Chuyển đến nội dung chính

Tái cơ cấu nông nghiệp: Thực trạng và giải pháp phát triển

Tái cơ cấu nông nghiệp: Thực trạng và giải pháp phát triển


Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020, đã được nêu rõ trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng, là: Tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững, xây dựng nông thôn mới và cải thiện đời sống của nông dân.
 

http://baodientu.chinhphu.vn/Uploaded/buithuhuong/2014_12_29/untitle_Fotor_Collage_copy.jpg?maxwidth=460
(Ảnh minh hoạ)
 
Mục tiêu tổng quan của tái cơ cấu nông nghiệp là phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững cả về kinh tế - xã hội và môi trường; chuyển mạnh từ phát triển chiều rộng, lấy số lượng làm mục tiêu phấn đấu sang nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, hiệu quả thể hiện bằng giá trị và lợi nhuận; đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước và đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Tái cơ cấu nông nghiệp với mục tiêu nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người nông dân, ổn định đất nước, nông dân hạnh phúc, thanh bình là định hướng phát triển nông nghiệp Việt Nam trong giai đoạn tới, đáp ứng nguyện vọng sâu xa, lợi ích trực tiếp của người nông dân là “chủ thể của quá trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới”.
Triển khai đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo Quyết định 899 của Thủ tướng Chính phủ, Hội Nông dân Việt Nam đã chủ động tham gia, trực tiếp thực hiện các chương trình, đề án, cụ thể hóa nội dung theo bảy phân ngành.
Thời gian qua, Hội Nông dân các cấp tham gia dạy nghề cho nông dân, trực tiếp dạy nghề làm nông nghiệp cho gần 920 nghìn lượt nông dân; trong đó, hơn 863 nghìn người có việc làm và tìm được việc làm mới, có thu nhập ổn định hoặc cao hơn so với trước khi được đào tạo nghề.
Tuy nhiên, kết quả thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp mới chỉ là bước đầu, chưa tạo được bước chuyển rõ rệt, tăng trưởng nông nghiệp chưa bền vững, tốc độ chậm dần và quý I-2016 giảm. Công tác triển khai, tổ chức thực hiện chưa đồng bộ, chất lượng thấp. Hoạt động hợp tác xã (HTX) còn nhiều lúng túng trong chuyển đổi và trong thực hiện Luật HTX năm 2012. Trong lĩnh vực nông nghiệp còn vắng bóng các doanh nghiệp; kinh tế hộ nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ trọng cao và bộc lộ những hạn chế, yếu kém, cản trở quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH - HĐH) nông nghiệp, nông thôn. Năng suất, chất lượng một số nông sản thấp, chi phí cao, khả năng cạnh tranh thấp. Việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng phân bón, thức ăn chăn nuôi, tình trạng buôn bán vật tư giả, chất lượng kém, lạm dụng hóa chất, sử dụng chất cấm trong sản xuất diễn biến phức tạp. Việc làm, thu nhập và đời sống của người nông dân còn khó khăn, nhất là nông dân ven biển miền trung, nông dân vùng sâu, vùng xa, tỷ lệ hộ nghèo cao...
Qua ba năm thực hiện mô hình tăng trưởng và phát triển bền vững, từ thực tiễn, rút ra những vấn đề tổng quát, đó là: Về sản xuất nông nghiệp, có hai mâu thuẫn lớn: Sản xuất nhỏ - Thị trường lớn; Đầu tư thấp - Rủi ro cao. Với người nông dân, hộ sản xuất nhỏ có năm khó khăn, khó vượt qua như: vốn, khoa học kỹ thuật và công nghệ, thị trường, thương hiệu nông sản và môi trường. Với nông thôn, có sáu điểm nghẽn: đất đai, chất lượng nguồn nhân lực, hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch, liên kết vùng và doanh nghiệp nông nghiệp, nông thôn.
