Đà Lạt có hơn 800ha cà phê bị sâu tàn phá
Khoảng 810ha cà phê tại ba xã Xuân Trường, Trạm Hành và Tà Nung, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng đang bị sâu đục thân mình trắng tàn phá.
Một thân cây cà phê bị sâu đục thân mình trắng tấn công. Thân cây bị sần sùi và có những vết đục kéo dài - Ảnh: Lâm Thiên. |
Thông tin từ Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh Lâm Đồng, khoảng 810ha cà phê tại ba xã Xuân Trường, Trạm Hành và Tà Nung, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng đang bị sâu đục thân mình trắng (có tên khoa học Xylotrechus quadripes thuộc họ xén tóc: Cerambycidae, bộ cánh cứng: Coleoptera) tàn phá dữ dội.
Cụ thể tại thôn 6, xã bị sâu đục thân mình trắng phá hại nhiều nhất tỉ lệ cà phê hư hại từ 40-60% diện tích, mật độ sâu 1,5-3 con/cây. Có cây lên đến 12 con. Hiện tại do không có thuốc đặc trị nên nhiều hộ nông dân bỏ luôn vườn cà phê mặc cho sâu phá hại.
Theo anh Nguyễn Thành Anh (43 tuổi, ngụ tại thôn 6, xã Tà Nung, TP Đà Lạt), sâu đục thân thường xuất hiện sau tết và phát triển mạnh vào tháng 3 khi hạn hán kéo dài, cây thiếu dinh dưỡng và sức đề kháng kém. Các cây bị sâu đục thân thường có biểu hiện vỏ sần sùi, lá vàng và bị xoăn, cành khô héo và rụng trụi lá.
“Khi phát hiện sâu, mình phun thuốc thì sâu lại đục vào trong lõi, ăn từ gốc lên ngọn, từ trong ra ngoài, không cách gì trị được”, anh Nguyễn Thành Anh chia sẻ.
Theo ông Lại Thế Hưng, chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh Lâm Đồng, hiện tại chi cục đã cấp thuốc trị sâu cho xã Xuân Trường. Thời gian sắp tới chi cục sẽ tiến hành điều tra, nghiên cứu quá trình vũ hóa đồng loạt của sâu tại xã Tà Nung để phát thuốc cho nông dân.
Ông Hưng khuyến cáo người dân tăng cường trồng cây che bóng (muồng hoa vàng, cây hồng, mắc ca…) trên các diện tích cà phê chè nhằm điều hòa tiểu khí hậu trong vườn, làm giảm cường độ ánh sáng.
Tỉa cành, tạo tán cho cây có một hình thù cân đối, hạn chế sự tấn công và gây hại của sâu đục thân. Chăm sóc, bón phân đầy đủ, cân đối để cây phát triển tốt, tăng sức đề kháng với các loại sâu bệnh hại.
Sâu đục thân gây hại chủ yếu trên cây cà phê chè, phát triển và gây hại quanh năm nhưng có hai đợt chính là vào tháng 4, 5 và tháng 10, 11.
Sâu đục thân mình trắng thường bám vào thân cây cà phê, sau đó đục vào sâu bên trong thân cây làm thân bị mục sau đó rụng lá và chết.
(Nguồn: Tây Đô)