Chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp
Cục trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết do tình hình nắng hạn kéo dài, vụ lúa hè thu và vụ mùa năm 2015, các địa phương ven biển Nam Trung Bộ (từ Ðà Nẵng tới Khánh Hòa) và Tây Nguyên, dự kiến chỉ gieo sạ hơn 346 nghìn ha, đồng thời có kế hoạch chuyển đổi gần 9.000 ha trồng lúa sang trồng các loại hoa màu khác như ngô, rau, đậu các loại, dưa hấu... theo hình thức xen canh, luân canh.
(Ảnh: minh hoạ)
Ðược biết trước đó, vụ lúa đông - xuân 2014 - 2015 các địa phương tại khu vực này đã gieo sạ gần 263 nghìn ha, với sản lượng dự kiến đạt hơn 1,6 triệu tấn. Nhưng do nắng hạn nặng kéo dài cho nên nhiều diện tích đất nông nghiệp ở các tỉnh Ðác Lắc, Khánh Hòa... và khu vực Tây Nguyên, lúa không thể trồng được, hoặc phải chuyển sang trồng các loại hoa màu khác, với diện tích hơn 4.880 ha cho nên sản lượng bị giảm tới 35 nghìn tấn so với vụ đông - xuân năm trước. Nếu tính cả vụ hè thu và vụ mùa năm nay, các địa phương trong vùng hạn nặng có gần 14 nghìn ha đất lúa đã phải chuyển đổi sang các loại cây trồng khác, khiến sản lượng lúa toàn vùng có thể bị giảm mạnh, gây thiếu hụt lương thực toàn vùng.
Ðể chủ động bù lại sản lượng lương thực giảm sút do hạn hán, trong khi tình trạng nắng hạn được dự báo còn kéo dài, Cục Trồng trọt cần khuyến cáo nông dân các địa phương, ngay sau khi thu hoạch vụ lúa đông - xuân, cần tranh thủ đất còn ẩm triển khai cày ải phơi đất; tiến hành nạo vét, sửa chữa hệ thống kênh mương nội đồng, vệ sinh đồng ruộng để gieo sạ ngay khi có mưa, hoặc đủ nước, đồng thời chú ý chỉ gieo sạ giống ngắn ngày, có thời gian sinh trưởng dưới 100 ngày; kiên quyết không để bà con nông dân gieo sạ trên những khu vực không bảo đảm đủ nguồn nước tưới trong toàn vụ, hoặc không có nguồn nước tưới bổ sung; chuyển những vùng đất trồng lúa không chủ động được nguồn nước tưới sang trồng các loại hoa màu khác theo những mô hình luân canh, xen canh.
Trong điều kiện khô hạn, việc chuyển đổi đất lúa sang trồng rau, màu, và các loại cây công nghiệp ngắn ngày là biện pháp tiết kiệm nước, tương đối an toàn, mà lợi nhuận nhiều khi cao hơn so với trồng lúa. Các địa phương tùy tình hình thực tế về điều kiện đất đai, phong tục tập quán canh tác mà áp dụng mô hình sản xuất phù hợp, mới đem lại hiệu quả thiết thực.
(Nguồn: taydo)
- Nhận đường liên kết
- X
- Ứng dụng khác
- Nhận đường liên kết
- X
- Ứng dụng khác