Chuyển đến nội dung chính

Mắc ca chết yểu, sachi “lên hương”

Mắc ca chết yểu, sachi “lên hương”


Trong khi “hoàng hậu của các loại hạt” mắc ca đang ngắc ngoải thì “vua hạt” sachi đã xuất hiện ở Việt Nam, được quảng bá còn triển vọng hơn cả “cây tỉ đô”!

Đầu năm 2015, gia đình ông Dương Quốc Huy (ngụ xã Đông Sơn, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình) được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh và Công ty CP Sachi Vina mời tham gia mô hình trồng sachi. Ngoài giống cây, ông còn được cán bộ Học viện Nông nghiệp Việt Nam tư vấn, giúp đỡ về kỹ thuật.
 

“Siêu thực phẩm mới”
Ông Dương Quốc Huy là một trong những hộ nông dân đầu tiên trồng thử nghiệm cây sachi ở Việt Nam. Loài cây này đang được trồng thí điểm tại một số tỉnh như Ninh Bình, Hòa Bình, Sơn La, Đắk Lắk…
Cây sachi (hay sacha inchi, peanut inca, inca inchi) là loài thực vật họ thầu dầu xuất xứ từ Nam Mỹ. Về Việt Nam, sachi được quảng bá là “vua của các loại hạt”, “siêu thực phẩm mới”, “dầu ăn tốt nhất thế giới”…; rằng với tổng mức đầu tư ban đầu chừng 100-150 triệu đồng, mỗi hecta sachi có thể cho giá trị kinh tế lên tới 350 triệu đồng. Omega-3 trong sachi được cho là có đến 48%-54%, giúp phát triển và nâng cao trí tuệ, giảm cholesterol, điều hòa huyết áp, cân bằng tế bào thần kinh, giảm các nguy cơ đột tử do bệnh tim mạch gây nên…
 
Vườn cây sachi trồng tại trang trại của ông Dương Quốc Huy ở xã Đông Sơn, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình Ảnh: Tuấn Minh
Vườn cây sachi trồng tại trang trại của ông Dương Quốc Huy ở xã Đông Sơn, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình Ảnh: Tuấn Minh
 
Theo ông Huy, gia đình ông đã trồng thử nghiệm 2.500 gốc sachi trên diện tích 2 ha tại xã Đông Sơn. Đây là vùng đất cằn cỗi, nhiều sỏi đá, thổ nhưỡng không ổn định. “Sau 7 tháng triển khai, tôi thấy cây sachi thích nghi tốt với khí hậu lạnh cũng như nắng nóng kéo dài. Hiện cây phát triển tốt và đã cho thu hoạch một lượt hạt nhất định. Một số giáo sư, tiến sĩ đầu ngành về nông nghiệp đánh giá rất cao chất lượng hạt trồng tại đây” - ông Huy kỳ vọng.
Tại trang trại của ông Huy, chúng tôi nhận thấy vườn cây sachi được trồng sát chân đồi núi đá phát triển khá tốt, nhiều cây đang ra hoa kết quả. Tuy nhiên, cũng có nhiều cây đã chết khô, gãy đổ do thân mềm. Theo ông Huy, trong đợt nắng hạn kéo dài vừa qua, do không còn nước tưới nên có một số cây chết nhưng đa phần đã chống chọi được.
“Tôi không dám khẳng định hiệu quả đến đâu vì đang trồng thử nghiệm nhưng thấy một số nơi người ta trồng hiệu quả cao. Tôi mong cây này thành công để mở rộng diện tích vì khu vực này trước đây tôi đã thử nghiệm rất nhiều cây nhưng không mang lại hiệu quả” - ông Huy thổ lộ.
Khi chúng tôi nêu thực tế về việc mắc ca trồng đại trà tại nhiều địa phương đang chết yểu, ông Huy cho rằng “cây tỉ đô” 4-5 năm mới cho quả, thời gian đầu tư chăm sóc lâu nên rủi ro cao. Trong khi đó, cây sachi chỉ trồng khoảng 5-7 tháng là ra quả và cây quanh năm có hoa, cho thu hoạch nên ông cũng yên tâm phần nào.
Theo ông Phạm Đình Cư, Chủ tịch UBND xã Đông Sơn, mô hình trồng sachi đã được triển khai tại xã từ đầu năm 2015 và chỉ duy nhất hộ ông Huy trồng loại cây này. “Đây là loài cây mới nên địa phương cũng không rõ hiệu quả của nó như thế nào” - ông Cư băn khoăn.
 

