Tiền Giang: Kỹ thuật trồng sầu riêng nghịch vụ thu lợi nhuận cao
Mạnh dạn áp dụng KH-KT vào sản xuất, xử lý sầu riêng ra hoa trái vụ giúp nhiều nông dân Tiền Giang thoát cảnh "chạy ăn từng bữa".
Anh Lê
Văn Đình (sinh năm 1969) ở ấp 4, xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy, Tiền Giang
đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất ruộng sang trồng chuyên
canh cây sầu riêng, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, xử lý sầu riêng ra hoa trái vụ và cho hiệu quả năng suất cao.
Anh Đình cho biết, sau khi lập gia đình, được cha mẹ cho 2.000 m2 đất
ruộng, anh tiếp tục gắn bó với nghề nông, nhưng chủ yếu sản xuất lúa
theo phương thức truyền thống. Trong những vụ sản xuất truyền thống, lúa
dễ bị sâu bệnh, thất mùa, giá cả không ổn định, kinh tế gia đình gặp
nhiều khó khăn, vợ chồng anh phải đi làm thuê để có tiền trang trải chi
phí trong gia đình.
Kỹ thuật trồng sầu riêng nghịch vụ giúp nông dân Tiềng Gaing thu lợi nhuận cao
Đến năm
2000, chủ trương của địa phương có đê bao khép kín và được sự hướng dẫn
của ngành nông nghiệp, anh Đình cải tạo lại toàn bộ đất ruộng chuyển
sang trồng chuyên canh cây sầu riêng Ri6 và Monthong. Chịu khó học hỏi
và cần cù chăm sóc, vài năm sau, vườn sầu riêng nhà anh cho năng suất
khá cao, từ đó kinh tế gia đình ổn định hơn.
Với vốn tích lũy, cộng với việc tiết kiệm trong chi tiêu, gia đình anh mua thêm 5.000 m2 đất
vườn tạp, thấy trồng sầu riêng có hiệu quả, anh cải tạo lại đất mới
mua, lên liếp để trồng sầu riêng. Ngoài ra, anh tham gia các lớp tập
huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật do Hội Nông dân tổ chức, chịu khó
học hỏi kinh nghiệm trên báo, đài và các nhà vườn đi trước, nhờ vậy mà
vườn sầu riêng nhà anh phát triển tốt, ít sâu bệnh.
Hàng
năm, vào tháng 5 âm lịch, sầu riêng cho thu hoạch sản lượng cao nhưng
do đây là mùa thuận nên hàng dội chợ, bị thương lái ép giá. Thông qua
tập huấn khuyến nông, anh Đình chủ động xử lý cho cây ra hoa trái vụ
bằng cách sau mỗi vụ thu hoạch, tỉa những cành, chồi thừa, chú trọng bón
phân chuồng, hữu cơ, sinh học... Đồng thời, phun thuốc bảo vệ thực vật
phòng trừ sâu bệnh, dưỡng lá, giúp cây phục hồi và ra đọt non đồng loạt.
Đến
khoảng tháng 6 âm lịch, khi cây ra đủ 3 cơi đọt, lá chuyển sang lụa,
anh đào hộc xung quanh gốc sầu riêng khống chế bộ rễ, dùng màng nylon
phủ kín gốc, điều tiết nước cạn trong mương, kết hợp phun thuốc kích
thích giúp cây ra hoa. Khoảng 1 tháng hoa ra nhụy, anh dùng chổi thụ
phấn nhân tạo, phun thuốc định kỳ, bón phân nuôi trái, tỉa bớt trái xấu,
để cây mang trái vừa đủ, hạn chế cây suy yếu.
Khoảng
5 tháng sau cây cho thu hoạch, thời điểm này sầu riêng hiếm, thương lái
đến tận vườn mua với mức giá trung bình 55.000 đồng/kg. Nhờ áp dụng
đúng các quy trình kỹ thuật từ khâu chăm sóc, chọn giống, bón phân, tỉa
cành hợp lý, vụ sầu riêng nghịch nào anh cũng trúng mùa, trúng giá, sản
lượng đạt 10 tấn/năm. Sau khi trừ chi phí anh thu lợi nhuận trên 200
triệu đồng/năm.
Anh
Đình chia sẻ: "Xử lý sầu riêng trái vụ là phải chấp nhận rủi ro, vì vậy
cần áp dụng đúng kỹ thuật thì cây mới ra hoa, đậu trái nhiều. Ngoài ra,
phải kết hợp với việc phòng trừ bệnh xì mủ và cháy lá trên cây sầu
riêng, giúp cây phát triển tốt, như vậy trái mới đạt chất lượng khi thu
hoạch".
Với
nguồn thu nhập khá cao, gia đình anh dần bớt khó khăn, cuộc sống ổn
định, vươn lên làm giàu chính đáng trên chính mảnh đất quê hương. Nhiều
năm liền, anh được tuyên dương là nông dân sản xuất giỏi cấp xã.
Không
giữ bí quyết riêng cho bản thân, người nông dân này còn nhiệt tình chia
sẻ kinh nghiệm xử lý sầu riêng nghịch vụ cho bà con láng giềng khiến bộ
mặt quê hương dần thay đổi tích cực. (Nguồn: taydo)