Bộ Nông nghiệp ủng hộ thành lập Hiệp hội Mắc ca
Him Lam và Ngân hàng Bưu điện Liên Việt đang xúc tiến các bước để thành lập hiệp hội này trong năm 2015.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có công văn 2930 về việc phát triển cây mắc ca tại Việt Nam. Theo đó, Bộ ủng hộ đề xuất của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) thành lập Hiệp hội mắc ca Việt Nam và Tây Nguyên.
Mắc ca là cây trồng mới, các vấn đề về công nghệ, chế biến, thị trường, quy trình kỹ thuật nhân giống, trồng, chăm sóc... vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện, do đó, cơ quan này cho rằng LienVietPostBank cần phối hợp nghiên cứu, đánh giá thị trường và kỹ thuật trồng trên thế giới để rút kinh nghiệm phát triển cây mắc ca tại Việt Nam.
Bộ cũng chỉ định Tổng Cục Lâm nghiệp là đơn vị quản lý cây mắc ca làm đầu mối để làm việc và phối hợp với ngân hàng trong các vấn đề về phát triển cây mắc ca.
Viện nghiên cứu phát triển mắc ca cũng được thành lập từ nguồn vốn xã hội hoá.
|
“Hiệp hội mở ra là để quản lý chất lượng sản phẩm, xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu chung cho mắc ca Tây Nguyên và mắc ca Việt Nam, điều mà nông sản Việt Nam còn đang yếu và làm giảm đi sức mạnh cạnh tranh tại nội địa và trên thế giới”, ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị LienVietPostBank cho biết.
Trong công văn gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước đó, ngoài việc đề xuất thành lập hiệp hội, LienVietPostBank còn muốn cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc xúc tiến nghiên cứu xây dựng đề án cụ thể về thị trường tiêu thụ mắc ca trong nước và quốc tế. Nhà băng này cũng cam kết dành 20.000 tỷ đồng để đầu tư phát triển mắc ca trong 5 - 10 năm.
"Nếu có sự kết hợp giúp đỡ của Bộ và các ngành chức năng, việc đưa cây mắc ca trở thành cây chiến lược cũng như tất cả hoạt động liên quan đến sự phát triển của cây mắc ca sẽ đem lại hiệu quả thiết thực", LienVietPost Bank cho hay.
Tại Hội thảo Chiến lược phát triển cây mắc ca tại Tây Nguyên tháng 2/2015, ông Dương Công Minh - Chủ tịch Tập đoàn Him Lam trực tiếp đề xuất thành lập Hiệp hội mắc ca Tây Nguyên với trụ sở tại Lâm Đồng và văn phòng tại TP HCM.
Hiện Him Lam và LienVietPostBank đang xúc tiến các bước để thành lập hiệp hội trong năm nay. Hiệp hội Mắc ca Tây Nguyên cũng sẽ thành lập Viện nghiên cứu phát triển mắc ca bằng vốn xã hội hoá, cổ đông chính là Him Lam, có các chuyên gia nước ngoài làm tư vấn.
Các thành viên tham gia hiệp hội được vay vốn có bảo hiểm từ thiện và phải sử dụng đúng loại giống hiệp hội quy định, thực hiện đúng quy trình kỹ thuật chăm sóc phát triển cây mắc ca do hiệp hội hướng dẫn, sau đó họ sẽ được bao tiêu sản phẩm.
(Nguồn: taydo)