Trung Quốc trợ cấp 165 tỷ đôla cho nông nghiệp
Số liệu thống kê gần nhất cho thấy Trung Quốc là nước trợ cấp nông nghiệp nhiều nhất thế giới, dù điều này được phương Tây cho là gây tác dụng ngược.
Hơn 5
năm qua, khi lương nhân công ngành nông nghiệp tăng vọt, những người
trồng mía tại miền Nam Trung Quốc bắt đầu tìm sang Việt Nam. Theo The Economist,
những người này thuê lao động với giá chỉ bằng một phần tư trong nước
để trông nom đồng ruộng, đặc biệt trong vụ thu hoạch. Những lao động này
nhập cư trái phép, nhưng chính quyền địa phương cũng lờ đi. Mỗi năm,
khoảng 50.000 người Việt Nam tới Sùng Tả - thủ phủ đường tại tỉnh Quảng
Tây. Nhưng thời gian gần đây, khi quan hệ giữa hai nước căng thẳng,
Trung Quốc bắt đầu tìm cách giảm các lao động này.
Kể cả
không có rắc rối này, các nông dân ở Sùng Tả cũng đã gặp khó khăn khi
phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu giá rẻ. Tuy nhiên, họ cũng chỉ đang
thực hiện theo nỗ lực của Chính phủ - là đẩy mạnh ngành mía đường trong
nước. Trung Quốc đã giảm nhập khẩu đường và mua sản phẩm đắt đỏ hơn
trong nước để dự trữ.
Để
khuyến khích các nông dân đang chịu lỗ tiếp tục trồng mía, quan chức
nước này còn đang cân nhắc trợ giá trực tiếp và bắt đầu cung cấp các
khoản cho vay ưu đãi. Áp dụng các biện pháp như vậy đang là tình trạng
chung của nông nghiệp Trung Quốc. Chi phí đang tăng cao, mùa màng giảm
sút còn Chính phủ ngày càng tung nhiều hỗ trợ để nâng đỡ ngành nông
nghiệp.
Giá cả nhiều loại lương thực tại Trung Quốc cao hơn thế giới khá nhiều. Ảnh: ChinaDaily
|
Từ sau
nạn đói cuối thập niên 50 của thế kỷ trước, khiến hàng chục triệu người
chết, Trung Quốc đã sản xuất lương thực hoàn toàn cho tiêu dùng trong
nước. Với số dân bằng một phần năm cả thế giới, nước này mới sử dụng
chưa đến 10% diện tích đất có thể canh tác. Nhưng khi nhu cầu lương thực
ngày một lớn, Trung Quốc đã không còn có thể tự cung tự cấp được nữa.
Năm 2011, họ trở thành nước nhập khẩu nông sản lớn nhất thế giới, chủ
yếu là đậu tương.
Tuy
nhiên, việc Trung Quốc mở cửa cho nhập khẩu đậu tương lại khá mâu thuẫn.
Từ lâu, Chính phủ nước này đặt mục tiêu tự cung tự cấp trong lương thực
và các loại hàng hóa. Đầu tháng này, bản thảo một điều luật mới về an
ninh quốc gia cũng đã nhấn mạnh vai trò của Chính phủ trong việc đảm bảo
"an ninh lương thực" - từ thường dùng kèm với chính sách tự cung tự
cấp. Cho phép Trung Quốc trồng trọt đủ để cung cấp cho cả nước là mục
tiêu chiến lược của cố Chủ tịch Trung Quốc - Mao Trạch Đông, do ông ít
tin tưởng vào thị trường quốc tế. Một số lãnh đạo nước này ngày nay cũng
nghĩ như vậy.
Dù vậy,
duy trì tự cung tự cấp là chính sách khá đắt đỏ. Năm 2012, Trung Quốc
đã chi 165 tỷ USD hỗ trợ nông dân, gấp đôi 5 năm trước đó và gấp 3 Liên
minh châu Âu (EU), theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Việc này cũng tạo ra hiệu suất kém. Giá tối thiểu Chính phủ trả cho gạo,
ngô và lúa mì đều cao hơn trung bình thế giới rất nhiều.
Việc
này đã kìm hãm người nông dân đa dạng hóa sản phẩm canh tác để tận dụng
triệt để đất đai. Các chất hóa học được dùng để tăng sản xuất cũng làm ô
nhiễm nguồn nước. Tăng trưởng năng suất đã chậm lại từ thập niên 90, và
sản lượng cũng đứng yên những năm gần đây. Trong khi đó, chi phí vẫn
tăng đều khi người trẻ dần di cư lên thành phố.
Trong
những năm sản xuất dư thừa, Chính phủ đã mua lại để dự trữ. Nhiều quốc
gia cũng làm như vậy - tích trữ lương thực để bình ổn giá cả trong nước
và đề phòng thiên tai, nạn đói. Tuy nhiên, dự trữ của Trung Quốc được
cho là lớn quá mức cần thiết. Kho ngô được ước tính đủ cho 7 tháng nhu
cầu. Trong khi tiêu chuẩn chỉ cần 3 tháng.
Bên
cạnh đó, việc mua dự trữ còn làm nảy sinh vấn đề tham nhũng. Theo báo
cáo của một cơ quan truyền thông quốc gia tháng trước, nhiều quan chức
đã mua lương thực chất lượng thấp với giá thấp, sau đó báo cáo là đã mua
sản phẩm chất lượng cao với giá cao và bỏ túi phần chênh lệch. Hoạt
động này được cho là rất phổ biến.
Kể cả
việc sản xuất đường - một loại hàng hóa ít quan trọng với chiến lược
nông sản của Trung Quốc, cũng kém hiệu quả do có sự can thiệp của Chính
phủ. Giới chức muốn 85% lượng tiêu thụ được sản xuất trong nước. Tuy
nhiên, các trang trại trồng mía của nước này hiệu suất rất thấp, chỉ
bằng nửa so với Brazil – nước sản xuất mía lớn nhất thế giới.
Giá
đường trong nước cũng cao hơn gấp đôi giá quốc tế. Kể cả khi tính chi
phí vận chuyển và thuế nhập khẩu lên tới 50%, hàng nhập cũng vẫn rẻ hơn.
Vì thế, Chính phủ nước này đang giảm nhập khẩu để tránh thị trường
trong nước bị lấn át.
Một số
quan chức nước này dường như cũng nhận thấy chính sách tự cung tự cấp
cần linh hoạt hơn. Thủ tướng Trung Quốc - Lý Khắc Cường năm ngoái đã
nhận xét mục tiêu của Trung Quốc là "hoàn toàn đảm bảo an ninh" về lương
thực.
Một số
người đã nhận ra sự mập mờ trong câu nói này. Và thế là một cuộc tranh
luận nổ ra về việc tăng mua trên thị trường quốc tế hơn là tự trồng
trong nước liệu có thể đảm bảo an ninh hay không. Tuy nhiên, Chính phủ
không muốn gây ra bất ổn trong nước. Vì vậy, họ vẫn hạn chế nhập khẩu
mỗi khi cảm thấy các nhà sản xuất trong nước bị đe dọa. Minh chứng rõ
ràng nhất là những người nông dân trồng mia tại Sùng Tả. Chính phủ luôn
sẵn sàng giúp đỡ để họ tiếp tục canh tác trên các cánh đồng cho năng
suất thấp. Sùng Tả không được phép chết.
(Nguồn: taydo)