thấy vườn tiêu của gia đình
tôi chết dần trong thời gian ngắn. Đau xót quá !”. Tức tối, ông lấy 6
mẫu gửi đi xét nghiệm, kết quả cho thấy, các thành phần không giống như
trên bao bì đăng ký. Bao đạt chất lượng nhất chỉ tới 70-80%, có mẫu chỉ
đạt 30-40% so với thông số đăng ký trên bao bì. Tại một hội nghị bàn về
phát triển hồ tiêu gần đây, ông Minh nói: “Do hồ tiêu là cây dễ nhiễm
bệnh, nên việc chăm sóc, bón phân cho chúng cũng lắm công phu. “Có bệnh
vái tứ phương”, bà con nông dân hễ nghe ai bày cho loại thuốc nào tốt,
chữa được bệnh là mua về chữa trị, bất chấp hiệu quả ra sao. Nhiều gia
chủ lỡ mua thuốc giả về phun trị bệnh cho tiêu phải “dở khóc, dở mếu”.
Mà số tiền đâu phải ít, vài chục triệu cho một lần phun khoảng 5 sào
(1.800m2) hồ tiêu, chưa kể tiền công. Hậu quả, thuốc đổ cứ đổ, tiêu vẫn
cứ bị bệnh chết, tiền dân vẫn cứ mất.
Ngoài
ra còn có hiện tượng các đối tượng xấu vì lợi nhuận đã dùng mọi thủ
đoạn để tung hàng giả, hàng quá hạn sử dụng, hàng phẩm chất kém vào thị
trường lừa gạt người mua… Ngày 17.9.2015, nhờ sự cảnh giác đầy trách
nhiệm, nhóm nhân viên bảo vệ thuộc Cty TNHH Dịch vụ bảo vệ Thăng Long
Sepre 24 đã phát hiện người của Cty TNHH Behn Meyer VN (Bình Dương) dán
lại nhãn trên bao bì, lùi thời hạn sử dụng và tung ra bán trên thị
trường 1.000 kg thuốc bảo vệ thực vật Diuron 80WP. Lô hàng này được sản
xuất vào tháng 5.2013 và tháng 5.2015 là hết hạn sử dụng. Tuy nhiên,
người của Cty TNHH Behn Meyer Việt Nam đã in lại nhãn, dán chồng lên
nhãn cũ, sửa lại ngày sản xuất là tháng 9.2014 và lùi hạn sử dụng tới
tháng 9.2016 (?). Tương tự, ngày 13.4.2016, cơ quan chức năng bất ngờ
kiểm tra hộ kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật Minh Phúc (xã Mong Thọ,
huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang), do bà Trần Thị Bích Kiều làm chủ.
Tại đây, lực lượng liên ngành phát hiện 21 chai thuốc trừ sâu nhãn hiệu
Lufen Extra 100EC do Cty MeKong sản xuất. Qua đấu tranh, bà Kiều khai đã
mua sản phẩm từ nhân viên của Cty Mekong và đã bán ra thị trường 49
chai với giá 195.000 đồng/chai. Tiếp tục lần theo các đầu mối, cơ quan
chức năng lần ra vai trò của Đinh Văn Bình (SN 1973, giám đốc phụ trách
kinh doanh của Cty Mekong). Đinh Văn Bình khai Cty đã bán ra thị trường
các tỉnh miền Tây Nam Bộ 39.000 chai thuốc trừ sâu nhãn hiệu Lufen Extra
100EC và 18.920 chai Accord 400ES dung tích 500ml. Đáng chú ý, cả 2
loại thuốc này đều nằm ngoài danh mục được sản xuất và chưa được cơ quan
chức năng cấp giấy phép lưu hành trên thị trường. Ngay sau đó, cơ quan
chức năng đã kiểm tra kho chứa của Cty Mekong. Tại đây, có gần 10.700
chai thuốc bảo vệ thực vật (100ml/chai) không có nhãn hiệu, được đựng
trong thùng, ghi nhãn hiệu Emaking 40EC do Trung Quốc sản xuất, đã hết
hạn sử dụng từ ngày 28.5.2015. Lực lượng chức năng cũng phát hiện thêm
500 chai thuốc trừ sâu nhãn hiệu Lufen Extra 100EC (100ml/chai), in ngày
sản xuất 8.1.2016 và lượng lớn thuốc ngoài danh mục được phép sản xuất
như thuốc trừ sâu nhãn hiệu Marvel 570EC, thuốc trừ bệnh cây trồng
Caliber 500SC, cùng một máy tẩy xóa ngày tháng sản xuất. Cơ quan chức
năng làm rõ, thuốc trừ sâu mà Cty Mekong có, được nhập từ Trung Quốc, đã