Không nên vội vã trồng
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, PGS-TS Nguyễn Thị Phương Thảo - Trưởng Khoa Công nghệ Sinh học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam - cho biết cây sachi được trồng khảo nghiệm ở nước ta từ tháng 4-2014, đến nay đã cho thu hoạch và phát triển tốt. Mô hình trồng sachi được Công ty CP Sachi Vina kết hợp với các nhà khoa học của Khoa Công nghệ Sinh học và Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng quốc gia thực hiện.
Theo bà Thảo, sachi trồng khảo nghiệm có tỉ lệ sống trên 95%. Cây bắt đầu ra hoa sau khi trồng 3-5 tháng và sau 6-8 tháng đã cho thu hoạch quả. Sachi đang được các nhà khoa học khảo nghiệm ở nhiều vùng khác nhau tại Việt Nam. “Bước đầu khảo nghiệm chứng tỏ loại cây này khá hợp với nước ta” - bà khẳng định.
Dù sachi được đánh giá có giá trị kinh tế cao, bước đầu khảo nghiệm đạt kết quả khả quan nhưng PGS-TS Thảo khuyến cáo nông dân không nên tự phát trồng với mục đích phát triển kinh tế. “Để chắc chắn, phải chờ kết quả khảo nghiệm của doanh nghiệp, sau đó Bộ NN-PTNT kết luận công nhận kết quả này và công bố thông tin, doanh nghiệp có kế hoạch sản xuất, chế biến, tiêu thụ thì mới nên tham gia trồng sachi rộng rãi nhằm tránh rủi ro” - bà lưu ý.
Theo PGS-TS Thảo, phải hết sức cẩn trọng, làm bài bản, khoa học vì sachi là loại cây trồng mới. “Bài học về cây mắc ca mà nhiều nơi phát triển một cách tự phát cần được lưu ý. Chúng tôi mới khảo nghiệm được năm thứ nhất, có thể 1-2 năm đầu sachi phát triển tốt nhưng biết đâu năm thứ ba sẽ bị sâu bệnh hay diễn biến bất thường nào đó. Vì vậy, phải tiếp tục khảo nghiệm để có đủ thông tin đánh giá một cách khoa học nhất” - bà nhìn nhận.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Trí Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho rằng đánh giá tính hiệu quả hay không của một loại cây trồng, nhất là cây trồng mới, là rất khó, cần phải có thời gian để chứng minh. Ông Ngọc cho biết sachi ở Peru đã sản xuất với quy mô hàng hóa rất tốt và hiệu quả. Tuy nhiên, nông dân Việt Nam không nên vội vàng tự phát trồng cây này khi chưa có khuyến cáo của cơ quan quản lý nhà nước cũng như các nhà khoa học.
“Nếu để nông dân tự trồng ồ ạt thì đây là điều cực kỳ nguy hiểm vì có thể họ sẽ phải gánh chịu những thiệt hại nặng nề về mặt kinh tế. Làm khảo nghiệm, thí điểm phải để cho doanh nghiệp và các nhà khoa học tiến hành, sau khi thành công thì nông dân mới nên trồng” - ông Ngọc thận trọng.
Theo ông Ngọc, điều quan trọng nhất là cây sachi phải được nghiên cứu, khảo nghiệm, đánh giá những mặt tích cực, hạn chế trong điều kiện cụ thể của Việt Nam. “Nếu chỉ nghe nói về cây đó thế nọ, thế kia là không đủ thông tin chính xác” - ông Ngọc nhấn mạnh.
 
Bài học mắc ca
Ông Trần Văn Hà, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Ninh Bình, cho biết ông mới nghe thông tin về cây sachi được trồng trên địa bàn. Theo ông, đây là loài cây mới nên dù bước đầu có thành công thì cũng phải cẩn thận vì cây mắc ca đang là một bài học. “TP Tam Điệp từng cho trồng đại trà cây dó bầu nhưng không hiệu quả vì cả chục năm mà không thấy trầm đâu, người dân đành chặt làm củi” - ông Hà cảnh báo.
Mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ra thông báo đồng ý dừng xây dựng đề án quy hoạch, phát triển cây mắc ca trên địa bàn theo đề nghị của Sở NN-PTNT. Thanh Hóa đã trồng khảo nghiệm 500 cây mắc ca trên diện tích 2 ha và đang ra quả. Tuy nhiên, vì chưa đánh giá được hiệu quả kinh tế của mắc ca so với các loại cây khác nên tỉnh không khuyến khích người dân trồng.
(Tin Tây Đô - Theo: nld.com.vn)

