Nghịch lý tốn tỷ đô nhập máy nông nghiệp
Hằng năm, Việt Nam chi tới 18,6 tỷ USD để nhập các loại máy móc, thiết bị, trong đó có máy móc nông nghiệp. Trong khi đa số các loại máy móc đều phải nhập khẩu thì những “cánh chim đầu đàn” về cơ điện nông nghiệp lại chỉ đầu tư làm ô tô, thủy lợi.
Dù tỷ lệ cơ giới hóa nông nghiệp tăng nhưng phần lớn Việt Nam vẫn sử dụng máy nhập khẩu
Máy nội hụt hơi
Theo TS Nguyễn Quốc Việt, Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch (Bộ NN&PTNT), những năm gần đây, tỷ lệ cơ giới hoá bình quân trong các khâu làm đất, gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản nông sản đối với từng loại cây trồng ở nước ta có tiến bộ. Năm 2013, với cây lúa, khâu làm đất có tỷ lệ cơ giới hóa đạt tới 90%, khâu thu hoạch lúa đạt 35%. Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực có tỷ lệ cơ giới hóa cao nhất cả nước với khâu làm đất đạt gần 100%, khâu thu hoạch đạt 65%, sấy lúa chủ động đạt 45%, xay xát gạo trên 95%.
Ông Vũ Anh Tuấn, Trưởng phòng Cơ điện - Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT) cho rằng, dù tỷ lệ cơ giới hóa có tăng, nhưng trên các cánh đồng Việt Nam, phần lớn máy móc là của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… “Đây là một sự lãng phí lớn, nhưng vì trong nước nhiều loại máy móc chưa sản xuất được nên bắt buộc phải nhập khẩu”, ông Tuấn nói. Theo ông Tuấn, năm ngoái, Việt Nam chi 18,6 tỷ USD để nhập các loại máy móc, thiết bị, phụ tùng khác, trong đó có máy móc nông nghiệp.
Ông Tuấn cho biết, trong các loại máy nông nghiệp hiện nay, dù mới xuất hiện ở nước ta vài chiếc, nhưng loại máy đắt nhất là máy trồng mía 8 tỷ đồng/chiếc. Còn lại các máy phổ biến như: máy gặt đập liên hợp, làm đất, máy cấy, máy kéo… rẻ cũng ngót nghét gần trăm triệu. Với loại máy Nhật “xịn” của hãng Kobuta giá lên tới 500-600 triệu đồng/chiếc, đắt gấp đôi máy nội, máy Trung Quốc.
Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện doanh nghiệp (DN), Tư Sang (tỉnh Tiền Giang), một cơ sở sản xuất máy gặt đập liên hợp nổi tiếng ở Đồng bằng sông Cửu Long cho biết: Những năm trước, cơ sở bán được hơn 300 chiếc/năm. Tuy nhiên, gần đây, do máy của Nhật, Thái Lan, Trung Quốc… nhập về nhiều nên doanh số năm nay chỉ còn một nửa. Theo đại diện cơ sở này, dù giá bán ra là khá cạnh tranh (chỉ hơn 300 triệu đồng/chiếc), thấp hơn khá nhiều so với máy Kobuta, nhưng bán vẫn rất chậm.
Câu chuyện cơ sở sản xuất máy nông nghiệp lớn ở Tiền Giang đang thể hiện rõ tình trạng máy nội “hụt hơi” trước máy ngoại. Theo đại diện một DN chuyên nhập máy Trung Quốc về bán ở Việt Nam, về mẫu mã, máy ngoại “ăn đứt” máy nội, chất lượng máy ổn định. Trong khi máy nội chi tiết rườm rà, hỏng hóc khó kiếm phụ thùng thay thế. Với máy ngoại, khi máy có vấn đề, nông dân chỉ cần “a lô” là sẽ có đại diện của hãng đến xem, hỗ trợ.
“Ông lớn” ngó lơ sản xuất máy gặt
Ông Phạm Tuấn Anh, Phó giám đốc Cty TNHH Máy nông nghiệp Việt Trung - nhà cung cấp máy nông nghiệp có thị phần lớn ở miền Bắc cho biết, máy nội khó sống là do giá thành cao, các tính năng (làm đất, thu hoạch, sau thu hoạch) còn hạn chế, không theo kịp nhu cầu thị trường. Trong khi đó, các hãng của Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc… họ vừa ra sản phẩm mới, lại liên tiếp nâng cấp, bổ sung tính năng cho sản phẩm cũ, đánh vào nhu cầu của người sử dụng.
“Hiện, 90% máy gặt đập liên hợp ở Đồng bằng sông Cửu Long nhập ở nước ngoài. Nhiều loại máy trôi nổi, không kiểm soát được chất lượng”.TS Chu Văn Thiện, Viện trưởng Cơ điện và Công nghệ sau thu hoạch (Bộ NN&PTNT)
Là doanh nghiệp cung ứng máy nông nghiệp lớn ở miền Bắc, với doanh số bán ra tới 2.000-3.000 máy cày/tháng, nhưng theo ông Tuấn Anh, máy nội rất khó cạnh tranh với máy Trung Quốc, Nhật Bản. “Hiện nay xuất hiện nhiều loại máy cày nhập bãi từ Nhật. Đây là dòng cạnh tranh rất ác liệt đối với máy Việt Nam và Trung Quốc”, ông Tuấn Anh nói.
Theo ông Tuấn Anh, do công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam kém nên mặt hàng “mũi nhọn” của DN ông là máy cày cũng chỉ có tỷ lệ nội địa hóa khoảng 50%, máy xay xát 70-80%, còn máy gặt đập liên hợp phải nhập toàn bộ về để lắp ráp.
Nói về những “cánh chim đầu đàn” của nhà nước về máy nông nghiệp như: Tổng Cty máy động lực và máy nông nghiệp (VEAM), Tổng Cty cơ điện nông nghiệp và thủy lợi… ông Tuấn Anh cho rằng, DN mình đang ở thế “lưỡng nan”, bởi giá không cạnh tranh với máy Trung Quốc, cũng không thể sánh chất lượng bằng máy Nhật.
“Mẫu mã của ta chả sáng tạo gì nhiều, đã thế còn sao chép của Trung Quốc lại bán đắt hơn, như vậy ai người ta mua”, ông Tuấn Anh nói
(Nguồn: tienphong.vn)