Mô hình trồng mía xen canh hiệu quả cao
Thời
gian qua, xã Sơn Hà (huyện Sơn Hòa) triển khai mô hình trồng mía xen
canh đậu xanh cao sản và bắp theo phương pháp trồng 1 vụ thu hoạch 3 lần
mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ mô hình này, địa phương sẽ triển khai
cánh đồng mẫu mía.
Mô hình mía xen canh tại thôn Ngân Điền, xã Sơn Hà (huyện Sơn Hòa) - Ảnh: LÊ TRÂM
Trồng 1 vụ thu hoạch 3 lần
Ông
Phạm Ngọc Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Hà, cho biết: Mô hình trồng
mía hàng đôi xen canh đậu xanh cao sản và bắp với diện tích 1ha được
triển khai tại thôn Ngân Điền (xã Sơn Hà) từ tháng 4 vừa qua, đến nay
cây mía trên 6 tháng tuổi. Thông thường trồng mía từ 10-12 tháng mới thu
hoạch, còn đậu xanh cao sản và bắp thì sau 65 ngày (tương đương khoảng 2
tháng) kể từ ngày xuống giống thì bắt đầu thu hoạch. Đối với đậu xanh,
sau khi thu hoạch trái, người dân bỏ lại dây đậu tại ruộng để bổ sung
nguồn phân hữu cơ cho đất. Tương tự, gốc cây bắp cũng như vậy nên cây
mía hiện nay mới 6 tháng tuổi nhưng đã cao phả đầu người lớn, cây to, lá
xanh mượt.
Ông
Huỳnh Quang Bình, nông dân tham gia mô hình, cho hay: Với cách trồng xen
canh này, khi đậu xanh và bắp lên cao sẽ ngăn được cỏ dại trong ruộng,
rẫy nên người trồng không những có nguồn thu nhập với 2 đợt thu hoạch
đầu là bắp và đậu mà còn không tốn thêm chi phí làm cỏ cho cây mía. Vừa
qua, sau khi thu hoạch đậu xanh và bắp, gia đình tôi có được 12 triệu
đồng/ha.
Hiện
mía trồng theo mô hình nói trên vươn cao 9-11 lóng, mỗi lóng dài 10cm,
thẳng đứng. Trong khi đó, mía trồng theo cách truyền thống nếu gặp mưa
thì lỏng gốc đổ ngã, mọc rễ trên các mắt của lóng mía. Theo tính toán
của các chuyên gia, ước tính năng suất mía mô hình đạt gần 80 tấn/ha,
trong khi mía trồng theo phương pháp truyền thống chỉ đạt bình quân 65
tấn/ha. Mía trồng hàng đôi không dùng thuốc bảo vệ thực vật để xử lý sâu
bệnh hại nên cũng tiết kiệm được tiền công trồng so với phương thức
trồng thủ công truyền thống. Hơn nữa việc trồng mía bằng máy giúp rút
ngắn thời gian, độ ẩm đất đồng đều trên toàn ruộng, mía mọc đều, hạn chế
được sâu bệnh. Máy lại cày sâu, bừa kỹ nên đất đạt được độ tơi xốp. Còn
trồng theo cách truyền thống, cỏ gốc còn sót lại rất nhiều, phải phun
thuốc cỏ làm cho cây mía chậm phát triển về sau.
Triển khai cánh đồng mẫu mía
Xã Sơn
Hà hiện có 1.830ha mía. Mía và lúa là những cây trồng chủ lực của xã,
vì vậy, UBND xã Sơn Hà đang có phương án triển khai cánh đồng mẫu mía
tại thôn Ngân Điền nhằm chuyển giao những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới
cho người dân. Ông Nguyễn Mạnh Sơn, Chủ tịch UBND xã Sơn Hà, cho biết:
Đây là mô hình xen canh mía có năng suất, chất lượng cao, áp dụng đồng
bộ các biện pháp cơ giới hóa từ khâu làm đất đến thu hoạch nhằm thay đổi
dần tập quán canh tác cũ, mang lại hiệu quả cho người trồng mía. Thông
qua mô hình này, sắp đến, UBND sẽ xã triển khai mô hình cánh đồng mẫu
mía nhằm góp phần tăng năng suất, chất lượng, hướng tới nâng cao thu
nhập cho người trồng mía.
Theo
ThS Nguyễn Đức Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư
Phú Yên, thời gian qua, tại các xã Ea Ly (huyện Sông Hinh), Ea Chà Rang
(huyện Sơn Hòa) và Xuân Quang 1 (huyện Đồng Xuân), trung tâm này đã
triển khai mô hình cánh đồng mẫu mía sử dụng cơ giới hóa, mỗi xã trình
diễn 10ha. Khi áp dụng mô hình mới này, mía được trồng hàng đôi, khoảng
cách giữa hai hàng từ 1,4-1,6m, khoảng cách giữa hai hàng đôi là
35-40cm, rất thuận lợi để người dân chăm sóc, làm cỏ, bón phân. Cây mía
phát triển tốt, to khỏe, không bị sâu bệnh và năng suất cao hơn so với
đối chứng từ 15-20 tấn/ha, lợi nhuận bình quân gần 62,3 triệu đồng/ha,
cao hơn đối chứng 18,5 triệu đồng/ha. Vì vậy, Trung tâm Khuyến nông -
Khuyến ngư Phú Yên đã đề nghị các địa phương tiếp tục nhân rộng mô hình
này.
(Nguồn Tây Đô)