Ào ạt trồng cây ăn quả tại Gia Lai
Sau những tháng nắng hạn lịch sử, nhiều doanh nghiệp đang lựa chọn Gia Lai để đầu tư vùng nguyên liệu cây ăn quả và xây dựng nhà máy chế biến. Diện tích chanh dây do Nafoods (NAF) đầu tư lên đến 3.000 ha. Trong khi đó, HAGL dự kiến có hơn 684ha trồng cây ăn quả.
Năm 2025, Nafoods dự kiến phát triển vùng nguyên liệu 3.000 ha chanh dây tại Gia Lai
Những
ngày cuối tháng 5/2016, UBND tỉnh Gia Lai bận rộn hơn với các chỉ đạo
liên quan đến các dự án trồng cây ăn quả của tỉnh. Xét theo đơn xin đề
nghị của các doanh nghiệp cùng đề xuất của Sở KH&ĐT, UBND tỉnh đã
đồng ý chủ trương cho phép Nafoods Group đầu tư phát triển vùng nguyên
liệu chanh dây với diện tích khoảng 3.000 ha. Cùng với đó, Hoàng Anh Gia
Lai cũng được phép chuyển đổi từ trồng cỏ sang trồng cây ăn trái trên
tổng diện tích hơn 600ha.CTCP Hoàng Anh Gia Lai đã đề xuất xin được chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng cỏ nuôi bò sang trồng cây ăn trái và xây dựng nhà máy nước ép trái cây cũng từ giữa tháng 2/2016. Tới ngày 25/5, Tập đoàn đã được đồng ý về chủ trương chuyển đổi 195,8 ha tại xã Ia Pếch, huyện Ia Grai của Bò sữa Tây Nguyên và 488,8 ha tại các xã Lơ Pang, Kon Thụp, Đê Ar, huyện Mang Yangi của Chăn nuôi Gia Lai. Tổng cộng 684,6 ha đất này sẽ được chuyển sang trồng cây ăn trái để cung cấp cho NM chế biến các sản phẩm từ cây ăn trái của HAGL. Kế hoạch "trồng cây gì" trên khu đất này đến nay vẫn chưa được HAGL công bố.
Còn với CTCP Nafoods Group (mã NAF-HoSE), doanh nghiệp này đã gửi đơn xin đề nghị lên UBND tỉnh từ cách đây hơn nửa năm, ngày 2/12/2015. Theo đề xuất của Sở KH&ĐT cùng quyết định phê duyệt của UBND tỉnh, Nafoods sẽ được phép đầu tư phát triển vùng nguyên liệu chanh dây gắn với xây dựng nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh. Trong khoảng 3.000 ha mà Nafoods được cấp phép, sẽ có 1.300 ha sản xuất nông hộ tại các huyện: Kbang (400 ha), Mang Yang (500 ha), Chư Prông (300 ha), Đak Pơ (70 ha) và Ia Grai (30 ha). Ngoài ra, diện tích sản xuất tập trung liên kết với các doanh nghiệp trồng cao su của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam là 1.700 ha.
Nafoods Group được yêu cầu ký kết hợp đồng đầu tư, thu mua, bao tiêu nguyên liệu chanh dây trên địa bàn tỉnh theo giá thị trường (có cam kết cụ thể về bảo đảm giá thu mua để nông dân không bị thua lỗ khi hợp đồng với công ty); triển khai xây dựng nhà máy chế biến gắn với vùng nguyên liệu chanh dây trên địa bàn tỉnh. Thời gian thực hiện bắt đầu từ năm 2016. Sau 2 năm phát triển ổn định vùng nguyên liệu, Công ty tiến hành xây dựng nhà máy chế biến và đi vào hoạt động trong năm 2018.
Chanh dây đồng thời cũng là mặt hàng chủ lực của Nafoods. Doanh nghiệp này là đầu mối thu mua 60-70% sản lượng chanh dây của toàn Việt Nam. Theo chia sẻ của Nafoods, sản lượng chanh leo hiện nay mới chỉ đáp ứng khoảng 60% công suất chế biến của nhà máy tại Nghệ An của doanh nghiệp.
Tại Gia Lai, giá chanh dây những tháng đầu năm ghi nhận mức tăng đáng kể từ 10.000 đồng/kg lên 40-50.000 đồng/kg, khiến nhiều nông dân cũng chuyển sang loại cây trồng này nhưng phần lớn là tự phát. Tại cuộc họp Nhóm công tác thu hút đầu tư nông nghiệp nông thôn của Bộ NNPTNT tổ chức mới đây, Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết dự kiến sẽ quy hoạch khoảng 10.000ha để trông loại cây ăn trái này.
(Nguồn Tây Đô)