Tái cơ cấu nông nghiệp là một hợp phần của tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân; do vậy, sự lãnh đạo của Đảng là xuyên suốt quá trình, Nhà nước có cơ chế đồng quản lý, điều hành linh hoạt, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và cộng đồng. Nông dân và doanh nghiệp trực tiếp đầu tư đổi mới quy trình sản xuất, công nghệ và thiết bị để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đồng thời sử dụng tài nguyên một cách có hiệu quả. Với đích đến đó, Hội Nông dân Việt Nam đề xuất cơ chế, chính sách và giải pháp sau:
Một là, tích tụ đất đai cho nông nghiệp phát triển toàn diện. Tích tụ ruộng đất cho phát triển nông nghiệp là tất yếu khách quan. Tích tụ tư liệu sản xuất là biểu hiện bằng hiện vật của tích tụ vốn. Ruộng đất là tư liệu sản xuất chủ yếu của nông nghiệp, nên tích tụ là phá thế manh mún, là điều kiện quyết định mở rộng sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng của nông sản, tạo điều kiện cho đầu tư, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ và tổ chức sản xuất. Tận dụng lợi thế quy mô, xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn sản xuất với chế biến và thị trường. Điều đó có nghĩa là, quy mô kinh tế lớn sẽ tạo nên cách quản lý thống nhất, làm tăng khả năng cạnh tranh nông sản, đạt đích tăng thu nhập cho nông dân. Tích tụ nhưng nông dân vẫn là chủ thể.
Hai là, chuyển đổi phương thức sản xuất kinh tế hộ sang kinh tế liên kết, hợp tác. Mô hình kinh tế hộ đã đạt đến ngưỡng và trở nên trì trệ trong hội nhập; do vậy, cần chuyển đổi sang sản xuất hàng hóa, tham gia vào thị trường và chuỗi giá trị toàn cầu. Đặc điểm sinh học của sản xuất nông nghiệp đòi hỏi phải kiểm soát chặt chẽ, tới tận thửa ruộng, ao, chuồng... thì mới đạt năng suất, hiệu quả cao. Muốn đạt được điều đó, điều kiện “cần” là kiến thức, kỹ năng, thái độ của người sản xuất. Người sản xuất phải được dạy nghề làm nông nghiệp bài bản, thực chất để nâng cao năng suất lao động. Điều kiện “đủ” là quản lý phải phù hợp quá trình đi lên sản xuất hàng hóa lớn. Chính sách vĩ mô là tạo điều kiện, hỗ trợ các trang trại sản xuất hàng hóa, đồng thời tái lập các trang trại gia đình trong HTX nông nghiệp và doanh nghiệp là hạt nhân “liên kết bốn nhà” trong quá trình CNH - HĐH nông nghiệp, nông thôn và hội nhập.
Ba là, điều chỉnh cơ cấu đầu tư công, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Cụ thể, trong lĩnh vực thủy sản, tăng đầu tư cơ sở hạ tầng cho nuôi trồng thủy sản tập trung, phát triển bộ giống thủy sản chất lượng, hệ thống cảnh báo và giám sát môi trường, hệ thống quản lý dịch bệnh và thú y thủy sản. Tiếp tục đầu tư các dự án cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão, thông tin hỗ trợ đánh bắt xa bờ, hỗ trợ phương thức phối hợp quản lý nguồn lợi với nuôi trồng và đánh bắt thủy sản gần bờ. Hỗ trợ đầu tư hiện đại hóa tàu cá khai thác xa bờ, bảo quản, chế biến, giảm tổn thất sau thu hoạch, an toàn thực phẩm và cải thiện đời sống ngư dân bãi ngang và hộ sản xuất nhỏ.
Trong lĩnh vực nông nghiệp: Ưu tiên các chương trình, dự án đầu tư phát triển giống cây, con năng suất, chất lượng cao và khả năng chống chịu với sâu bệnh, biến đổi khí hậu. Đầu tư các dự án giám sát, phòng ngừa và kiểm soát sâu bệnh, dịch bệnh, hỗ trợ đầu tư bảo quản, chế biến, giảm tổn thất sau thu hoạch và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong lĩnh vực lâm nghiệp: Ưu tiên đầu tư phát triển các giống cây lâm nghiệp phục vụ tái trồng rừng kinh tế, hợp tác chặt chẽ với các công ty giống tư nhân nhằm nhân rộng và phát triển hệ thống cung cấp giống, đầu tư nâng cao năng lực kiểm lâm, phòng cháy, chữa cháy rừng; đầu tư phát triển mô hình quản lý lâm nghiệp cộng đồng và phát triển dịch vụ môi trường rừng.
Trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, đào tạo và phát triển thị trường: Ưu tiên đầu tư cho các viện nghiên cứu, các cơ sở đào tạo nhân lực, hình thành các cụm nghiên cứu - đào tạo - sản xuất công nghệ cao theo vùng sinh thái. Đầu tư cho công tác giống, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực cho hệ thống thông tin kết nối thị trường trong nước và thế giới; hỗ trợ tiếp thị, quảng bá, phát triển thị trường và chuyển giao công nghệ.
