Tăng thu nhập nhờ công nghệ cao
Người dân xã Hương Ngải ứng dụng công nghệ cao vào trồng hoa lan mỗi năm mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Ngay từ khi triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội đã tập trung đẩy mạnh sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp. Ðây chính là cơ sở nhằm giải phóng sức lao động và tăng thu nhập cho người dân nông thôn.
Ðưa
chúng tôi đi thăm kho lạnh bảo quản khoai tây giống, Chủ nhiệm HTX nông
nghiệp xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất Nguyễn Ðỗ Ban cho biết: Trước kia
chúng tôi phải bảo quản khoai tây giống trên giàn bếp hoặc dưới gầm
giường nên dễ bị mọc mầm, tiêu hao nhiều dinh dưỡng, năng suất cây trồng
kém. Việc xây dựng kho lạnh đã đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng bảo quản
giống của bà con. Cùng với việc ứng dụng trồng các giống mới, năng suất
khoai tây đã tăng từ hai đến ba lần so với cách trồng truyền thống.
Ðối
với cây lúa cũng có sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc thay đổi giống.
Nếu trước năm 2010, diện tích giống lúa dài ngày chiếm 65% thì đến nay
diện tích giảm còn 15% và được thay bằng các giống lúa ngắn ngày, chất
lượng cao: Nam Hương 10, Bắc Thơm, XT 27, BC15... Các giống lúa này có
nhiều ưu điểm như rút ngắn thời gian chăm sóc, nâng cao hiệu quả kinh
tế, hạn chế ảnh hưởng của sâu bệnh, thời tiết và sớm giải phóng đất
trong vụ mùa để trồng cây vụ đông.
Trong
chăn nuôi, việc đẩy mạnh quy hoạch các vùng chăn nuôi tập trung theo quy
hoạch NTM và đưa giống mới, tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản
xuất đã cho kết quả tốt. Các giống bò ngoại nhập: Brahman,
Drounghmaster, giống bò mới 3BBB với chất lượng thịt ngon, tỷ lệ nạc cao
đã nâng cao hiệu quả kinh tế rõ rệt. Ngoài ra, còn phát triển đàn gia
cầm, thủy cầm siêu thịt, siêu trứng theo hướng công nghiệp và bán công
nghiệp tập trung đã góp phần nâng cao giá trị gia tăng của ngành chăn
nuôi. Ðến năm 2012, giá trị ngành này tăng 57,3% so với năm 2006. Hiện
toàn huyện có 52 trang trại chăn nuôi, 115 mô hình chuyển đổi từ ruộng
trũng cấy lúa kém hiệu quả sang chăn nuôi thủy sản. Do áp dụng KHKT nên
các trang trại, mô hình chuyển đổi đạt hiệu quả kinh tế cao, giá trị thu
nhập đạt từ 200 đến 350 triệu đồng/ha.
Cùng
với việc đầu tư vào công nghệ giống, ứng dụng tiến bộ KHKT trong trồng
trọt và chăn nuôi, năm 2011 huyện Thạch Thất trích ngân sách 4,4 tỷ đồng
đầu tư, hỗ trợ các địa phương khuyến khích đưa nhanh cơ giới hóa vào
sản xuất nông nghiệp. Việc cơ giới hóa sớm và đồng bộ, từ khâu làm đất
đến gieo hạt, cấy, thu hoạch, sấy đã cho kết quả ngoài mong đợi. Bà Phí
Thị Nhiên, thôn 2, xã Hương Ngải vui mừng cho biết: So với cách trồng
lúa truyền thống, gieo lúa mạ khay tiết kiệm 40% chi phí đầu vào, chủ
động được thời vụ và cơ cấu giống. Hơn nữa, có thể sản xuất mạ mà không
cần đến ruộng gieo mạ, việc chăm sóc, vận chuyển từ nơi sản xuất tới
ruộng cấy cũng rất thuận lợi.
Từ
những chuyển biến đó, những năm gần đây, đời sống kinh tế của người dân
Thạch Thất được cải thiện rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người của huyện
năm 2010 đạt 17,5 triệu đồng/năm, đến năm 2013 tăng lên 25 triệu
đồng/năm. Trưởng phòng Kinh tế huyện Hoàng Chí Lượng cho biết: Quan điểm
xây dựng NTM của huyện không chạy theo số lượng các tiêu chí, mà tập
trung nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân và phát triển
kinh tế - xã hội tại địa phương. Trong quá trình xây dựng NTM, dù gặp
không ít khó khăn trong dồn điền đổi thửa, xây dựng thương hiệu làng
nghề, thương hiệu nông sản... nhưng với phương châm cán bộ gương mẫu
thực hiện trước, nên nhiều việc đã được giải quyết hiệu quả. Tuy nhiên,
ông Lượng cũng trăn trở: Nhiều xã còn đang gặp khó khăn về nhiều mặt như
nguồn lực tài chính, mô hình kinh tế... Chính vì vậy, huyện vẫn tiếp
tục xây dựng lộ trình cụ thể cho từng sản phẩm nông nghiệp, từ đó có
hướng đầu tư trọng điểm lâu dài, giúp người dân tích cực tham gia vào
các mô hình kinh tế, nâng cao thu nhập. Cho đến thời điểm này, huyện đã
xây dựng thành công mô hình sản xuất rau muống tiến vua theo tiêu chuẩn
VietGAP tại xã Hương Ngải. Với mô hình này, nông dân tính toán được giá
đầu vào và quyết định được giá bán thông qua những hợp đồng cung cấp
thực phẩm, từ đó bảo đảm thu nhập ổn định và việc làm thường xuyên cho
hơn 30 lao động.
NHỜ
xác định rõ hướng phát triển nông nghiệp gắn với ứng dụng khoa học kỹ
thuật và sản xuất tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi hàng hóa, những năm qua,
đời sống người dân và bộ mặt nông thôn trên địa bàn huyện đã được cải
thiện đáng kể. Tính đến hết năm 2013, huyện đã có sáu xã đạt chuẩn NTM,
16 xã đạt từ 12 đến 16 tiêu chí. Hết năm 2014, huyện phấn đấu có thêm
bốn xã đạt chuẩn NTM. Ðây thật sự là thành công không nhỏ của một xã
thuần nông như Thạch Thất
(Nguồn: nhandan.com.vn)