Việt Nam phụ thuộc vào giống cây trồng nhập khẩu
Ảnh minh hoạ
Kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam năm 2014 dự kiến đạt khoảng 1,2 tỷ USD. Thế nhưng số tiền phải bỏ ra nhập khẩu các giống rau, hoa quả mỗi năm cũng xấp xỉ nửa tỷ USD.
Tại
vùng chuyên canh rau Vân Nội, Đông Anh, Hà Nội, thời điểm này, những
người làm rau giống như chị Chính bận rộn nhất. Gần 20 năm gieo trồng
chị cho biết, ngay cả những giống truyền thống như su hào, bắp cải, cà
chua, nông dân vẫn phải dùng giống ngoại, chi phí sản xuất khá cao.
Chị Chử Thị Chính cho biết: “Một năm, gia đình tôi mất 50-60 triệu tiền hạt giống, nhà nào nhiều ruộng thì mất đến 200 triệu”.
Với 14
năm kinh doanh, anh Hảo, chủ đại lý rau giống lớn nhất Vân Nội cho
biết, cả cửa hàng gần như không có giống nội. Những giống trong nước vẫn
chỉ dừng ở việc nông dân tự làm để phục vụ cho chính họ.
Không
có đối thủ canh tranh nên Việt Nam đã trở thành thị trường của các công
ty giống nước ngoài. Là nước khí hậu nhiệt đới, Việt Nam có rất nhiều
điều kiện thuận lợi để sản xuất rau quả với nguồn gene phong phú. Thế
nhưng, việc phụ thuộc vào giống nhập khẩu là một lỗi lớn trong xác định
thế mạnh và đầu tư nghiên cứu. Theo GS.TS Đỗ Năng Vịnh, đáng lẽ đồng
bằng Sông Hồng phải trở thành Hà Lan của châu Á do đặc thù khí hậu nhưng
lâu nay Việt Nam lại quá tập trung cho lúa gạo và cây công nghiệp.
GS.TS
Đỗ Năng Vịnh, Chủ tịch Hội đồng khoa học, Viện Di truyền cho rằng: “Đa
số những sản phẩm có giá trị cao trên thế giới như cà chua, dưa chuột,
cam quýt, Việt Nam hoàn toàn có thể tạo giống trong nước. Vấn đề cần xác
định cái gì là lợi thế. Chúng ta sản xuất lúa gạo, cà phê nhưng phụ
thuộc giống, phân bón, thuốc BVTV thì tinh hoa nhất của sản xuất thuộc
về người khác, chúng ta là anh nông dân của thế giới”.
Đại
diện Cục Trồng trọt thừa nhận, tỷ lệ nhập khẩu rau giống hiện nay của
Việt Nam là rất cao. Với vụ Đông năm nay, để trồng 460.000 ha, trong đó
gần 200.000 ha là rau thì số lượng rau giống nhập khẩu là vấn đề đáng
bàn.
“Thời
gian tới Nhà nước phải quan tâm đến đầu tư chọn tạo. Tôi nghĩ vai trò
quan trọng là doanh nghiệp cần phối hợp với Viện trong nước, doanh
nghiệp nước ngoài trước mắt chưa nghiên cứu được thì khảo nghiệm những
giống phù hợp với Việt Nam, với người tiêu dùng” - Ông Phạm Đồng Quảng,
Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT nói.
(Nguồn: VTV.vn)