Đích ngắm của nông nghiệp Hà Nội
Mô hình trồng hoa ứng dụng công nghệ cao tại HTX Đan Hoài - Flora Việt Nam.
Những
năm gần đây, trên địa bàn TP Hà Nội đã xuất hiện những mô hình nông
nghiệp công nghệ cao (CNC) đem lại giá trị kinh tế lớn. Tuy nhiên, việc
đầu tư nhân rộng các mô hình này không phải là dễ, bởi những khó khăn về
nguồn vốn, công nghệ, cũng như thị trường tiêu thụ. Để hiện thực hóa
Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC giai đoạn 2015 - 2020,
TP Hà Nội đang xây dựng một số chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh
vực này.
Những mô hình tiền tỷHTX Đan Hoài - Flora Việt Nam (thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng) là một trong những doanh nghiệp đầu tiên trên địa bàn TP Hà Nội đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp CNC.Thành lập từ năm 2004, đến nay, Flora Việt Nam đã có khu sản xuất rộng 10.000 m 2 , chuyên sản xuất các loại hoa cao cấp như hoa lan, hoa ly... Trong đó, doanh thu từ sản xuất hoa lan hồ điệp trong nhà kính hiện đại đạt từ bốn đến năm tỷ đồng/ha/năm; doanh thu từ sản xuất hoa lan vũ nữ, hoa ly trong nhà lưới hiện đại cấp II đạt từ 1,2 đến hai tỷ đồng/ha/năm. Doanh nghiệp cũng tạo công ăn việc làm cho 30 lao động thường xuyên và 70 lao động bán thời gian, với thu nhập trung bình 3,5 triệu đồng/tháng. Hằng năm, doanh nghiệp cung cấp cho thị trường gần 100 nghìn cây lan hồ điệp, hàng chục nghìn hoa ly, lan vũ nữ...với phẩm chất không thua kém hoa nhập khẩu về độ bền và mầu hoa. Giám đốc Công ty Bùi Bích Hường cho biết, để có được thành công của mô hình, khoa học công nghệ chính là chìa khóa, là động lực giúp nâng cao giá trị, giảm thiểu cạnh tranh và củng cố vững chắc thương hiệu.
Tương tự, HTX hoa và cây cảnh Thụy Hương (xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ) cũng là một điển hình trong việc ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp. HTX đã xây dựng mô hình khuyến nông sản xuất hoa ly chất lượng cao của Viện Nghiên cứu rau quả, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam. Với diện tích 7 ha, trong đó 1.000 m 2 nhà kính hiện đại sản xuất giống lan hồ điệp cùng các hệ thống thông gió, phun tưới nước tự động hóa, nhiệt độ được điều khiển, khiến cho hoa nở đúng theo ý muốn; 3.000 m 2 nhà lưới chuyên dụng trồng hoa ly và đồng tiền; diện tích còn lại để trồng các loại hoa loa kèn, cúc, hồng... Trung bình mỗi vụ, bà con trồng hoa thu gần hai tỷ đồng, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận đạt khoảng một tỷ đồng/lứa. Số tiền này, mỗi xã viên được chia lãi 40% tương ứng vốn đóng góp, một phần lãi trích lại để HTX hoạt động. Có vốn, HTX tiếp tục xây thêm khoảng 7.000 m 2 nhà kính để trồng các loại hoa giá trị kinh tế cao...
Ngoài hai đơn vị kể trên, còn một số mô hình của các cá nhân như mô hình hoa ly ở Hạ Mỗ; cơ sở trồng hoa CNC tại thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng, cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, những mô hình ứng dụng nông nghiệp CNC của thành phố hiện còn nhỏ lẻ.
Cần một chính sách đồng bộ
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Huy Đăng, nông nghiệp ứng dụng CNC đang là yêu cầu tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại. Do vậy, mục tiêu của Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC thành phố Hà Nội giai đoạn 2015 - 2020 là đưa tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao năm 2020 chiếm khoảng 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của thành phố. Hoàn thành xây dựng từ một đến hai khu nông nghiệp CNC; có mười doanh nghiệp nông nghiệp CNC, 300 trang trại nông nghiệp CNC.Chương trình triển khai trên tất cả các lĩnh vực như: trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản,...
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, TP Hà Nội cần có một chính sách khuyến khích thỏa đáng. Tại hội nghị lấy ý kiến chi tiết dự thảo về một số chính sách khuyến khích đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC của TP Hà Nội mới đây, nhiều ý kiến cho rằng, thành phố cần điều chỉnh một số nội dung trong chính sách cho phù hợp với điều kiện thực tế. Theo Giám đốc Công ty TNHH MTV Chăn nuôi Việt Hưng Nguyễn Đức Cử, trên địa bàn thành phố hiện chưa có bất kỳ doanh nghiệp nào đầu tư vào lĩnh vực sản xuất giống, trong khi trên thực tế, sản xuất giống quyết định đến 40% năng suất và chất lượng của sản phẩm. Bên cạnh đó, đầu tư cho nông nghiệp ứng dụng CNC đòi hỏi nguồn vốn lớn và mặt bằng (đất đai) để xây dựng trang trại, cho nên thành phố cần hỗ trợ đầu tư 100% về mặt bằng và hạ tầng để thu hút doanh nghiệp tham gia. Cùng ý kiến như trên, Giám đốc Công ty TNHH MTV Giống gia súc Hà Nội Bùi Đình Phong bổ sung thêm, các chính sách khuyến khích cần tập trung vào mở rộng đối tượng hỗ trợ. Chẳng hạn như nếu chủ trang trại ứng dụng CNC nhưng trang trại không nằm trong vùng/khu nông nghiệp ứng dụng CNC thì có được hỗ trợ hay không?Trong đó, vấn đề tiêu thụ sản phẩm được nhiều đại biểu quan tâm. Vì vậy, cùng với việc hỗ trợ cho nông dân, chủ cơ sở sản xuất, doanh nghiệp đầu tư, các chính sách phải được cụ thể hóa bằng những đề án để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Ngoài ra, để nông nghiệp ứng dụng CNC đạt năng suất, chất lượng và có lợi thế cạnh tranh, chính sách cần có định hướng hỗ trợ theo chuỗi sản xuất - tiêu thụ.
(Nguồn: nhandan.com.vn)