Trong lĩnh vực thủy lợi: Đầu tư thủy lợi theo hướng đa năng phục vụ nuôi trồng thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi, cung cấp nước cho dân sinh. Ưu tiên đầu tư thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản, các dự án, công trình thủy lợi đầu mối và hỗ trợ các phương pháp tiết kiệm nước ở khu vực miền trung, Tây Nguyên và miền núi phía bắc.
Nhà nước tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng hỗ trợ cho phát triển các cụm nông nghiệp - công nghiệp, có chính sách khuyến khích đầu tư vào các vùng kém phát triển. Đầu tư tư nhân đóng vai trò chính để hiện đại hóa chuỗi cung ứng nông, lâm, thủy sản phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ trong nước.
Bốn là, thiết lập thị trường tiêu thụ, tăng cường năng lực và tạo động lực cho việc quản lý chất lượng và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Thị trường là động lực chính để cải tiến chất lượng. Học thuyết kinh tế của các nhà kinh điển và C.Mác đã phát biểu: Nhu cầu không còn thì sản phẩm mất đi, hoặc sản phẩm hỏng không còn thỏa mãn nhu cầu thì không phải là sản phẩm kinh tế. Lưu thông là gốc tạo ra của cải vật chất. Nhà nước đóng vai trò bà đỡ, hỗ trợ tiêu thụ nông sản, nhất là cần ban hành quy chuẩn quốc gia đối với các nông sản chủ lực; quy chuẩn giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y và vật tư nông nghiệp. Hỗ trợ các sáng kiến về nâng cao chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, sử dụng chỉ dẫn địa lý và xây dựng thương hiệu nông sản, đồng thời với việc bảo tồn, khôi phục các nguồn gien quý hiếm của cây trồng, vật nuôi... coi đó là tài sản quốc gia, với phương thức: Nhà nước là chủ dự án, nông dân là đối tượng hợp đồng có điều kiện.
Năm là, liên kết vùng và nâng cao năng lực quản lý rủi ro. Hội Nông dân Việt Nam đồng thuận với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn 10 nông sản chủ lực, có thế mạnh, với ba cấp độ: quốc gia, vùng miền và địa phương, tiêu thụ ở ba thị trường: tại chỗ, vùng miền và xuất khẩu. Để đạt được điều đó, vấn đề liên kết vùng cần được: Phân bổ lại lực lượng sản xuất trên toàn vùng, không dựa vào quy mô hành chính của tỉnh để tránh trùng lắp, cạnh tranh lẫn nhau làm giảm nguồn lực. Liên kết hệ thống cảng, giao thông bộ, kết nối giao thông với các khu công nghiệp, lao động kỹ thuật cao. Mặt khác, liên kết nhân lực, chuyển từ lao động giản đơn, lao động gia công sang lao động có kỹ thuật cao. Hơn nữa, liên kết bảo vệ môi trường của toàn vùng để tránh sự phát triển địa phương này làm ô nhiễm, tổn hại môi trường sang địa phương khác.
Nâng cao năng lực của nông dân và các thành phần kinh tế nông thôn khác trong việc quản lý, ứng phó rủi ro liên quan đến thời tiết, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và rủi ro về thị trường. Cải thiện hệ thống dự báo thời tiết, hệ thống cảnh báo sớm và gắn kết hệ thống này với dịch vụ tư vấn nông nghiệp.
Với quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị, chúng ta đang tích cực sửa chữa “bệnh thành tích”. Song, để tái cơ cấu nông nghiệp thành công thì cần các giải pháp mạnh, thiết thực, đôi khi cần phải mạnh tay bứt phá, cải cách có điều kiện để đến đích: tạo môi trường cạnh tranh sản xuất, kinh doanh lành mạnh, sòng phẳng giữa các thành phần kinh tế, kích thích sản xuất, tăng năng suất lao động, tăng GDP và giảm tới mức thấp nhất cơ chế xin cho - mảnh đất màu mỡ của lợi ích nhóm và tham nhũng. Tạo niềm tin “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để thắt chặt mối quan hệ giữa người sản xuất và người tiêu dùng, đó là những yếu tố cần thiết để tái cơ cấu nông nghiệp thành công.  
Nguồn Tây Đô

