Người Tây Nguyên khánh kiệt trong đại hạn lịch sử
Hàng loạt vườn tiêu, cà phê ở Tây Nguyên chết khô sau nhiều tháng không đủ nước tưới khiến người dân phải chặt bỏ "dù đứt từng khúc ruột".
Những
ngày đầu tháng 4, trên rẫy tiêu, cà phê ở các khu vực tâm hạn của Tây
Nguyên - được đánh giá là nghiêm trọng nhất 20 năm qua - người dân đã
buông xuôi mặc khối tài sản cả trăm triệu đồng chết khô vì không có nước
tưới. Nhiều hộ quyết định nhổ cọc tiêu, chặt cà phê chuyển sang trồng
các loại cây ngắn ngày, chịu hạn như bắp, cỏ cho bò.
Những trụ tiêu được người dân Tây Nguyên nhổ bỏ vì không chịu nổi hạn hán. Ảnh: Duy Trần
|
Thẫn
thờ nhìn rẫy tiêu hơn 1,2 ha (từng thu hơn 250 triệu đồng hồi năm ngoái -
đang héo dần), ông Võ Lâm Ba (huyện Chư Pưh, Gia Lai) - nơi hạn hán
nghiêm trọng nhất Tây Nguyên - cho biết đang nhổ bỏ dần các cọc tiêu.
Diện tích mới sẽ được ông chia ra trồng bắp và cỏ để nuôi đàn bò 4 con.
"Khô
hạn quá rồi, người có lúc phải xin nước uống lấy chi để tưới cây. Đến
đàn bò cũng phải dùng nước rửa rau, sinh hoạt cho nó uống nữa. Mình chặt
tiếc lắm, đứt từng khúc ruột, nhưng không biết làm sao vì để đó cũng
hỏng hết", ông Ba thở dài.
Lão
nông nói rằng việc trồng các loại cây ngắn ngày chỉ là giải pháp trước
mắt bởi cây tiêu là sinh kế giúp gia đình ông và hàng chục nghìn người
Tây Nguyên đổi đời nhiều năm nay. Chờ đến mùa mưa, nếu đủ nước ông sẽ
trồng trở lại.
Tương
tự, hàng loạt gia đình trồng tiêu ở khu vực “rốn” hạn Chư Pứh đều rơi
vào cảnh khốn đốn vì thiếu nước. Theo nông dân Lê Văn Phương, do tiêu có
giá trị cao, cần ít nước hơn cà phê nên người dân vẫn ra sức cứu. Nhà
nào giếng may mắn còn nước có thể tưới được một giờ mỗi ngày nhưng đa số
vườn tiên đều trong tình trạng chuẩn bị nhổ trụ bán lấy tiền ăn chống
đói.
"Không
có nước tưới thì cây chết, chẳng lẽ mua nước bình về tưới. Tôi trông
ngày, canh đêm chờ nước nhưng không có. Không những mất trắng mùa này,
nếu nhổ trụ bỏ vườn rồi trồng lại phải 3 năm nữa mới thu", anh Phương
nói.
Để tìm
nước tưới, nhiều nông dân ở Gia Lai sau khi đào giếng sâu 30-40 mét lại
thuê thợ khoan tiếp từ đáy giếng xuống sâu hàng chục mét nữa. Người dân
đang làm mọi cách để tránh vụ mùa mất trắng.
Hiện,
giá tiêu dao động 130-140 triệu đồng một tấn, thấp hơn 70-80 triệu so
với năm 2015. Với việc hạn hán nặng ở Tây Nguyên, tiêu thiếu nước tưới
nên năng suất thấp. Người nông dân mất mùa lại mất giá một phần dẫn đến
việc phá bỏ tiêu.
Những gốc cà phê bị chặt bỏ ở Gia Lai. Ảnh: Duy Trần
|
Cây tiêu cần ít nước còn hi vọng cứu, đối với những rẫy cà phê cháy lá ở Tây Nguyên thì người chủ đã bỏ cuộc.
Một gốc cà phê cần 400-700 lít nước một lần tưới, nguyên mùa khô cần
4-6 lần tưới nhưng nhiều vườn từ đầu năm đến nay mới chỉ tưới 1-2 lần.
Tại những vùng tâm hạn, có vườn còn chưa được tưới lần nào.
Vườn cà
phê chết cháy nên bà Nguyễn Thị Nga chặt bỏ hết. Diện tích vừa chặt bà
sử dụng để trồng bắp hoặc chờ mưa xuống trồng tiêu cần ít nước hơn. "Để
cả vườn chết cháy nhìn não ruột nên tôi bảo con ra chặt đi. Không chỉ
tôi mà cả vùng này đều thế, cà phê không nước coi như bỏ", bà Nga rầu
rĩ.
Theo
báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), hơn
3.000 ha cà phê, 2.200 ha tiêu ở Tây Nguyên đã mất trắng. Con số này sẽ
tiếp tục tăng khi đỉnh điểm khô hạn sẽ diễn ra trong tháng 4 và kéo dài
đến tháng 6.
Tổng
diện tích cây trồng thiếu nước tưới toàn Tây Nguyên hiện ở mức 160.000
ha, đối diện với nguy cơ mất trắng nếu không có lượng nước bổ cập. Mỗi
tỉnh ở khu vực này thiệt hại không dưới 100 tỷ đồng.
Riêng
tỉnh Gia Lai thiệt hại nặng nhất khi nhiều cây trồng đang "hóa củi".
Hàng loạt cây cà phê đã đậu trái trong đợt ra hoa trước Tết đang khô và
rụng dần. Thiệt hại ước tính trên 150 tỷ đồng. Tỉnh này điều hàng chục
xe chống hạn do lực lượng quân đội chỉ huy đến các vùng khô hạn để tiếp
nước sinh hoạt và bơm tạm cứu cà phê, tiêu.
Chính quyền các tỉnh Tây Nguyên điều xe chống hạn tiếp nước cứu dân. Ảnh: Duy Trần
|
Hiện,
hàng trăm hồ chứa ở các tỉnh Tây Nguyên kiệt nước, nhiều hồ trơ đáy, các
con suối, sông nhỏ cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Ngoài việc tiếp
nước, dân Tây Nguyên mong trận mưa lớn để giải "cơn khát" kéo dài hơn 3
tháng nay.
Nhận
định về tình hình khô hạn tại Tây Nguyên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT
Hoàng Văn Thắng cho rằng, đây là đợt El Nino kéo dài nhất trong lịch sử
quan trắc nước ta. Điều này khiến nhiệt độ tăng cao, lượng mưa ít gây
thiếu nước nghiêm trọng, đe dọa đến sản xuất và đời sống của người dân
"Mùa
khô năm nay sẽ hạn gay gắt, khốc liệt nhất trong lịch sử Tây Nguyên",
ông Trần Trung Thành - Phó giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Tây Nguyên
nói.
Mới
đây, phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến Tây Nguyên thị sát, ông đã chỉ
đạo chi ngay 300 tỷ xây một con đập ở Gia Lai, đề nghị thủy điện xả nước
gấp cứu các nhà vườn.
(Tin Tây Đô)