Bài đăng phổ biến từ blog này

Cách trồng và chăm sóc cây lá lốt trong chậu

Cách trồng và chăm sóc cây lá lốt trong chậu Xuất hiện trong nhiều món ăn quen thuộc và có nhiều tác dụng khác nhau nên lá lốt được trồng ở khắp nơi. Người dân chỉ cần chú ý theo một số kỹ thuật trồng cây dưới đây là có thể tự cung cấp rau cho gia đình. Cây lá lốt có tên khoa học là Piper lolot, thuộc họ  hồ tiêu  (Piperaceae) và có  kỹ thuật trồng cây  rất đơn giản. Lá lốt là loại rau quen thuộc và được dùng phổ biến trong các bữa ăn. Lá lốt thường được sử dụng ăn sống như các loại rau thơm hoặc làm rau gia vị khi nấu canh. Ngoài là rau ăn lá, lá lốt còn là vị thuốc chữa nhiều bệnh, khi dùng có thể dùng tươi, phơi hay sấy khô. Lá lốt có kỹ thuật trồng cây không quá khó Đây là loài cây thảo sống nhiều năm, thân có rãnh dọc. Lá đơn nguyên, mọc so le, hình tim, có màu xanh đậm, mặt lá bóng. Hoa mọc từ nách lá, cụm hoa bông, hoa đực và hoa cái khác gốc. Quả mọng chứa một hạt. Cây thường mọc hoang trong rừng, nơi ẩm ướt dọc các bãi cát ven suối và phổ biến ở Việt Nam, Trung Quốc

Những cây trồng mang lợi nhuận tỷ đô tại Việt Nam

Những cây trồng mang lợi nhuận tỷ đô tại Việt Nam Thị trường giống cây trồng Việt Nam có nhiều biến động mạnh trong suốt nhiều năm qua, đặc biệt là giống cây trồng các loại hạt được liệt vào danh sách siêu thực phẩm, cho giá trị kinh tế hàng tỷ USD. Cao lương Cây cao lương hứa hẹn mang lại lợi nhuận cao lên tới hàng tỷ USD Cây cao lương vốn không còn là loại cây xa lạ với người Việt Nam, từ những năm 70, 80 của thế kỷ trước người dân đã tròng nhiều và dung làm lương thực thay thế gạo lúc đói kém.   Sau hàng chục năm không mang lại hiệu quả gì về kinh tế thì Tập đoàn Sol Holding (Nhật Bản) đã mang giống cao lương trở lại Việt Nam với nhiều hứa hẹn hấp dẫn về giá trị kinh tế. Theo ý kiến từ công ty này, đây là giống cây siêu cao lương được các nhà khoa học Nhật Bản lai tạo đưa lại năng suất cao và đáp ứng nhiều mục đích khác nhau. Ngoài mục đích làm thức ăn chăn nuôi, chúng còn được sử dụng để chế biến viên nén sinh

Chăn nuôi nông hộ giúp gì cho nông dân?

Chăn nuôi nông hộ giúp gì cho nông dân? Nhiều hộ dân xã An Dương (Tân Yên, Bắc Giang) đầu tư phát triển chăn nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao. LTS - Tiếp tục cuộc thi viết về: "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn" do Báo Nhân Dânphối hợp Hội Nông dân Việt Nam và Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí (Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam) tổ chức, bắt đầu từ hôm nay (17-4), chúng tôi sẽ lần lượt đăng các bài gửi tham dự cuộc thi năm 2014 với chủ đề: "Tái cơ cấu nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới". Rất mong nhận được sự cộng tác của các cộng tác viên và bạn đọc. Đối với sản xuất nông nghiệp nông hộ, có thể coi ngành chăn nuôi như là "nhà máy chế biến" các sản phẩm phụ trồng trọt mà con người không ăn được (rơm cỏ, thân, lá, rễ, hạt) hoặc sản phẩm phụ có dinh dưỡng thấp (cám, bã...) để tạo ra những sản phẩm cao cấp, đó là thịt, trứng, sữa... Chính sự liên kết giữa trồng trọt và chăn nuôi đã tạo nên sức mạnh