hết hạn sử dụng từ ngày 1.7.2015. Theo xác minh, từ ngày 1.7.2015 đến
nay, Cty Mekong đã bán ra thị trường 39.000 chai thuốc Lufen Extra
100EC (dung tích 100ml), thu lợi gần 4,4 tỷ đồng và gần 19.000 chai
thuốc diệt cỏ hiệu Accord 400EC (dung tích 500ml), với doanh thu 2,8 tỷ
đồng. Ông Nguyễn Xuân Thành - Phó Trưởng phòng 5 – Cục điều tra phòng
chống tội phạm về môi trường (C49), Bộ Công an - cho biết: “ Để bóc gỡ
hành vi sai phạm của Cty MeKong, các lực lượng phải mất rất nhiều thời
gian đi trinh sát ở nhiều tỉnh để đấu tranh. Các đối tượng rất am hiểu
luật và hiểu hành vi vi phạm của mình nên lúc nào cũng chủ động đề
phòng. Và quả thực chúng tôi hết sức bất ngờ về quy mô, mức độ sai phạm
của Cty này. Nghiêm trọng hơn là những sản phẩm kém chất lượng này khi
được tung ra thị trường sẽ gây thiệt hại lớn cho bà con nông dân sử
dụng”.
Theo
ông Lê Hồng Bảy - Phó Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Tháp: “Hiện
tượng làm giả, lùi hạn sử dụng, tung hàng quá date các mặt hàng vật tư
nông nghiệp ra bán ngoài thị trường nhằm trục lợi là rất phổ biến. Đặc
biệt, với các tỉnh miền Tây Nam bộ, hầu hết người dân làm nghề nông, nên
các đối tượng gian dối trên hoạt động rất mạnh. Chỉ thương người nông
dân, không hiểu biết, mua trúng phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ
thực vật kém phẩm chất, là thiệt thòi mười mươi, nếu không nói quá là có
người lâm cảnh phá sản, nợ nần…”.
Theo
báo cáo của Bộ NN-PTNT, trên thị trường hiện nay, tình hình sản xuất,
kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng là phân bón, thuốc bảo vệ thực
vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản và các chất dùng
trong chế biến thực phẩm, nông nghiệp (vật tư nông nghiệp) diễn biến
phức tạp, gây khó khăn cho nhà sản xuất, kinh doanh, nông dân và gây tâm
lý bất an cho người tiêu dùng. Thời gian qua, Thanh tra ngành NN-PTNT
đã thực hiện thanh tra, kiểm tra 3.103 cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc
thú y, thủy sản, phát hiện 1.107 cơ sở có hành vi vi phạm pháp luật,
tiến hành xử phạt vi phạm hành chính với số tiền trên 5 tỷ đồng. Trong
đó, một số tỉnh có nghề chăn nuôi phát triển và chiếm sản lượng lớn nhất
cả nước như: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, Hậu
Giang, Đồng Nai, Bình Dương... là nơi phát hiện nhiều hành vi vi phạm.
Kết quả thanh tra, kiểm tra cho thấy có rất nhiều cơ sở kinh doanh nhỏ
lẻ (các đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp) có hành vi vi phạm đặc
biệt nghiêm trọng như kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng
ngoài danh mục, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, làm ảnh hưởng đến năng
suất, chất lượng và môi trường trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.
Thanh tra, kiểm tra đối với gần 5.900 cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc
bảo vệ thực vật, Thanh tra Bộ đã phát hiện 913 cơ sở vi phạm với các
hành vi phổ biến như buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh
mục, sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng, quá
hạn sử dụng, nhãn mác không đúng với công dụng.