Bài đăng phổ biến từ blog này

Cách trồng và chăm sóc cây lá lốt trong chậu

Cách trồng và chăm sóc cây lá lốt trong chậu Xuất hiện trong nhiều món ăn quen thuộc và có nhiều tác dụng khác nhau nên lá lốt được trồng ở khắp nơi. Người dân chỉ cần chú ý theo một số kỹ thuật trồng cây dưới đây là có thể tự cung cấp rau cho gia đình. Cây lá lốt có tên khoa học là Piper lolot, thuộc họ  hồ tiêu  (Piperaceae) và có  kỹ thuật trồng cây  rất đơn giản. Lá lốt là loại rau quen thuộc và được dùng phổ biến trong các bữa ăn. Lá lốt thường được sử dụng ăn sống như các loại rau thơm hoặc làm rau gia vị khi nấu canh. Ngoài là rau ăn lá, lá lốt còn là vị thuốc chữa nhiều bệnh, khi dùng có thể dùng tươi, phơi hay sấy khô. Lá lốt có kỹ thuật trồng cây không quá khó Đây là loài cây thảo sống nhiều năm, thân có rãnh dọc. Lá đơn nguyên, mọc so le, hình tim, có màu xanh đậm, mặt lá bóng. Hoa mọc từ nách lá, cụm hoa bông, hoa đực và hoa cái khác gốc. Quả mọng chứa một hạt. Cây thường mọc hoang trong rừng, nơi ẩm ướt dọc các bãi cát ven suối và phổ biến ở Việt Nam, Trung Quốc

Tích cực phòng trừ đạo ôn

Tích cực phòng trừ đạo ôn Dự báo, thời gian tới bệnh đạo ôn hại lá có thể gây hại trên diện rộng. Riêng đối với những diện tích lúa trỗ sớm trong tháng 4, bệnh đạo ôn cổ bông có khả năng phát sinh. (Ánh minh hoạ)   Vụ xuân năm nay, tỉnh Tuyên Quang gieo cấy 20.169 ha lúa, đạt 104,3% kế hoạch. Hiện lúa bước vào giai đoạn đẻ nhánh rộ đến đứng cái làm đòng; tuy nhiên thời tiết diễn biến bất thường, tạo điều kiện cho sâu bệnh phát sinh gây hại rải rác trên một số giống nhiễm như BC 15, HT 1, Bắc thơm số 7, nếp... với diện tích 7 ha tại các huyện Yên Sơn, Sơn Dương, Chiêm Hóa, TP Tuyên Quang..., tỷ lệ bệnh nơi cao 3 - 5 % số lá. Dự báo, thời gian tới bệnh đạo ôn hại lá có thể gây hại trên diện rộng. Riêng đối với những diện tích lúa trỗ sớm trong tháng 4, bệnh đạo ôn cổ bông có khả năng phát sinh.   Anh Vũ Đình Tám, Trưởng trạm BVTV huyện Yên Sơn cho biết, trạm đã phân công cán bộ, bám sát cơ sở phối hợp với khuyến nông hướng dẫn bà con thực hiện bón cân đối NPK, không bón quá nhiều ho

Định hướng dài hạn nhằm thu hút vốn FDI vào nông nghiệp

Định hướng dài hạn nhằm thu hút vốn FDI vào nông nghiệp Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Lê Bá Liễu/TTXVN) Là ngành có nhiều tiềm năng và lợi thế, song dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nông, lâm, ngư nghiệp ngày càng hạn chế so với nhu cầu thu hút vốn và những kỳ vọng. Trong khi đầu tư nước ngoài của cả nước có xu hướng tăng, thì dòng vốn này vào lĩnh vực nông nghiệp lại quá nhỏ về quy mô dự án và tỷ trọng vốn đầu tư so với tổng đầu tư nước ngoài của cả nước. Điều này đang đòi hỏi ngành nông nghiệp phải có một chiến lược, định hướng dài hạn để thu hút vốn FDI. FDI trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn được đặc biệt coi trọng và được khuyến khích để bổ sung nguồn vốn cho đầu tư phát triển nông nghiệp. Với quyết tâm vực dậy nguồn vốn này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát nhấn mạnh Bộ sẽ rà soát lại cơ chế chính sách để thực sự khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp, từ đó tạo m