Hỗ trợ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp: Thủ tục làm khó nông dân
Hà Nội đang triển khai sâu rộng chương trình cơ giới hóa (CGH) để phát triển nền nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, năng suất, hiệu quả cao. Từ thành công trong công tác dồn điền đổi thửa, thành phố đã có những chính sách hỗ trợ nông dân, HTX đầu tư máy móc. Tuy nhiên, việc thực hiện QĐ16 của UBND thành phố về hỗ trợ sau đầu tư còn nhiều vướng mắc, chưa đi vào thực tiễn…Tự phát, thiếu đồng bộ
Theo Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, từ đầu năm đến nay, ngành nông nghiệp Thủ đô đã triển khai đồng bộ đề án CGH trên tất cả các lĩnh vực của ngành. Đối với trồng trọt, đã đầu tư máy làm đất công suất > 24 HP (mã lực) cho 4 điểm mô hình (mỗi điểm 1 máy) so với kế hoạch 9 điểm mô hình. Đối với máy làm đất công suất < 20 HP, đã đầu tư 18 máy, cho 3 điểm mô hình, tại huyện Chương Mỹ, Mê Linh và thị xã Sơn Tây so với kế hoạch là 48 máy cho 8 điểm. Máy cấy đã thực hiện được 1 máy/1 điểm mô hình ở Đức Giang (Hoài Đức). Máy gặt đập liên hợp đã thực hiện được 4 máy/4 điểm mô hình. Ngoài ra, trung tâm đang triển khai máy phun thuốc phòng trừ sâu bệnh có động cơ với 50 máy/5 điểm mô hình.
Nông dân xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp. Ảnh: Giang Sơn |
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Ngô Đình Giang, phong trào CGH trong nông nghiệp của thành phố đang diễn ra khá sôi động song việc ứng dụng còn mang tính tự phát, thiếu đồng bộ. Trong sản xuất lúa mới tập trung vào khâu làm đất, còn khâu gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản chưa được quan tâm đầu tư. Các cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản phần lớn đầu tư theo hướng quảng canh, thủ công, chưa đầu tư CGH theo hướng khép kín, đồng bộ nên chất lượng, hiệu quả chưa cao, ảnh hưởng tới vệ sinh môi trường.
Vướng chính sách
Theo QĐ số 7961/QĐ-UBND của UBND thành phố về việc thực hiện chính sách khuyến khích đầu tư CGH trong sản xuất nông nghiệp, thành phố sẽ hỗ trợ 100% lãi suất cho các hộ nông dân, HTX mua máy phục vụ CGH. Trung tâm Khuyến nông cho biết, năm 2013 đã hỗ trợ 13 hộ vay vốn ngân hàng để mua máy, nhưng do vướng chính sách nên đến tháng 7-2014 13 hộ trên mới vay được. Đối với 42 hộ đăng ký mua máy làm đất, máy gặt đập liên hợp trong năm 2013, đến nay mới có 19 hộ được hỗ trợ kinh phí. Bà Nguyễn Thị Tuyến, Bí thư Huyện ủy Chương Mỹ cho rằng: Ngân sách thành phố hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn tín dụng theo mức lãi suất của Ngân hàng NN&PTNT tại thời điểm ký hợp đồng tín dụng vay vốn, thời hạn tối đa là 3 năm, mức vốn vay tối đa được hỗ trợ lãi suất bằng giá trị sản phẩm. Tuy nhiên, thực tế triển khai gặp nhiều khó khăn khiến kết quả hạn chế. Trong năm 2012 và 2013, huyện Chương Mỹ có 10 hộ dân đề nghị hỗ trợ lãi suất mua máy nhưng đến nay mới được giải quyết. Để tạo điều kiện cho các hộ nông dân đầu tư CGH trong nông nghiệp, thành phố nghiên cứu hỗ trợ trực tiếp từ 30 đến 40% giá trị máy chứ không hỗ trợ sau đầu tư như hiện nay. Còn theo ông Ngô Đình Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, một số nội dung chương trình CGH thực hiện chưa đạt kế hoạch đề ra là do một số hộ tham gia thực hiện mô hình chưa đủ điều kiện về vốn đối ứng. Việc dồn ô đổi thửa cũng khiến tăng số hộ có nhu cầu đầu tư mua máy có công suất lớn để phục vụ sản xuất. Đáng tiếc do vướng mắc về chính sách hỗ trợ nên số hộ, HTX được mua máy theo chương trình còn hạn chế.
Thực tế khảo sát tại các địa phương cho thấy, việc đưa CGH vào sản xuất được nông dân rất ủng hộ, tuy nhiên cần sớm tháo gỡ chính sách để nông dân được hưởng hỗ trợ của thành phố. Ông Nguyễn Đình Chiêu, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên cho biết, nhận được hỗ trợ theo QĐ 16, nông dân rất phấn khởi, nhưng triển khai lại khó khăn do thủ tục rườm rà, phức tạp... Nếu đủ điều kiện hưởng ưu đãi thì cũng phải cả năm mới nhận được kinh phí hỗ trợ nên không đáp ứng kịp thời thời vụ sản xuất nông nghiệp. Để khắc phục những vướng mắc, các địa phương đã xây dựng đề án và hỗ trợ cho các HTX, nông dân khi mua máy móc phục vụ CGH. Cụ thể, ở Phú Xuyên, Huyện ủy đã có nghị quyết và UBND huyện đã có cơ chế hỗ trợ 70 triệu đồng/1 máy cày (huyện hỗ trợ 45 triệu đồng, xã hỗ trợ 15 triệu đồng, HTX hỗ trợ 10 triệu đồng). Huyện Thạch Thất đã hỗ trợ đầu tư cho các hộ theo mức hỗ trợ của Thông tư 183/2010/TTLB-BTC-BNN ngày 15-11-2010. Huyện Thanh Oai hỗ trợ 50% giá trị máy, thiết bị cơ giới cho HTX dịch vụ nông nghiệp. Huyện Sóc Sơn hỗ trợ 100% giá trị máy cấy cho các hộ tham gia mô hình CGH, đồng thời dành 2 tỷ đồng cho vay không lãi suất để hỗ trợ các hộ đầu tư CGH...
(Nguồn: hanoimoi.com.vn)