Làng nghề chỉ sơ dừa thu hút nhiều lao động nông thôn
Làng nghề chỉ xơ dừa An Thạnh (Mỏ Cày Nam) và Khánh Thạnh Tân (Mỏ Cày Bắc) được UBND tỉnh Bến Tre cấp giấy chứng nhận làng nghề vào năm 2006. Thời kỳ hoàng kim có đến hàng trăm cơ sở làm chỉ xơ dừa, nằm nối tiếp nhau ở 2 bên bờ sông Thom, thuộc địa bàn 4 xã Thành Thới B, An Thạnh, Tân Hội và Khánh Thạnh Tân. Tổng sản lượng sản xuất mỗi năm hàng trăm ngàn tấn sản phẩm các loại, góp phần giải quyết hàng ngàn lao động ở địa phương.
Công nhân phơi chỉ xơ dừa.
Nhờ hoạt động hiệu quả, làng nghề đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội xã Khánh Thạnh Tân, làm cho bộ mặt nông thôn ngày thêm đổi mới, mức sống của nhân dân từng bước được nâng cao, thúc đẩy phong trào xây dựng đời sống văn hóa và nông thôn mới.
Những năm gần đây, tình hình sản xuất chỉ xơ dừa xã Khánh Thạnh Tân hoạt động ổn định và có chiều hướng gia tăng, nhưng số lượng cơ sở giảm (từ gần 100 cơ sở vào những năm 2006-2008, nay giảm còn khoảng 40 cơ sở). Nguyên nhân do giá cả trái dừa biến động, nguyên liệu không ổn định. Đặc biệt là sự cải tiến công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu, nhiều cơ sở sản xuất nhỏ làm ăn thua lỗ, giải thể. Nhiều cơ sở có vốn và điều kiện phát triển lên thành doanh nghiệp, sản xuất lớn. Tuy số lượng cơ sở có giảm, nhưng sản lượng và chất lượng hàng hóa ngày càng tăng.
Về nguồn nguyên liệu, trái dừa sau khi các ghe thu mua chở về, được bán cho các cơ sở bốc lên bờ và đưa vào lột vỏ. Loại dừa gáo lớn từ 800gram trở lên bán cho các tàu dừa, loại dừa nhỏ hơn tách lấy cơm bán cho các cơ sở sản xuất cơm dừa nạo sấy, gáo dừa bán cho các cơ sở sản xuất than thiêu kết, nước dừa bán cho cơ sở thạch dừa. Riêng vỏ dừa được đưa vào máy đập, cho ra sản phẩm chỉ xơ dừa, sau khi phơi được ép thành kiện hoặc xe thành chỉ, xuất khẩu sang các thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Ấn Độ.
Công nhân làng nghề có thu nhập khá cao, người làm việc nặng như lột dừa, đập chỉ xơ dừa trung bình mỗi ngày thu nhập từ 300 - 400 ngàn đồng, những người làm việc nhẹ như phơi chỉ mỗi ngày cũng kiếm được từ 150 - 200 ngàn đồng. Anh Nguyễn Văn Thanh (40 tuổi) ở ấp Tài Đại, xã Khánh Thạnh Tân, làm nghề lột dừa cho cơ sở ông Huỳnh Văn Vinh, ấp Vĩnh Trị, cho biết: “Lột vỏ 200 trái dừa được 35 ngàn đồng, trung bình mỗi ngày một người lột khoảng 2 - 2,5 ngàn trái, thu nhập khoảng 350 - 400 ngàn đồng, có những người lột giỏi 1 ngày trên 3 ngàn trái, thu nhập trên 500 ngàn đồng”. Chị Lê Thị Bé, ở xã Tân Bình, huyện Mỏ Cày Bắc, làm nghề phơi chỉ xơ dừa cho Công ty TNHH Tấn Phước Tài cho biết: “Mỗi ngày, tôi kiếm được khoảng 200 ngàn đồng, phơi chỉ là công việc nhẹ, nhưng phải chịu khó ở ngoài nắng suốt ngày, cực nhất là những tháng mưa phải canh gom và phơi cho chỉ khô”.
Bà Nguyễn Thị Thiện - Giám đốc Công ty TNHH Tấn Phước Tài chuyên sản xuất chỉ xơ dừa cho biết: Mỗi ngày công ty sản xuất được 20 - 30 tấn chỉ, số lượng công nhân làm việc mỗi ngày trên 30 người. Những tháng ít dừa, công ty phải thuê ghe đến các vùng lận cận thu mua vỏ, trái dừa thì số lượng công nhân từ 35 - 40 người.
Làng nghề chỉ xơ dừa xã Khánh Thạnh Tân không chỉ giải quyết việc làm, tăng thêm thu nhập cho người lao động mà còn giúp tăng thêm giá trị trái dừa của tỉnh Bến Tre và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
(Nguồn: taydo)