Tại kho Cty Mekong, cơ quan chức năng phát hiện nhiều hàng Trung Quốc, quá hạn sử dụng, được Cty này phù phép thành hàng Mekong, rồi tung ra bán ngoài thị trường. |
Xử lý sai phạm – hiệu quả chưa tới đâu
Ông
Nguyễn Văn Lãng – nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Cây Điều VN – cho rằng:
“Ðiều đáng nói là qua thanh tra, phát hiện một số loại phân bón không
nằm trong danh mục được phép lưu hành. Nhưng, hiện chưa có quy định hay
chế tài xử lý các trường hợp này. Rồi các quy định về chất lượng thức ăn
chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản, phân bón ở tỷ lệ nào là kém chất
lượng, tỷ lệ nào là hàng giả so với mức chất lượng đã công bố trên bao
bì, cũng có nhiều thông số không thống nhất, gây lúng túng cho cán bộ
thanh tra, trong việc xử lý sai phạm”. Ông Nguyễn Văn Hiệp (đại diện
Quản lý thị trường tỉnh Trà Vinh), cho rằng: “Phân định thế nào là phân
bón giả, phải nói hết sức nhiêu khê, nhưng hàng kém chất lượng thì khá
nhiều. Khó khăn nhất hiện nay là số cơ sở kinh doanh thì nhiều, mà lực
lượng quản lý thị trường, thanh tra chuyên ngành mỏng, khó quản lý. Vì
vậy, việc xử lý hiện tượng phân bón giả, hàng vật tư kém chất lượng gặp
rất nhiều khó khăn, chưa đạt hiệu quả như mong muốn”.
Trong
lúc đó, theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, tổng số phân bón hữu cơ và các
loại phân bón khác được sản xuất và tiêu thụ khoảng 1 triệu tấn/năm trên
cả nước. Trong đó, có 600.000 tấn phân bón hữu cơ. Bộ NN-PTNT thừa
nhận, tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng diễn biến phức
tạp ở một số địa phương. Tuy nhiên, công tác thanh tra, kiểm tra và xử
lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực phân bón ở nhiều địa phương vẫn
chưa được quan tâm đúng mức, hiệu quả chưa cao. Kết quả phát hiện và xử
lý các hành vi vi phạm pháp luật còn thấp, số vụ bắt giữ về vi phạm kinh
doanh phân bón mỗi năm cao, nhưng chỉ có khoảng 0,3% số vụ khởi tố hình
sự, vì vậy không đủ sức răn đe. Việc hướng dẫn nông dân sử dụng phân
bón cho hiệu quả, đúng cách chưa được các đơn vị chuyên ngành chú trọng,
tình trạng người dân sử dụng phân bón không đúng loại, đúng cách, đúng
thời điểm, đúng liều lượng vẫn còn phổ biến.
Thời
gian qua, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện, xử lý 878 vụ vi
phạm đối với mặt hàng phân bón, 211 vụ vi phạm đối với mặt hàng phụ gia
thực phẩm; mặt hàng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y và thức ăn chăn
nuôi không rõ nguồn gốc, không được phép sử dụng là 593 vụ. Song, đại
diện Bộ Công an cho rằng phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc thú y giả, nhận
biết bằng cảm quan rất khó khăn, phải mất cả tháng để giám định, phân
tích và khá tốn kém, hầu hết các vụ vi phạm đều xử lý hành chính.
Theo
kỹ sư Phan Văn Đấu – chuyên gia phát triển ngành điều VN: “Một trong
những nguyên nhân dẫn đến tình trạng phân bón giả, phân kém chất lượng,
thuốc trừ sâu quá hạn… vẫn có “đất sống”, là do người dân thiếu tiền đầu
tư, phải mua vật tư ghi nợ đến cuối vụ mới trả tiền. Một số đại lý,
doanh nghiệp làm ăn gian dối đã dùng mọi thủ đoạn lừa, ép người nông dân
sử dụng hàng không đạt phẩm chất, kém chất lượng. Trong khi nhiều nhãn
hàng có uy tín không bán chịu, nên việc nông dân chọn các loại phân bón,
thuốc bảo vệ thực vật cho ghi nợ, dẫn đến vớ phải hàng dỏm, hàng kém
chất lượng. Việc sử dụng phân bón kém chất lượng, thuốc bảo vệ thực vật
giả sẽ làm vườn cà phê, vườn tiêu, tài sản bao nhiêu năm tích cóp của
người nông dân đổ sông, đổ biển. Để tài sản không “đội nón ra đi” một
cách bất thường vì sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả; người
nông dân nên sử dụng những nhãn hàng uy tín, chất lượng và cẩn trọng với
những nhãn hàng lạ, rẻ tiền”.
(Nguồn: Tây Đô)