Quy hoạch lại vùng trồng điều
Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm 2015 cả nước có gần 292 nghìn ha điều, năng suất bình quân đạt 12,1 tạ/ha, sản lượng đạt hơn 345 nghìn tấn hạt, xuất khẩu đến 80 quốc gia và vùng lãnh thổ. Từ năm 2006 đến nay, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu nhân điều lớn nhất thế giới, chiếm 28% sản lượng sản xuất toàn cầu.
Trong tổng số 345 đơn vị xuất khẩu hiện nay có tới 73% doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu dưới 5 triệu USD/năm. Việc có quá nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đã dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh, chất lượng không đồng đều, về lâu dài bất lợi cho ngành điều Việt Nam. Hầu hết các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu chưa tổ chức, đầu tư xây dựng được vùng nguyên liệu, chưa ký kết hợp đồng thu mua sản phẩm để ổn định nguyên liệu có chất lượng mà chủ yếu thu mua qua trung gian, ảnh hưởng đến giá thu mua từ người sản xuất.
Để ngành điều phát triển bền vững các ngành chức năng cần tiến hành rà soát, điều chỉnh quy hoạch vùng trồng điều. Hình thành vùng trồng trọng điểm, tập trung đầu tư thâm canh, hướng tới xây dựng vườn điều lớn; đầu tư xây dựng giao thông, thủy lợi, mạng lưới thu mua, chế biến. Phân loại các vườn điều, diện tích nào có đủ điều kiện thì tập trung thâm canh, tăng năng suất. Hiện nay cây điều đang được nhiều nông dân quan tâm do chi phí đầu tư thấp, ít tốn lao động, hiệu quả kinh tế cao so với một số cây trồng khác, tuy nhiên khi tái canh, trồng mới cần đặc biệt quan tâm đến giống. Giống tốt đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả vườn điều sau này, vì vậy phải sử dụng giống mới có nguồn gốc rõ ràng, bảo đảm chất lượng. Nghiên cứu chọn tạo và đưa vào sản xuất giống điều phù hợp với từng vùng sinh thái, chống chịu một số sâu bệnh chủ yếu và thích nghi với sự biến đổi khí hậu; xây dựng vườn đầu dòng, vườn nhân giống gốc. Đồng thời, quy hoạch, sắp xếp lại các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu điều theo hướng giảm đầu mối, hình thành các cơ sở chế biến lớn, thiết bị và công nghệ hiện đại. Khuyến cáo không thành lập mới cơ sở chế biến và không tăng công suất chế biến hạt điều khi thị trường cung cấp hạt điều nguyên liệu trong nước còn chưa phát triển vượt công suất chế biến.
(Nguồn Tây Đô)