12,4 tỷ USD nhập khẩu máy móc, vật tư nông nghiệp: Trớ trêu và yếu kém!
Xung
quanh việc mỗi năm Việt Nam phải chi 12,4 tỷ USD để nhập khẩu vật tư
nông nghiệp phục vụ sản xuất, ông Nguyễn Trí Ngọc - Viện trưởng Viện
Nghiên cứu và Phát triển công nghệ nông lâm nghiệp Thành Tây, Tổng Thư
ký Tổng hội NNPTNT Việt Nam cho biết đây là một điều trớ trêu, bộc lộ sự
yếu kém của cả chuỗi giá trị sản phẩm nông sản.
Những
năm gần đây Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia có nhiều
loại nông sản xuất khẩu lớn nhất nhì thế giới, song có một nghịch lý là
hầu hết đầu vào cho sản xuất lại phải nhập khẩu. Ông nghĩ sao về điều
này?
- Đến
thời điểm này, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu nông sản với nhiều
loại nông sản đứng thứ nhất, nhì thế giới như hồ tiêu, gạo, cà phê, hạt
điều, cao su, rau quả… Tuy nhiên, có một điều trớ trêu là ngành nông
nghiệp đang phải nhập khẩu rất nhiều vật tư đầu vào, trong đó ngành
trồng trọt phải nhập phần lớn thuốc BVTV; máy móc, thiết bị nông nghiệp;
giống cây trồng; phân bón.
Ngay cả cây ngô, mặc dù nước ta là nước nhiệt đới, có đủ điều kiện để trồng ngô phục vụ chăn nuôi song năm 2013, chúng ta vẫn phải nhập xấp xỉ 3 triệu tấn ngô, 8 tháng đầu năm nay cũng đã nhập trên 1 triệu tấn ngô hạt. Đây đúng là nghịch lý đối với một đất nước có nhiều điều kiện cả về tự nhiên, khí hậu, đất đai, con người cho trồng ngô nói riêng và phát triển nông nghiệp nói chung như Việt Nam.
Nhưng
cũng có nhiều ý kiến cho rằng, chúng ta phải nhập vật tư như phân bón,
thuốc BVTV là do trong nước không có nguyên liệu để sản xuất?
-
Trước hết về phân bón, trước đây Việt Nam phải nhập khẩu rất nhiều, chủ
yếu là urê, DAP… thì đến thời điểm này, sản xuất trong nước đã cơ bản
đáp ứng đủ nhu cầu trên 10 triệu tấn/năm, riêng đạm thậm chí còn đang dư
thừa và có xuất khẩu. Chúng ta chỉ còn phải nhập DAP, đạm sunphat để
phục vụ sản xuất NPK, song cũng chỉ nhập khối lượng nhỏ. Trong tương
lai, khi nhà máy sản xuất DAP ở Lào Cai hoàn thành thì chúng ta sẽ cơ
bản không phải nhập khẩu phân bón nữa.
Về thuốc BVTV,
đây là loại hóa chất đặc biệt, chúng ta chưa sản xuất được nên sẽ còn
phải nhập khẩu trong thời gian dài. Riêng về máy móc, thiết bị nông
nghiệp thì đây là vấn đề hết sức nan giải.
Việc
đầu tư cơ giới hóa là yếu tố vô cùng quan trọng nhằm tăng năng suất,
giảm công lao động, giảm giá thành sản phẩm nông sản, nhưng rất tiếc là
đến thời điểm này, ta vẫn bị phụ thuộc quá nhiều vào máy móc nhập từ
nước ngoài do sản xuất trong nước chưa đáp ứng được.
Như ông vừa nói, sắp tới chúng ta sẽ không phải nhập phân bón nữa, nhưng theo số liệu thống kê của Bộ NNPTNT, chỉ trong 8 tháng qua Việt Nam đã nhập tới 2,57 triệu tấn phân bón các loại, kim ngạch lên tới hơn 800 triệu USD. Ông có nhận xét gì về điều này?
-
Đúng là nếu căn cứ vào năng lực sản xuất của các nhà máy phân bón trong
nước và cả các nhà máy sắp đi vào hoạt động thì chúng ta hoàn toàn có đủ
phân bón phục vụ sản xuất.
Thế
nhưng, thực tế phân bón nhập khẩu vẫn tràn vào nước ta, theo tôi đây có
thể là sự cạnh tranh của các doanh nghiệp kinh doanh phân bón. Ngay cả
với thuốc trừ sâu, gần 10 năm qua, để giúp nông dân giảm chi phí phun
thuốc, tăng lợi nhuận, hạn chế ô nhiễm môi trường, ngành nông nghiệp đã
khuyến cáo bà con sử dụng thuốc “1 phải, 5 giảm”, “3 giảm, 3 tăng”. Tuy
nhiên khuyến cáo về sự độc hại của thuốc BVTV không đủ sức mạnh so với
những quảng cáo hấp dẫn về cái lợi của việc dùng thuốc.
Việc lệ thuộc nhập khẩu vật tư đầu vào có phải là một trong những nguyên nhân dẫn đến giá thành sản xuất cao?
-
Theo tính toán, khâu đầu vào cho ngành trồng trọt chiếm khoảng 30 - 40%
giá trị sản phẩm. Rõ ràng nếu chúng ta phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu
vật tư đầu vào thì sẽ ảnh hưởng đến giá thành sản xuất, bởi việc nhập
khẩu luôn đi kèm với những chi phí tăng thêm như thuế, phí vận chuyển...
Câu
hỏi đặt ra là liệu Việt Nam có thể khắc phục được những yếu kém đó hay
không? Trên thực tế, chúng ta đã và đang nỗ lực thực hiện những giải
pháp để hạn chế nhập khẩu đầu vào, song vấn đề này rất cần có sự vào
cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của Nhà nước, doanh nghiệp và các bộ ngành.
Ví dụ
về thuốc BVTV, trong tương lai cần phải phát triển lĩnh vực này thành
ngành công nghiệp hóa chất, song mảng này lại thuộc quản lý của Bộ Công
Thương chứ không riêng ngành nông nghiệp; tương tự, muốn phát triển lĩnh
vực chế tạo máy móc thì cần phải có sự tham gia của ngành công nghiệp,
sự đầu tư của lực lượng doanh nghiệp...
Xin cảm ơn ông!