Bạc Liêu mở rộng mô hình lúa - tôm
Theo ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu, những ngày qua, lượng mưa trên địa bàn tương đối ổn định, thuận lợi cho bà con vệ sinh đồng ruộng, rửa mặn, tháo phèn, góp phần đẩy nhanh tiến độ xuống giống vụ lúa trên đất nuôi tôm. Dự kiến, vụ lúa - tôm năm nay Bạc Liêu gieo cấy đạt 40.000 ha, tăng khoảng 10.000 ha so với năm trước. Tính đến thời điểm này, nông dân trong tỉnh đã xuống giống khoảng 30.000 ha, diện tích còn lại sẽ được gieo cấy trong tháng 10. Tuy nhiên, một số địa phương lần đầu mở rộng sản xuất, áp dụng mô hình này đang gặp khó do điều kiện kênh mương thủy lợi - thủy nông nội đồng, lựa chọn giống lúa, hạn chế về kỹ thuật..., làm ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất.
Ngành nông nghiệp đang phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, nhằm giúp nhà nông sản xuất đạt hiệu quả. Cùng với việc đầu tư cơ sở hạ tầng, khoa học kỹ thuật, ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân lựa chọn giống lúa chịu mặn, kháng sâu rầy; ưu tiên các loại giống lúa Một bụi đỏ, OM 5451, OM 2017, HS 182...
Ảnh minh họa |
Ông Lương Ngọc Lân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu cho biết, mô hình lúa - tôm lâu nay đã được áp dụng đại trà trong dân, nhất là từ khi Bạc Liêu thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu sản xuất. Cụ thể, áp dụng mô hình luân canh lúa - tôm, nghĩa là mùa khô, nước ngoài sông rạch mặn thì lấy vào nuôi tôm, đến khi mưa xuống, nước ngọt từ thượng nguồn tràn về đẩy nước lợ ra biển thì nông dân lấy nước ngọt vào trồng lúa. Mô hình này chỉ sản xuất được 1 vụ lúa/năm, riêng con tôm sống cả nước mặn lẫn nước lợ.
Vụ lúa trên đất nuôi tôm cho năng suất trung bình từ 4,5 - 6 tấn/ha, đặc biệt đây là lúa sạch, không sử dụng thuốc hóa học. Lợi nhuận từ mô hình lúa - tôm dao động 50 - 100 triệu đồng/ha, cao gấp 3 lần so với độc canh con tôm hoặc cây lúa. Mô hình lúa - tôm đã manh nha từ nhiều năm trước nhưng sau đó bị lãng quên do người dân sử dụng giống lúa chất lượng kém, dễ sâu bệnh, năng suất thấp và nhất là hiệu quả kinh tế không cao, trong khi nuôi tôm được coi là nghề “siêu lợi nhuận”. Sau một thời “hoàng kim”, con tôm sú bị dịch bệnh tấn công, người dân lại dần chuyển sang áp dụng mô hình lúa - tôm và thu được hiệu quả kinh tế tốt hơn mà không ảnh hưởng đến môi trường, mang tính bền vững.