Đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp các tỉnh phía Nam
Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp. (Ảnh: Văn Trí/TTXVN)
Sáng 29/8, tại thành phố Phan Thiết (Bình Thuận), Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tổ chức hội thảo chuyên đề “Giới thiệu các tiến bộ kỹ thuật mới và vấn đề cơ giới hóa phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp các tỉnh Phía Nam.”
Ông Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, cho biết trong những năm qua Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã phối hợp chặt chẽ với các cục, cục, viện, trường đại học và các đơn vị chuyên nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật để đưa những công trình nghiên cứu, các tiến bộ và ứng dụng mới vào sản xuất, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, lâm nghiệp... Nhiều đề án nghiên cứu chuyển giao khoa học kỹ thuật vào thực tế đã góp phần thúc đẩy gia tăng giá trị sản xuất, xuất khẩu, giải quyết việc làm, cải thiện thu nhập, đời sống của nông dân.
Hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học, quản lý, doanh nghiệp và nông dân tham gia cùng nhau thảo luận, chia sẻ thông tin để tìm ra được những phương thức, mô hình, cây, con giống thích hợp phục vụ việc nâng cao giá trị sản xuất, kinh doanh cải thiện thu nhập, đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa giúp hoạt động nông nghiệp nông thôn phát triển bền vững.
Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam, Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long, Viện Cây ăn quả miền Nam là những đơn vị đi đầu trong việc chuyển giao những tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, đã mang lại hiệu quả lớn, góp phần đáng kể trong việc tăng năng suất và chất lượng nông sản. Nổi bật là những mô hình như: việc ứng dụng giống cây trồng mới trên đất không chủ động nước vùng Duyên hải Nam Trung bộ; giống lúa mới phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp các tỉnh Phía Nam; kỹ thuật trồng cây ngắn ngày phục vụ sản xuất các tỉnh Phía Nam…
Việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh Phía Nam trong thời gian qua có bước phát triển mạnh. Nhiều loại máy móc, thiết bị đã được sử dụng thay thế lao động thủ công, giải quyết khâu lao động nặng nhọc… góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và giảm tổn thất trong nông nghiệp.
Tỉnh Bình Thuận đã áp dụng cơ giới hóa và có bước phát triển mạnh trong thời gian qua. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 103.918 máy, trong đó máy phục vụ sản xuất có 94.695 máy (máy tuốt, máy làm đất, máy gặt đập liên hợp…); máy phục vụ sau thu hoạch có 9.223 máy (máy sấy…).
Việc đẩy mạnh cơ giới hóa đã giúp người nông dân Bình Thuận tiết kiệm nhân công lao động và tăng năng suất cây trồng. Hiện nay khâu làm đất tại Bình Thuận đã cơ giới hóa 100%, chăm sóc cây trồng cũng đã cơ giới hóa 100%, trong thu hoạch đạt cơ giới hóa tới 75%...
Đại biểu từ các tỉnh Phía Nam điều cho rằng cơ giới hóa mang lại nhiều lợi ích cho người nông dân, tuy nhiên cũng vẫn còn một số khó khăn cần khắc phục như: thu nhập từ sản xuất nông nghiệp thấp, khả năng tích lũy đầu tư, mua sắm máy móc, trang thiết bị sản xuất của nông dân gặp nhiều khó khăn; giá máy móc thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp hiện nay còn cao so với mức thu nhập và lợi nhuận của người nông dân nên chưa thể đầu tư hoàn toàn bằng máy…
Bên cạnh đó, việc nghiên cứu và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật chỉ mới chú trọng đến tăng năng suất, tăng hiệu quả kinh tế các mặt hàng sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu mà chưa chú trọng nhiều đến yếu tố công nghệ, chất lượng, điều đó đã làm giảm giá trị nông sản.
(Theo Tây Đô - Nguồn VietnamPlus)